Đọc xong nhật ký của con gái viết, tôi thấy tim gan mình như bị ai bóp nghẹt. Tôi tỉnh ngộ trước những dòng tâm sự nhòe nước mắt.
Hé cửa phòng thấy điện còn sáng, con gái đang gục mặt trên bàn, tôi nhắc con bé không thức quá khuya, nhưng có lẽ cháu đã ngủ quên nên không nghe thấy tiếng tôi gọi. Tôi bèn bước vào, định lay con bé thì vô tình đọc được những dòng chữ, là nhật ký của con gái:
"Bố! Mẹ làm vợ bố đã hai chục năm, nhưng kể từ khi con biết cảm nhận về cuộc sống, mẹ chưa bao giờ làm phật ý bố. Mẹ cũng chẳng bao giờ dám tự ý quyết định làm gì, dù đó là việc nhỏ. Bởi mẹ sợ bố. Trong kí ức con, những ngày thơ ấu là những tháng ngày phải hứng chịu những trận đòn roi, phải nghe những lời mạt sát, mắng mỏ của bố, là những tháng ngày phải chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, sỉ nhục mẹ. Còn nhớ, ngày ấy, bố mẹ trồng rau bán. Chỉ vì muốn kiếm thêm vài nghìn lãi mà mẹ đạp xe xa nhà hàng chục cây số từ lúc trời còn chưa sáng để bán rau. Hôm nào về nhà muộn, chẳng hiểu vì lí do gì mà bố càu nhàu mẹ, đánh mẹ. Bát cơm mẹ ăn cũng chan đầy nước mắt. Khi ấy, con còn quá nhỏ, chỉ biết khóc thương mẹ vì mẹ bị bố đánh. Giờ thì con hiểu rằng vì tình yêu với bố, thương chúng con mà mẹ đã cố gắng nhẫn nhịn. Có lẽ mẹ quá hiền lành, nhẫn nhục, cứ cung cúc nghe theo bố, chịu nghe mắng chửi, nghe kết tội oan, suốt bao lâu nay.
Vợ chồng đánh nhau minh họa |
Các cụ đã nói rồi: “Trời đánh tránh miếng ăn”, ấy thế mà cứ đến bữa cơm, bố lại ngồi phê bình, chỉ trích. Mặt bố thì hằm hằm, dùng những lời lẽ cay nghiệt với vợ con. Cả ngày có mỗi bữa cơm là thời gian cả nhà ngồi quây quần, thì bố lại làm khổ vợ con, tự làm khổ chính mình. Vì sao thế hả bố? Mà không hiểu sao càng ngày, bố càng thích uống rượu. Những khi có tí men trong người là bố dường như biến thành một người khác hẳn, hung hãn, sẵn sàng động khẩu, động thủ. Bố lôi những chuyện từ ngày nảo ngày nào, hay những chuyện không vừa ý ra rồi chửi bới. Mẹ và chúng con phải nghe răm rắp, không được hé răng nửa lời. Nếu có ngang ngạnh mà phản ứng lại thì thế nào nhà cũng có chuyện. Bởi vậy mà không khí gia đình cứ ngột ngạt, căng thẳng.
Bố có biết không? Nhiều lúc, bố giống như một ông vua, mỗi lời nói, mỗi mệnh lệnh vợ con phải răm rắp nghe theo. Bố mặc nhiên coi đó là quyền của mình. Điều gì không vừa ý thì bố phát khùng, làm thế này không được, làm thế kia cũng không được. Vì thế mà mẹ và chúng con đều cảm thấy rất mệt mỏi. Không biết phải như thế nào mới vừa lòng bố? Một cuộc sống lúc nào cũng nem nép, sợ bị mắng chửi, sợ bị đánh như vậy có phải là một cuộc sống hạnh phúc không bố? Thực sự là trong suy nghĩ của mình, đã có lúc con ao ước giá như không có một người bố gia trưởng như vậy. Giá như mẹ không có một người chồng độc đoán như vậy. Mẹ đã quá khổ sở! Chúng con không muốn mẹ phải khổ thêm. Khi mẹ đề nghị bố như thế này, chúng con hoàn toàn ủng hộ mẹ. Thế nên, bố hãy giải phóng cho mẹ con con, giải phóng cho chính mình và tìm cho bố một người có thể đem đến cho bố hạnh phúc và sự hài lòng.
Con cần phải nói với bố một điều rằng, gia trưởng là nguyên nhân khiến con người ta mất đi nhiều cơ hội hiếm hoi hoặc những mối quan hệ tốt trong cuộc sống. Một mối quan hệ được xây dựng trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, khi các bên cùng thoải mái, thì mới là mối quan hệ lâu bền và là minh chứng rõ rệt nhất cho sự yêu thương lẫn nhau. Chính sự độc đoán, gia trưởng của bố đã giết chết tình yêu của mẹ và chúng con dành cho bố.
Con đã từng hứa với bản thân mình rằng sau này lấy chồng, nhất định không được lấy người đàn ông nào gia trưởng. Bởi cuộc đời của mẹ, một cuộc đời lam lũ, vất vả, nhịn nhục, tiếng cười thì ít mà nước mắt thì nhiều ấy chính là bài học mà con cần phải thuộc lòng. Con người khó lòng sống thanh thản và thoải mái khi họ luôn phải sống theo ý muốn và sự áp đặt của người khác".
Đọc xong những điều con gái viết, tôi thấy tim gan mình như bị ai bóp nghẹt. Tôi tỉnh ngộ trước những dòng tâm sự nhòe nước mắt. Tôi là một người chồng, người cha tồi tệ trong mắt con. Tôi đã làm tổn thương vợ con mình bằng lối suy nghĩ, hành động gia trưởng. Tôi thực lòng không muốn mất đi gia đình, không muốn xa vợ, xa con. Có lẽ tôi sẽ phải thay đổi trước khi quá muộn.
Nguyễn Nga - Gia Đình Việt