Nho giáo có câu: "Quân tử mười năm, trả thù chưa muộn". Nhất là những mối thù giết cha mẹ thì thề cả đời không đội trời chung. Đó là hình mẫu của bậc quân tử theo tinh thần Nho giáo. Biết bao phim ảnh đã được dựng lên trên tinh thần "thù dai, nhớ lâu" như vậy. Và nếu bất thần trong một bộ phim kiếm hiệp nào đó thấp thoáng những lời khuyên: "Lấy oán báo oán, oán oán chập chùng; lấy ân báo oán, oán oán liền tiêu", bạn phải nghĩ ngay đến nhân vật đó hẳn xuất thân từ Thiếu lâm tự.
Hình mẫu của một vị đệ tử Phật khác xa hình mẫu của Nho giáo. Phật giáo lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy yêu thương để hành xử, nên "tha được thì cứ tha, mà tha không được thì cũng cứ tha", vì ai trong chúng ta cũng đều có Bồ đề tâm, có khả tính thành Phật hết. Trả thù hay giết nhau chính là giết chết chính hạt giống Bồ đề tâm trong mình, giết vị Phật của chính mình.
Bạn hỏi tôi về tha thứ? Làm cách nào để tha thứ?... Tôi trả lời thật lòng nhé: Tôi không biết, và chẳng có cách nào để thực hiện nó cả. Khôn thì tự biết mà buông xuống, không buông xuống được thì khổ ráng chịu. Chẳng ai cấm.
Tha thứ?... Tư cách gì?! |
Nếu nó là ý niệm phái sinh của đúng và sai, vậy hãy chắc rằng cái gì là đúng và cái gì là sai. Nhưng đúng và sai tuỳ thuộc góc nhìn, quan điểm, chỗ đứng cũng như hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Có thể nó sai lúc này nhưng lại đúng lúc khác, có thể nó sai trên quan điểm này nhưng lại đúng trên quan điểm khác, có thể nó sai với người này nhưng lại đúng với người khác, có thể nó sai trong nền văn hoá này nhưng lại đúng trong nền văn hoá khác... Bạn lấy tư cách gì để khẳng định một hành động nào đó là đúng hay sai, hay sự phán xét của bạn cũng cần phải được phán xét lại?!
Giả sử đánh giá của bạn là đúng, trong hoàn cảnh cụ thể của bạn, vậy từ đâu bạn cho bạn cái quyền tha thứ hay không tha thứ cho một hành động sai trái của người khác? Bạn là Chúa toàn năng toàn hảo, không bao giờ phạm sai lầm? Hay bạn là quan toà công minh nhất trong tất cả những quan toà công minh? Hay thật ra chính bạn cũng phạm sai lầm như bao người khác, có khác chăng là bạn không phạm phải sai lầm như sai lầm của đối tượng, nhờ thế mà bạn cho mình có quyền tha thứ hay không tha thứ?!Tha thứ? Nghĩa là bỏ qua một hành động sai trái nào đó. Bạn có chắc một hành động nào đó là không để lại hậu quả nhất định nào đó, dù ít hay nhiều? Nếu nó để lại một hệ quả tương ứng, ai sẽ là gánh chịu nó? Bạn - với tư cách là người tha thứ? hay kẻ làm sai - được quyền xoá bỏ những hệ quả của hành động?... Trong cả hai trường hợp, tôi cho là KHÔNG AI có thể xoá bỏ được hệ quả mà hành động đã tạo ra.
Tha thứ? Nghĩa là chấp nhận một hành động sai trái nào đó. Chấp nhận nghĩa là thừa nhận và sống chung. Chẳng hạn bạn chấp nhận chuyện tôi nhậu nhẹt, nghĩa là bạn thừa nhận sống chung với kẻ nhậu nhẹt như tôi. Nếu đã thừa nhận và sống chung, thì kẻ tha thứ đồng loã với hành động sai trái, vậy lấy tư cách gì để bạn tha thứ cho hành động của người khác?
