Thứ Bảy

Hãy kiếm tiền trước rồi thực hiện đam mê sau

Tuổi trẻ ngắn lắm, cứ sống cuồng nhiệt và đấu tranh với gian khổ cho những gì mình yêu thích đi. Bởi biết đâu nếu cứ để mong ước của mình sang một bên để tập trung kiếm sống thì đến một ngày nào đó bạn sẽ bị lạc lối trong công việc mà đánh mất những điều tốt đẹp hơn thế, mất đi ước mơ cuộc sống sẽ trở nên tẻ nhạt lắm, rồi đến một ngày không chỉ sự mệt mỏi mà còn cả những nuối tiếc sẽ luôn làm ta day dứt, có phải không?

Đó là câu nói mà tôi đã gặp rất nhiều từ lúc rời bước chân khỏi cổng trường đại học, và đó cũng là con đường mà nhiều bạn bè của tôi đã lựa chọn.

Tôi có một người bạn rất thích chụp ảnh và đi du lịch, cô ấy mơ ước sau khi ra trường sẽ làm cho một tạp chí du lịch nào đó. Nhưng người ta lại yêu cầu người có kinh nghiệm, có máy ảnh kỹ thuật số, có laptop riêng, có phương tiện đi lại… Chỉ là một sinh viên nghèo, cô ấy chẳng có gì trong số những thứ mà người ta yêu cầu, để hoàn thành bốn năm đại học cô ấy đã phải rất vất vả, đi làm thêm không nghỉ để lấy tiền trang trải chuyện học hành. Những thứ mà cô ấy có chỉ là ước mơ, ước mơ được làm công việc của một phóng viên Ảnh. Một số tiền bối trong nghề bảo cô ấy hãy tìm một việc gì đó liên quan đến công việc mà cô ấy mong muốn, cứ làm tạm đã . Những công việc đó là cộng tác viên cho các tòa soạn báo, nhân viên bán tranh ảnh phải vất vả lắm cô ấy mới tìm được những việc đó, kể ra thì cũng có chút liên quan đến lĩnh vực mà cô ấy đang theo đuổi, nhưng làm được một tháng cô ấy bỏ việc.

Cô ấy không theo được vì đồng lương quá thấp, trong khi có ấy có một khoản vay vốn ngân hàng mang tên cô ấy phải trả, đó là tiền vay vốn sinh viên. Gia đình không có điều kiện để chi trả cho cô ấy, là sinh viên mới ra trường, không có mối quan hệ, không có kinh nghiệm và một số kỹ năng căn bản như ngoại ngữ cô ấy rất khó tìm được một công việc tốt dù là công việc trái ngành. Bạn tôi gầy xọm đi vì suy nghĩ đến chuyện việc làm, chuyện cơm áo gạo tiền quá nhiều. Cuối cùng sau khi suy nghĩ chắc cũng nhiều cô ấy quyết định đi làm công nhân cho một nhà máy sản xuất và lắp ráp điện thoại, đó là chuyện bình thường hiện nay. Tôi biết mấy anh chị cựu sinh viên trường tôi và một số trường đại học khác nữa cũng từng và đang đi làm công nhân sau khi tốt nghiệp. Rất vất vả nhưng được cái đồng lương ổn định, nếu chịu khó tăng ca thì cũng có thể kiếm được kha khá. Bạn tôi bảo trong năm đầu tiên sẽ kiếm tiền trả nợ nần, báo hiếu cha mẹ và sắm sửa thiết bị tác nghiệp trước. Xong rồi mới bắt tay vào thực hiện đam mê của mình. Mấy đứa chơi thân với nhau thấy cô quyết định như vậy cũng chỉ biết ủng hộ chứ cũng biết nói thế nào nữa, mong rằng cô ấy luôn giàu đam mê và sẽ sớm thực hiện được ước mơ của mình. Thế là cô ấy đi làm công nhân. Sau hơn nửa năm đi làm công nhân cô ấy thi tuyển sang bên văn phòng hành chính của công ty làm cho đỡ vất vả hơn và cũng là tạo cơ hội cho tấm bằng đại học của mình được người ta nhìn thấy.

