Chủ Nhật

Kể chuyện TẾT xưa...

Khi trưởng thành, mọi thứ lại cứ đổ dồn về quá khứ, tết, điều mà ai cũng thầm thương trộm nhớ về một dáng hình xưa cũ. Cái cũ kỹ của ngày xưa gợi nhớ trong ta bao kỷ niệm nhạt nhòa, nhưng cũng đủ thắp lên ngọn lửa yêu thương nơi trái tim non nớt một thời.

Khi xưa cứ mỗi độ tết về, ai cũng hào hứng, náo nức, đổ dồn về Tết, điều mà có lẽ khi ấy là xa xỉ lắm. Vì năm mới chỉ có một lần, một năm mẹ mới mua cho con được một lần những bộ quần áo mới, đôi dép mới, cái cặp mới, hay cả những bánh kẹo, mứt, bưởi, bánh chưng....vv khiến tâm hồn non nớt trở nên loạn nhịp.

Ngày ấy bố còn trẻ, mẹ cũng còn yêu đời, nên tết cả nhà đều rất vui, mẹ sẽ đi chợ chuẩn bị đồ tết, nào là lá rong, nào là bưởi, nào là kẹo, nào là giang, nào là hoa, bóng nháy, củ hành, củ kiệu, tỏi, gừng, thịt lợn...vv rất rất nhiều thứ để cho bố chuẩn bị gói bánh và chuẩn bị cho một cái tết tinh tươm đầy đủ.

Kể chuyện TẾT xưa!
Mẹ nói:

Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.

Nên năm nào vào dịp này mẹ cũng làm như vậy, mẹ nói rằng, mua muối đầu năm là để mang lại may mắn cho gia đình, một năm làm ăn tốt đẹp, mặn mà như muối vậy.

Cuối năm mua vôi, là mẹ muốn mọi thứ xui xẻo trong gia đình đêu tan biến, không còn dính dáng gì đến năm sau nữa.

Vì vậy mà năm nào nhà mình cũng có một túm muối, một túm vôi cheo trên gác bếp.

Lăm lúc nhìn lên thấy nó đung đưa lại mong muốn một cái tết nữa thật mau đến.
Trẻ con, khi đó, ước muốn nào đâu cao siêu, chỉ cần ăn ngon mặc đẹp, chạy đi khoe với chúng bạn là hãnh diện lắm rồi. Cái mũi phổng to khi ai đó khen bộ đồ mình mặc rất đẹp, và lại tự nhận mẹ tớ mua đấy, hay anh, hay cậu...vv tớ mua đấy. Nghe thơ dại, nhưng nghĩ lại, chỉ muốn được quay về với Tết của khi xưa.

Hôm nay hình như 25 tết rồi!

Nhà bên đang bắt lợn để mổ, tiếng lợn kêu eng éc từ sáng sớm. Mẹ cũng gọi mình dậy sớm hơn. Mẹ bảo anh em đi cọ lá rong cho mẹ. Rồi tước bỏ cọng lá rong đi để khô, lát bố còn gói bánh!

Mẽ cũng đã chuẩn bị gạo ngâm, đỗ xanh bóc vỏ xong xuôi tất rồi. Thịt mẹ đã ướp gia vị, hành, tiêu, muối đầy đủ. Giờ chỉ chờ bố chải nia ra giữa nhà mà gói bánh nữa là xong thôi.

Mình háo hức lôi tay bố, giục bố nhanh nhanh đi gói bánh để còn mau được ăn.

Bố dạy, là con trai thì phải biết sắm tết, biết chuẩn bị tết cho gia đình, vì mai sau con lớn, con sẽ lại như bố, con phải biết gói bánh, nấu trè lam, biết làm bánh gai, bánh đúc để gia đình luôn đầm ấm, hạnh phúc, quây quần bên mâm cơm mỗi khi tết đến.

Bố năm nay cũng dậy mình gói bánh, cái bánh chưng vuông được bố gói trước tiên, vì nó là bánh để thờ, tượng trưng cho đất, cho thịnh vượng.

Mỗi năm bố chỉ gói 4 đến 5 chiếc bánh chưng vuông thôi. Còn lại là gói bánh tròn, và dài. Bánh này dùng để ăn và cắt lát ra mỗi khi sáng sớm, gia đình làm cỗ mời ông bà, tổ tiên về ngự cỗ.

Bố nói, gói bánh tròn là truyền thống của vùng mình không phải đâu cũng gói, vì nó khó và cần sự khéo léo hơn.

Mỗi cái bánh sẽ cần 3 chiếc lá, bên dưới để sẵn 4 cái lạt, hai chiếc lá con để bên dưới cách xa nhau một chút, rồi con chọn chiếc nào to, đẹp con để ở giữa. Tiếp đến là đổ một bằng bát gạo xuống, bỏ đỗ, rồi bỏ thịt rồi lại bỏ đỗ, rồi đổ thêm bằng bát gạo nhỡ nữa lên. Khẽ nhẹ nhàng cuốn chúng vào, rồi gập mép, lấy lạt buộc qua, gập mép nốt ở đầu bánh rồi vỗ nhẹ cho gáo lặng chặt. Dùng một dây lạt dài để thít hai đầu bánh. Cũng là để khi bánh chín ta có cái cheo lên gác. Thực ra gói bánh cũng không đơn giả như mình nói, vì nó cần có kinh nghiệm, nếu không bánh sẽ bị nứt, bị nhão, hay bị méo...vv

Người gói bánh giỏi là: người gói làm sao khi bánh chín, ta chỉ cần rửa qua nước lã, lăn cho bánh nền và cheo lên nhìn vừa tròn, vừa thẳng, lá bánh mịn và không có vết nứt. Lúc cắt bánh ra, bánh dẻo mịn, nhân bánh hồng hào, ăn thơm, bùi, ngon.

