Chủ Nhật

Cáp treo Fansipan hay sự ích kỷ

Thực ra là cũng nhân tiện trả lời luôn những comments và tranh cãi trong thời gian gần đây. Những vấn đề này không mới và nó cũng không thể nào thay đổi những thứ đã xảy ra, chỉ là đả thông cho những bạn nào không chịu hiểu. 

Bạn nào thấy không quan tâm có thể bỏ qua và đây cũng chỉ là quan điểm cá nhân của một người đã leo Fansipan thời kỳ chóp cũ cho đến ngày có lan can gỗ bao quanh đỉnh.

1_Lý lẽ của số đông
Bạn nào nghĩ rằng xây cáp là để đại đa số người dân, những người không đủ sức khỏe, già yếu, đau bệnh được tiếp cận với đỉnh Fan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp không của riêng ai. Rồi là những người như mẹ tôi, hay mẹ bạn nhìn thấy người ta nói, qua sách, ảnh hay ti vi mà cũng có ham muốn, ước ao được lên nóc nhà Đông Dương là điều có lẽ có thật.
Tôi cho đó là một sự ấu trĩ. Cái ham muốn, ước ao kia thử hỏi có bao nhiêu phần trăm là tò mò, là theo "người ta nói". 
trên đỉnh fansipan
Mà quả thật là nếu tất cả đều có ao ước và thấy cảnh quan trên núi đẹp đi nữa, thì chúng ta có quyền gì mà bắt thiên nhiên phải phục vụ chúng ta. Tôi và bạn, ai mà chẳng có ham muốn làm tình với 1 người đẹp khi nhìn thấy. Nhưng chúng ta không cưỡng hiếp hay trả tiền đổi tình với người đẹp phải chăng là vì luật pháp và đạo đức không cho phép?
Và chúng ta cũng không thể lấy số đông, bỏ phiếu, bắt ép ai đó phải cởi truồng ra mà phục vụ sống đông cả.
Tôi tin chắc trong cuộc sống, không phải cứ muốn là được. 
Tôi cũng chưa thấy những nước nào như Nepal (Everest), Nhật Bản (Phú Sĩ), Malaysia (Kinabalu), Ý (Alpes)....làm điều tương tự như Việt Nam và Trung Quốc đó là biến những thứ giá trị thành tầm thường.

2_ Sự ích kỷ hay toàn vẹn của thiên nhiên.

Bạn nào nói những người to mồm, phản biện lại việc cáp treo là ích kỷ. Là rằng chúng tôi lo sợ cáp treo sẽ làm giảm tính "chinh phục" hay độ “khó” của việc lên đỉnh. Là rằng ai đi cáp treo cứ đi, ai đi leo bộ cứ đi cần gì phải quan tâm. Phải chăng chúng tôi quan tâm đến việc điểm đến (đỉnh Fan) không còn độc tôn nữa?
Xin thưa với bạn rằng:

Sự thú vị của một hành trình trekking hay mỹ miều hơn là "chinh phục" thực chất chả khác nào việc vượt lên chính bản thân mình, là cảnh quan thiên nhiên dọc đường đi chứ không phải cái chóp inox nhỏ bé đánh dấu cao độ 3143m. Bạn nào leo núi mà thấy ngụm nước suối tuyệt ngon hơn bình thường sẽ hiểu điều này.
Thiên nhiên hoang sơ
Đúng là tôi có nghĩ rằng việc cáp treo giảm đi tính "chinh phục" thật nhưng nó sẽ không là gì so với việc tôi sẽ thấy NÚI RỪNG bị TÀN PHÁ, bị bê tông hóa như một cái công viên tạp nham nơi phố thị.
Việc thiên nhiên, núi rừng bị tàn phá như thế nào thì chắc hẳn không cần phải bàn. Với hình thức xây dựng, vận chuyển thô sơ thì nếu ai từng đi lại Fan hoặc chỉ cần đứng trên Hàm Rồng nhìn từ xa về núi rừng Hoàng Liên sẽ thấy nham nhở những vết thương trên mái tóc xanh vậy.
Cái gì thuộc về thiên nhiên thì hãy để nó nguyên vẹn.
Hành trình leo núi sẽ khiến bạn thấy được vẻ đẹp khác thường từ những điều bình thường

3_Nguồn lợi kinh tế cho ai?
Các bạn bảo rằng, cáp treo sẽ thu hút du khách, sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho kinh tế vùng bản địa nói riêng và Việt Nam nói riêng.
Bạn nào đi Cáp treo Bà Nà (cùng chủ đầu từ với Fan là Sun Group) rồi có muốn quay lại đây ? Còn tôi thì không. Một công viên tạp nham đúng nghĩa, tôi cũng chưa thấy người dân Đà Nẵng nào tự hào về điều này cả. Mà nói thực việc đi công viên thì cần gì phải tới xa vậy? 