Tha thứ? Nghĩa là có kẻ cao hơn và thấp hơn - một kẻ phán xét và một kẻ bị phán xét. Nếu bạn nghĩ mình là Chúa, ok, bạn được quyền phán xét bất kỳ ai. Nhưng sự phán xét chỉ có ý nghĩa khi kẻ bị phán xét cũng thừa nhận bạn là Chúa. Còn ngược lại, sự phán xét là vô giá trị. Chẳng hạn, trong mắt tôi chẳng có Chúa trời nào hết, thế thì Chúa có phán tôi rơi xuống bảy tầng địa ngục, lời phán xét ấy cũng vô giá trị với tôi. Trong mối quan hệ giữa người với người, ai cũng nghĩ mình cao hơn người khác, trong sạch hơn người khác... thế thì ai là kẻ chịu chấp nhận kém trong sáng hơn để rồi cần đến sự tha thứ từ người khác? Trong trường hợp này, tôi tin chẳng có thằng điên nào tự nhận mình kém cỏi cả. Và vì thế, lời phán xét từ một phía mặc nhiên vô giá trị.
Bạn có thấy những khúc mắc mà tôi vừa nêu, chỉ quanh ý niệm tha thứ mà bạn đã đặt câu hỏi chưa? Tuy vậy, tôi không nghĩ bạn hỏi tôi chỉ về ý niệm tha thứ, mà có lẽ nó thực tế và cụ thể hơn nhiều, chẳng hạn tôi có nên tha thứ cho chồng/vợ đã phản bội tôi không? hoặc tôi có nên tha thứ cho người yêu đã lừa dối tôi không? hoặc tôi có nên tha thứ cho những đứa bạn đã đi nhậu mà quên tôi rủ tôi không?... Có lẽ bạn đang muốn hỏi tôi trong những trường hợp cụ thể như vậy, phải không nào?
Thế thì thật lòng tôi xin trả lời luôn: Tôi không biết. Bạn thích tha thứ thì tha thứ mà không tha thứ thì chia tay/ ly dị/ hay bo xì đứa bạn của bạn thế nào cũng được, tuỳ bạn. Đó chỉ là vấn đề quan hệ. Và trong mắt tôi, không chia tay lúc này thì chia tay lúc khác, vợ chồng trăm năm vẫn có kẻ chết trước chết sau cơ mà. Chuyện cụ thể này, với tôi, chẳng đáng quan tâm, nên cũng chẳng đáng để trả lời.
Tôi muốn đưa bạn đến một vấn đề khác, thiết thực với bạn hơn, ý nghĩa với bạn hơn, và qua đó có thể giúp cho bạn lớn lên, theo chiều cao, chứ không chỉ theo chiều rộng. Tôi muốn nói đến vấn đề: Tôi có nên tha thứ cho chính tôi không???
Trong cuộc sống mà bạn đã từng trải qua, có những việc như ý và có cả những việc bất như ý, và ngay kể cả trong việc như ý cũng có bất như ý, và trong bất như ý có cả việc như ý. Giả dụ bạn thích chiếc váy, một chiếc váy tuyệt đẹp mà bạn tìm kiếm bấy lâu nay, nhưng giá tiền của nó quá cao đến mức bạn không thể mua nổi nó. Như ý là bạn tìm được chiếc váy ưng ý, bất như ý là bạn không thể đem chiếc váy đó về nhà. Rồi đột nhiên anh người yêu của bạn thấy bạn quá thích chiếc váy đó, nên đã mua tặng bạn, kèm theo một ân tình không thể tính toán thành tiền. Thế là đang bất như ý vì không đủ tiền mua váy, lại như ý vì nhận ra tình cảm sâu đậm của anh người yêu thông qua hành động mua chiếc váy tặng bạn... Cứ thế, như ý, bất như ý, như ý, bất như ý cuốn bạn đi từ ngày này qua ngày khác.
