Ngày bé, chưa được đi nhiều, cứ thấy người ta gọi Hải Phòng là “Thành phố Hoa Phượng Đỏ” thì nghĩ là chỉ có thành phố của mình mới có Hoa Phượng Đỏ mặc dù cũng không thấy nhiều phượng lắm. Hỏi thì người lớn nói ngày xưa, trước khi có trận bão lớn hay trước chiến tranh gì đó thì có nhiều cây phượng, nhưng giống phượng vốn giòn, dễ gãy nên sau bão có nhiều cây trên các phố chính đã gãy và người ta trồng thay thế bằng các cây khác an toàn hơn. Với lại nhiều người còn tin rằng (hoặc cố tin rằng) vì có bài hát “Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ…” nên người ta đã viết thế thì chắc là đã có lúc nào đó hoa phượng đã từng rợp trời đỏ.
Thế nào cũng được vì dù sao bài hát nghe cũng hay hay và cứ nhắc đến Hải Phòng là người ta nhớ ngay cái bài hát ấy. Điều ấy tốt, theo cách nói hiện đại là “có thương hiệu” – một thứ logo của Hải Phòng đã được tạo nên như thế, bằng niềm tin của giai cấp công nông hăng say xây dựng trên thành phố ngọn cờ đầu của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa.
Lớn lên đi xa một tí thì thấy hóa ra đâu chỉ có Hải Phòng mới có hoa phượng, nhiều chỗ khác cũng có, Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An… Thì đành tặc lưỡi là hoa phượng ở những chỗ đó nó đếch đỏ bằng ở Hải Phòng.
Lớn thêm lên tí nữa, đi xa hơn tí nữa thì thấy ở một vài chỗ khác hoa phượng nó còn đỏ hơn Hải Phòng nhiều. Thì đã sao, vấn đề là “thương hiệu”. Có phải thành phố nào cũng có “thương hiệu” và người ta nhắc đến ngay khi nghĩ về nó đâu. Đến cả Việt Nam còn chưa có “quốc hoa” cơ mà. Hải Phòng đã có “phố hoa” rồi còn gì nữa!
Nếu đứng cùng một nhóm người đủ các chủng tộc, tôi tự hào là người châu Á; nếu đứng trong nhóm người châu Á tôi tự hào rằng tôi là người Việt Nam và nếu đứng trong đám đông người Việt Nam, tôi tự hào “Tôi là người Hải Phòng”. đây có lẽ là câu cửa miệng của bất kỳ thanh niên HP nào. Dã man hơn thì: HP đó hiên ngang chả ngán thằng nào
Khi mùa hè đến cả thành phố như bừng cháy bởi màu đỏ của phượng vỹ, vì thế mà người ta còn đặt cho nơi này một cái tên trìu mến “Thành phố Hoa phượng đỏ“. Hoa phượng ngày càng được trồng nhiều hơn trên những đại lộ lớn nối liền với các tỉnh bạn. Loài hoa đã đi vào tâm thức của người dân Hải Phòng. Trong màu đỏ thắm của hoa phượng xen kẽ đâu đây màu tím của hoa bằng lăng và màu vàng của hoa điệp khiến thành phố rực rỡ như một bức tranh muôn màu
Những con đường rợp bóng mát, những trưa hè lang thang cũng là nỗi nhớ của nhiều người con xa thành phố. Đường Trần Phú, Hồ Xuân Hương, Lê Đại Hành… là những con đường thơ mộng và yên tĩnh để mỗi khi hè về, nhất là vào tháng Năm, các cô cậu học trò chia tay nhau, màu áo trắng bịn rịn kín cả con đường.
Hải Phòng vào mùa hè có chút nóng bỏng mang hơi biển cả thì dải vườn hoa trung tâm thành phố, khu quảng trường Nhà hát lớn và những quán hoa dường như một ốc đảo xua đi cái nóng bức ấy, hàng cây xanh hai bên đường làm cho màu nắng dịu dàng hơn. Mấy quán hoa cong cong rêu phong được xây dựng từ những năm 1940 đậm nét kiến trúc phương Đông, ẩn mình dưới tán phượng vỹ, mang vẻ dịu dàng đẹp truyền thống của người Hải Phòng. Xa xa, phía sau quán hoa là tượng đài nữ tướng Lê Chân, người khai phá ra Hải Phòng, nhớ ơn bà nhân dân Hải Phòng đã lập đền thờ và đặt tên là đền Nghè.
Ngoài ra, Hải Phòng còn được nhắc đến với nhiều món ăn dân dã gắn với con người vùng biển, ví dụ như bánh đa cua, bánh bèo, đặc biệt là những món ăn từ hải sản.
Ở phương xa - nhớ về Thành phô Cảng
Tôi yêu thành phố tuổi thơ của tôi.
Dòng sông vẫn hát như khi tôi tuổi lên mười.
Chân đi vào kí ức những kỉ niệm xa xôi.
Để nghe thành phố lời hát đưa tôi vào đời.
Tôi yêu thành phố tuổi thơ của tôi.
Tựa như cô gái nụ hoa trên làn môi cười.
Chân đi vào kí ức những kỉ niệm xa xôi.
Để Hải Phòng mãi mãi là quê hương của tôi.
Dương Đức Vũ