Thứ Năm

Du học, Những hào Nhoáng, tủi nhục


Bố mẹ khó khăn lắm mới vay mượn được tiền chứng minh tài chính cho nó đi du học. Khoản tiền đóng học lần đầu tiên, rồi tiền ăn ở, nhà cửa, cũng là đi vay nặng lãi mà ra. Người ngoài nhìn vào cười cho. Hoàn cảnh gia đình mình ra sao thì rào theo đó mà sống. Đằng này, chỉ là cây cỏ lề đường mà muốn vươn lên đại thụ, càng cố càng đuối.
Nhưng mặc mọi người nói, bố mẹ vẫn mong muốn nó đổi đời. Học bổng được 30% học phí, số tiền còn lại là 70% cùng với tiền nhà, tiền ăn uống, đi lại năm đầu, so với gia đình nó là con số không hề nhỏ. Làm công ăn lương, nuôi miệng chưa đủ, huống hồ... lấy đâu ra mà dư?
Mộng du học không như mơ
Nhưng nếu cho nó đi du học, sau này nó cố gắng, chắc cũng được ở lại làm nước ngoài. Tương lai rộng mở, tiền đồ rộng rãi. Mà các bạn nó đi du học cũng nhiều rồi. Trường chuyên mà. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện, nhưng chỉ cần đi được, được đi, thì dù vay mượn sao cũng ráng. Bố mẹ nó nghĩ: "Con người ta làm được. Con mình cũng làm được."
Thế là nó lên đường đi du học nước ngoài. Như bạn bè mách nước trước khi đi, nó ở trong ký túc xá năm đầu tiên, rồi vừa học vừa lách luật đi làm. Gọi về cho bố mẹ khoe, một giờ lương được 7,8$, ngày làm mấy tiếng, một tháng cũng được bảy tám trăm đô ấy. Bảy tám trăm đô? Những mười mấy triệu một tháng? Lương của cả bố lẫn mẹ nó cũng chỉ được có 8 triệu / tháng. Trời ơi, con mình sắp đổi đời thật rồi - Bố mẹ nó nghĩ. Bây giờ, mới vừa đi học vừa đi làm đã vậy, sau này đi làm thật rồi, thì còn biết bao nhiêu cơ hội tiền bạc?
Vất vả, ngày ngày đi làm, ki cóp, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu, dành tiền trả lãi vay cho nó đi học. Nhưng mỗi lần nghĩ tới việc đã chọn cho con một con đường đi đúng, để tương lai nó bớt khó nhọc, cơ hàn... bố mẹ nó lại mừng rơi nước mắt.
Ở phương trời ấy, nó nào đâu dám nói cho bố mẹ biết rằng, số tiền kiếm ra chẳng đủ ăn, cũng không đủ tiêu. Mỗi tháng còn cố nhịn, gửi về cho bố mẹ một hai trăm, cho bố mẹ mừng, đỡ lo, gom góp trả dần món nợ.
Nhưng lịch học ngày càng dày đặc. Ban ngày nó không đi làm được nữa. Chỉ còn có thể lén làm phục vụ ở khu Chinatown, với mức lương ít ỏi, lại phải làm thêm vào ban đêm. Có điều, nếu ở ký túc xá thì không đi làm buổi tối được. Nó đành dọn ra ngoài. Tiền thuê mắc hơn một chút, nhưng được đi làm vẫn hơn. Không thì chết đói!
Cuộc sống xa xứ cực không thể nói, có nói cũng chẳng bớt cực đi. Ngày nối ngày cắm đầu vào học, cắm cổ vào làm. Người gầy rộc đi mà không dám ốm. Mỗi lần bị bệnh vẫn ráng đi học đi làm.
Nhưng sao nó thấy cuộc đời nó tăm tối thế? Đi làm nhiều, kết quả học tập không được tốt. Lại sợ bị phát hiện đi làm thêm, trái quy định, sẽ bị huỷ visa, đuổi về nước. Không ngày nào nó không nơm nớp lo âu. Đời nó sẽ đi về đâu? Không biết nữa. Học lẹt phẹt thế này, thì chỉ có thể làm chân tay ở trời tây chứ lấy đâu ra làm ông này bà nọ.
Nhưng làm sao có thể phụ bạc niềm tin của cha mẹ nó? Ánh mắt sáng bừng hoà lẫn vớt dòng nước mắt tuôn rơi khi nghĩ về con nơi xa xứ?
Cuộc sống này, sao đời người cứ dễ dàng bị dòng tiền cuốn trôi như thế?
Tuổi trẻ của nó rồi cũng sẽ trôi qua... ngày nối ngày trong những lo toan nặng nhọc.
Đùng một cái, cuối năm, nó nhận được thông báo của trường, không cho phép tiếp tục theo học vì lý do nghỉ học quá nhiều. Visa của nó thế là tiêu, không thể nào gia hạn tiếp.
Người ta vẫn bảo, khi cánh cửa này đóng lại, một cánh cửa mới sẽ mở ra.
Và với nó, một cánh cửa đã đóng lại. Một cánh cửa khác đúng là đã mở ra.... dẫn nó tới cuộc sống nhập cư bất hợp pháp, trốn chui trốn lủi, làm việc quần quật, với mức lương ít ỏi nơi xứ người...
- Gào / Ghi chép dựa trên một câu chuyện có thật -