Khi bạn biết cuộc sống của bạn là sự chông chênh giữa như ý và bất như ý, thì cùng với đó là sự chông chênh giữa đúng và sai, từ chính hành động của bạn, lẫn hành động của người khác tác động lên bạn. Bạn nằm trong chuỗi của đúng và sai, giống hệt như như ý và bất như ý. Như ý và bất như ý chỉ là cảm xúc; nhưng đúng và sai lại là hành động. Cảm xúc để lại hệ quả thoáng vui, thoáng buồn lên tâm thức; nhưng hành động lại để lại kết quả cụ thể trong tương lai. Chúng ta có tương lai, vì chúng ta ôm ấp hệ quả của hành động, và kéo dài nó ra. Chẳng hạn tôi phải tích tập sự ghi nhớ những ký tự căn bản đến mức thành thói quen, để hôm nay viết bài này không cần phải đánh vần từng chữ một. Tương lai chính là kết quả của sự ôm ấp hệ quả của hành động.
Bây giờ thì bạn đã thoáng hiểu tại sao có người lại có một tương lai tươi sáng đầy hy vọng, và một số người khác thì mặt lúc nào cũng cau có khó chịu chưa? Câu trả lời là: kẻ thì ôm ấp những cái tốt đẹp, những hy vọng vào cái mới... nên hắn luôn yêu ngày mai; kẻ thì ôm ấp những kỷ niệm đã qua, những sự kiện không còn nữa, những bất như ý kéo dài... nên hắn lúc nào cũng ủ rủ thê lương.
Tôi không nói đến chuyện bạn tha thứ cho sai lầm của kẻ khác. Tôi muốn nói đến chuyện bạn có đủ can đảm để tha thứ cho quá khứ của chính bạn hay không mà thôi. Bạn thấy đấy, việc chấp nhặt vào sai lầm của chính mình, hoặc của người khác... chẳng khác người ôm ấp những hạt giống xấu trong tâm, hạt giống theo thời gian sẽ nảy mầm, và ai là người gặt quả?? Chính bạn - chứ không phải kẻ mà bạn đang tỏ vẻ cao thượng tha thứ cho hắn- sẽ là người lãnh nhận. Còn kẻ đã làm sai thì sao? Hắn có quả của hắn, bất kể bạn có tha thứ hay không. Bạn nên ôm ấp thù hằn và mỏi mòn xác thân cho ngày được trả thù hay nhẹ nhàng buông xuống, để thân tâm thư thái đón nhận những hạt giống tích cực của ngày mai? - Đó là quyền của bạn, chẳng liên quan gì đến kẻ đã vô tình gây ra hành động sai trái với bạn.
Mỗi chúng ta, ai cũng nằm trong vô vàn các mối quan hệ
Mối quan hệ nào cũng gây ra trên thân tâm ta một biến đổi nhất định
Có biến đổi tích cực, có biến đổi tiêu cực
Việc của bạn là sẽ ôm ấp và giữ gìn biến đổi nào?
Ôm ấp hạt giống oán thù, bạn sẽ nhận được kết quả oán thù
Ôm ấp hạt giống yêu thương, bạn sẽ nhận được kết quả yêu thương
Kẻ gây ra những hạt giống tiêu cực trong bạn có kết quả riêng của hắn
Bạn tha thứ cho hắn hay thật ra bạn đang tha thứ cho chính mình?!
Trước khi dứt lời, tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về buông xuống nhé: Có một người khách tới hỏi một thiền sư: "Làm thế nào để buông được phiền não?" Thiền sư chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ đưa ly trà cho khách, rót đầy và bảo cứ cầm như thế. Khách cầm 5, 10 phút còn thấy nhẹ. Sau hơn 1h đồng hồ, chiếc ly trà kia giờ nặng như chiếc búa, thêm thời gian nữa, ly trà nặng như bao gạo, thêm thời gian nữa, người khách không thể cầm nổi ly trà và tự động đặt nó xuống chiếu. Tôi cũng muốn nói với bạn như vậy đấy: còn nắm được thì cứ nắm, đến khi nắm hết nổi thì sẽ tự động buông. Chẳng cần phải làm thế nào hết. Quá đơn giản phải không nào??
Suynghiem