Hiện Sapa đã thành một thùng rác du lịch đúng nghĩa. Chỉ là ai chưa đến thì muốn chứ đã đến rồi thì không muốn quay lại. Bản thân những người dân tộc bản địa trở thành ăn mày đúng nghĩa trên mảnh đất của họ. Họ không được lợi từ việc có nhiều du khách mà tiền đó vào tay các công ty lữ hành, chính quyền và nhóm dân tộc kinh từ đâu đến buôn bán, xây dựng mà thôi.
Những người làm kinh tế luôn suy nghĩ đặt lợi ích lên hàng đầu. 
Dân du lịch trong nước  đã từ lâu chuyển điểm đến sang Hà Giang vì vẻ hoang sơ. Người ta truyền tai nhau rằng, đi nhanh trước khi bị chính quyền phá hủy. Sapa và Đà Lạt là một ví dụ điển hình cho việc chỉ đến lần đầu và ít có khái niệm quay lại . Hạ Long cũng chỉ có cái tiếng, dành cho du khách nước ngoài tò mò chứ dân Việt chả ai đi.

4_Việc gắn yếu tố tâm linh nên núi là áp đặt trắng trợn.
Việt Nam hiện đã có rất nhiều vùng đất được coi là "thánh địa" Phật giáo như Yên Tử, Tây Thiên hay Chùa Hương Tích...và đáng tiếc là nơi nào cũng đè ra làm cáp treo. Mà hầu hết nếu ai thực sự thành tâm thì đều chọn việc đi bộ lên chùa Hương. Du lịch tâm linh hay hành hương đều không thể xô bồ mà và cần một sự trải nghiệm về tinh thần. Các bạn có thể hỏi những nhà sư chính thống.
vị trí xây chùa
Riêng Fansipan thì khẳng định nó không có truyền thống Phật giáo. Đỉnh núi đơn thuần chỉ là điểm cao của thiên nhiên, niềm tự hào của Việt Nam hay nóc nhà Đông Dương mà thôi. Thậm chí người Mông, vốn sống quen núi rừng mới là dân tộc thân thiết nhất với Fansipan. Không thể áp đặt Phật giáo vào đỉnh Fansipan cũng như việc treo ảnh cụ Hồ lên ban thờ với người dân tộc. Chính quyền và chủ đầu tư đã lợi dụng đức Phật để lôi kéo lượng du khách.

5_Sự bí hiểm của báo chí và truyền thông

Gần như rất ít những thông tin về việc xây dựng, khởi công hay những vấn đề liên quan tới cáp treo được thông tin trên báo chí. Cho dù đây là vấn đề gây tranh cãi và có thể nói là thu hút nhiều lượt view. 
Thậm chí ngay cả việc khởi công xây dựng chùa trên Fan cũng chỉ số ít báo đưa và thông tin gần như chỉ thấy trên trang phatgiao.org (http://phatgiao.org.vn/trong-nuoc/2...). Và chỉ ghi là chùa xây tại chân núi Fansipan.

Bài của tôi, sau khi đăng đã bị cắt gọt không thương tiếc phần quan điểm về cáp treo và ảnh hưởng của nó tới người Mông tại đây http://dulich.vnexpress.net/photo/a...
Hiện tại chính xác là chính quyền và chủ đầu tư đã gần hoàn thiện xong khu liên hợp vui chơi, nhà ga và đình chùa lớn ngay tại vị trí gần đỉnh, chỉ cách 100 bậc thang là tới nơi. Chứ không phải là chân núi như các thánh chưa đi to mồm nhé. 

Chốn đình chùa của người làm Kinh Tế trên đỉnh Fansipan, cách đỉnh 100 bậc đá
 Bạn có thể thỏa mãn cảm giác trên đỉnh nhưng nếu thiếu bước chân sẽ không bao giò có được vị ngọt của nước suối, vị mặn của mồ hôi hay cảm giác vượt qua chính mình; những trải nghiệm trên hành trình, những cảnh vật trên đường đi, những tuyệt tác của thiên nhiên, niềm vui hay tình bạn bè tương hỗ ...
Vài ý kiến của một kẻ yêu núi.

Share không cần hỏi nhé mọi người .
Xem phản biện về  Fansipan: http://www.blogcamxuc.net/2016/01/chuyen-xay-chua-tren-dinh-fansipan.html
Theo Fb Hoàng Huy Ngô