Rồi một năm cũng qua đi, cô ấy đã gần trả xong nợ vay vốn sinh viên, và cũng tiết kiệm được chút ít gửi về cho gia đình. Cô ấy không mua được máy ảnh, không mua được laptop…chỉ mua được một cái xe máy cũ. Cái được và chưa được là như thế nhưng thứ mất đi thật là ghê gớm. Cô ấy đã bị vòng xoáy của vấn đề cơm áo gạo tiền cuốn đi, một năm tập trung kiếm tiền cô ấy không có thời gian để trau dồi đam mê và cô ấy bảo tâm hồn cô ấy đã chai sạn không thấy có cái gì xinh đẹp nữa. Cô ấy lại bị khủng hoảng thêm lần nữa vì không biết mình phải làm gì, cần làm gì và nên làm gì. Cô ấy bảo rất mệt mỏi và chán chường khi làm công việc ở nhà máy, dù là ngồi trong văn phòng đi chăng nữa. Cô ấy cũng không muốn làm phóng viên Ảnh nữa, cô ấy lấy cớ là mình vẫn chưa có những công cụ tác nghiệp nhưng sâu thẳm bên trong thì tôi biết là cô ấy đã sợ, cô ấy sợ mình không làm được, sợ mình không được tòa soạn nào nhận vì suốt một năm đi làm công nhân cô ấy chẳng trau dồi thêm được kinh nghiệm gì cho nghề ấy cả. Cô ấy không biết thể hiện những gì trong hồ sơ xin việc, mọi người bảo cô ấy cố gắng mua một cái máy ảnh rẻ tiền thôi, bắt đầu chụp ảnh và gửi cộng tác với các báo xem sao. Cô ấy nói sẽ làm nhưng rồi lại bị công việc cuốn đi, cô ấy bảo không có thời gian. Trông cô ấy lúc nào cũng mệt mỏi, gầy gò và cô ấy đi làm chỉ vì nghĩ mình cần một công việc, cần thu nhập thôi chứ chẳng có chút hứng thú nào cả. Cô ấy cũng không dám bỏ việc để chạy theo ước mơ xưa kia, vì sợ tình trạng thất nghiệp sẽ kéo dài, sợ không có tiền để gửi về cho gia đình… nói chúng cố ấy sợ đủ thử. Nỗi sợ đã hoàn toàn giết chết ước mơ của cô ấy, cô ấy vẫn thích làm một phóng viên ảnh nhưng lại không dám mơ ước nữa, không dám nói ra.

Có lẽ để làm được những gì mình mơ ước chúng ta nên học cách sống cho riêng mình, bạn tôi đã sống rất nhiều cho gia đình và hầu như chỉ biết đến gia đình. Cô ấy đã không dành dụm gì cho mình, kiếm được bao nhiêu tiền cô ấy đều gửi về cho gia đình trong khi cha mẹ cô ấy không yêu cầu cô ấy phải làm như vậy một cách đều đặn hàng tháng. Và nỗi sợ hãi không hề tốt cho đam mê và ước mơ, để có được một điều gì đó đôi khi bạn phải liều lĩnh, bạn tôi quá sợ khi nghĩ đến cảnh thất nghiệp, cảnh thiếu thốn khi làm công việc mà mình mong muốn, cô ấy đã không dám bước đi. Cô ấy chọn kiếm tiền trước rồi thực hiện ước mơ và đam mê sau nhưng trong thời gian kiếm tiền cô ấy đã hoàn toàn gạt ước mơ sang một bên, đã gọi là ước mơ thì bạn không nên bỏ rơi nó mà phải luôn để nó đồng hành cùng mới phải.

Tuổi trẻ ngắn lắm, cứ sống cuồng nhiệt và đấu tranh với gian khổ cho những gì mình yêu thích đi. Bởi biết đâu nếu cứ để mong ước của mình sang một bên để tập trung kiếm sống thì đến một ngày nào đó bạn sẽ bị lạc lối trong công việc mà đánh mất những điều tốt đẹp hơn thế, mất đi ước mơ cuộc sống sẽ trở nên tẻ nhạt lắm, rồi đến một ngày không chỉ sự mệt mỏi mà còn cả những nuối tiếc sẽ luôn làm ta day dứt, có phải không?