Thứ Ba

Để ta viết về ta một thời nhé!

Để ta viết về ta một thời nhé!

Cái thời mà người ta mới chỉ biết dùng xe đạp và cái máy tuốt lủa chạy bằng sức người, cái thời mà lúa bào thai là loại năng suất nhất, cái thời mà ta còn mặc quần bục đít đôi khi còn có 5, 6 miếng vá chằng chịt. 


Cái thời mà manh áo cái quần ta mặc nó mầu nhạt, và mầu đất, cái thời ta đi tắm cả lũ ở một cái giếng cởi chuồng tông nhông không biết ngại, cái thời đi thả trâu lúc nào cũng thích ngồi vắt vẻo lưng trâu suốt ngày mà không muốn xuống.

Để ta viết về ta một thời nhé!
Cái thời ấy nay xa lắm rồi. Nhưng nó làm ta nhớ đến cồn cào, nhớ chỉ muốn được trở lại một lần. Được ăn cơm gới sắn được ăn canh rau muốn luộc và bát tương bần cha làm. Cái thời đó nghèo đói mộc mạc nhưng nồng ấm đến lạ.

Còn nhớ có lần bị ba đánh đòn vì không đuổi trâu về kịp cho ba đi cầy. Để rồi tối không dám về mà chạy ra đằng sau truồng rơm nằm ngủ một giấc đến khuya mới dám về nhà, khi biết ba về không còn giận nữa.

Vậy mà nay ba mẹ đã già cả rồi, có muốn bị đánh cũng không được, vì có đánh ba mẹ cũng sợ con mất thể diện hoặc là không đủ nhanh chân để đánh nữa.

Có lẽ là vậy

Bao năm ta sống xa nhà
Giờ mẹ tóc bạc cha già gập thân
Vẫn còn đó chút phân vân
Người sang kẻ khó còn lần được sao

Con người chạy theo cuộc sống, đồng tiền rồi cũng đến một lúc già cả ốm đau không còn làm được nữa, khi mà mọi phương thuốc không còn tác dụng với họ chắc chỉ cần sự tha thứ và tình yêu thương từ gia đinh chứ đâu còn cần đến giầu sang hay nghèo khó nữa.

Mẹ già tóc bạc ba xa
Tám lăm vất vả má mong con đầu
Mẹ như bến nước sông cầu
Đem bao mầu mỡ mẹ đâu cần gì


Có phải chăng ta cũng quá thực dụng để rồi bỏ quên một thứ, đó là tình yêu thương dành cho ba mẹ khi về già. Có lẽ là ta bất hiếu hay ta đang tự cho mình cái quyền đi xa không về thăm nom được, để từ đó mọi thứ cứ trôi theo vô thức của cuộc sống thường ngày, ăn, ngủ và làm như một cỗ máy di động không còn tình thương?

Hay

Gian khó không quản nắng mưa,
Nuôi con khôn lớn cha vừa sáu mươi
Bốn mươi năm nửa đời người,
Rau rừng củ sắn tình mười cha con!
......
Bao năm lặn lội thân cò,
Chở bao lữ khách vẫn lo chọn tình!
Bao năm mưa nắng rập rình,
Cha vẫn nơi ấy một mình bao dung!
.....
Hay như một chút mà trong bài Mơ Quê của Minh Trường viết này vậy, nó đúng và đủ nói lên sự mộc mạc nồng ấm của một thời ta đã tưng được sống và cảm nhận bằng chính nỗi lòng của mình.

Mơ quê

Vừa ngả lưng ta như chút nỗi lòng
Nhẹ thong thả theo ta về thủa nhỏ
Nơi bếp hồng có đóm lửa khói đen
Nơi chiều đến con đường tối không đèn

Chỉ lập lòe đom đóm chiếu bờ khe
Nơi ta đến mẹ ta còn rất trẻ
Nắng mưa đông hè đâu quản rừng sâu
Nơi ta đến nơi chỉ có đèn dầu

Canh rau muống và chút vừng muối mặn
Sống qua ngày nơi một thoáng bình yên
Nơi ta đến chứa đựng cả nỗi niềm
Của mẹ cha cùng xa rời tuổi trẻ

Tầm thân gầy manh áo mỏng vá năm
Nơi ta đến có những đêm trăng rằm
Cả chúng bạn rủ nhau chơi khắp xóm
Bày đủ trò la hét mãi không thôi

Nơi ta đến nơi có những ngọn đồi
Mỗi chiều về ta vẫn ngồi ngắm lặng
Ông mặt trời treo vắt vẻo đỉnh cao
Nơi ta đến chiều lao xao tiếng mõ

Đàn trâu ùa như hòn đá vội lăn
Nơi ta đến có em bé cuộn khăn
Vác trên vai đôi ba cây củi nặng
Sống lưng oằn vai chai sạm chân trần....

David Nguyễn