Nhưng có khi, có đầy đủ những kỹ năng ấy, mà bánh vẫn bị đen, sượng trong nhân bánh.

Điều ấy làm mẹ lo lắm, vì mẹ nói, một cái tết, mọi thứ đều được bắt đầu từ đây, nếu bánh không hồng, không mịn thì báo hiệu một năm làm ăn không được tốt, hay gặp khó khăn, thất bại.

Nhất là cái chân gà mà gia đình mổ để cúng giao thừa, mẹ nói, nó báo hiệu gần 90% kết quả, thành quả của gia đình ta trong đó. Thế nên mẹ rất cẩn thận khi luộc cũng như khi sơ chế chúng.

Hôm nay có lẽ là 26 rồi


Nhà nhà đều tất bật chuẩn bị tết, nhà mình cũng đã chuẩn bị mổ lợn, các chú các bác đều lên từ sáng sớm. Con lợn trong chuồng bị các chú bắt trói chặt ngoài sân, rửa sạch sẽ rồi. Con lợn được nhấc để lên trên bực sân, bác đang chuẩn bi tróc tiết nó. Bố lấy cái âu to hứng tiết để đánh tiết canh.

Hình như năm nào cũng thế, tiết canh là món không thể thiếu được ở quê mỗi khi mổ lợn.

Cả nhà xúm vào làm lông, lọc thịt, rồi chia phần cho tất cả gia đình, sao cho đều. Bố đảm nhận việc chia thịt, vì bố hay làm mỗi khi có đám cưới nên bố chia rất đều, xương, thăn, nạc, lòng, dồi, sườn, thủ, chân...vv đều được chia đều cho mỗi phần. Mình rất thích xem bố làm như vậy, có gì đó ngưỡng mộ bố lắm.

Mọi thứ xong xuôi, mẹ cũng đang hì hục chuẩn bị luộc thịt, xào rau...vv để làm cỗ cho cả nhà ăn. Hôm nay có lợn mổ nên mâm cơm gia đình được thịnh soạn lên nhiều.
Gói bánh chưng ngày tết
Bố ngồi nhấm nháp ly rượu cùng những món thịt ngon mà mẹ đã chuẩn bị, mình cùng các anh cũng ăn lấy ăn để, những miếng thịt nạc, trả nạc, lòng, gan...vv đến no căng cả bụng.

Hôm nay 27 tết rồi

Mình được mẹ đẫn đi chơi chợ tết, nhộn nhịp tấp nập đầy những hoa, quả, rau, gà, vịt, bánh kẹo...vv khác hẳn so với ngày thường. Thi thoảng lại thấy có chị, anh ăn mặc rất đẹp đi chơi chợ tết. Có lẽ là những người ở xa, hay Hà Nội, Sài Gòn...vv về quê ăn tết.

Cái nhộn nhịp của không khí tết khiến ai cũng vui, cũng nở nụ cười trên môi. Hào hứng, chào, hỏi thăm, nào là chuẩn bị tết đến đâu, năm nay ăn tết to không, có lợn mổ không, rồi tết sang chị chơi...vv Đúng là tết, mọi thứ khác biệt hơn so với ngày thường. Trông ai cũng náo nức, tươi cười không còn nhìn thấy những nét khổ kham của thường ngày tất bật hôm sớm nữa.

28 tết còn một ngày nữa là đến giao thừa


Hôm nay anh em, ở nhà để dọn nhà cho sạch sẽ, để chuẩn bị đón tết. Người quét mạng nhện, người lau nhà, bàn ghế, tủ, tivi, quét dọn sân, vườn, cổng...vv sao cho mọi thứ tinh tươm nhất.

Mấy anh em hì hục từ sang sớm đến gần trưa mới xong hết công việc mẹ giao cho. Bố thì đi cắt chuối, rồi mấy anh em mang, bưởi mứt, quýt, xoài, dứa, bồng bồng, bóng nháy...vv đủ các thứ ra rồi đưa cho bố xếp bàn thờ.

Bàn thờ là thứ quan trọng nhất, bánh chưng vuông được để hai bên rồi chuối để giữa, bát hương được làm sạch từ hôm 23 hóa chân hương nên được để cao hơn, so với mọi khi. Bánh kẹo, mứt, rượu vang...vv được bố xếp khéo léo lên sao cho đẹp nhất.

Bố nói, tết là truyền thống của dân tộc, là điều thiêng liêng của một gia đình, mỗi khi tết đến cả nhà phải về quây quần bên mâm cơm ngày tết, không được bỏ qua. Cũng không được vì một lý do nào đó mà không về nhà ăn tết, trừ khi con ở quá xa, không thể tự chang chải cho mình được chi phí, hay hoàn cảnh địa lý.

Còn không bằng giá nào con cũng phải về, nếu không mai sau con cái con trưởng thành, nó sẽ không còn biết đến văn hóa dân tộc, không biết đến cái tết cổ truyền của dân tộc mình nó như thế nào. Tội chúng nó lắm con ạ.

Hôm nay 29 tết rồi

Nhà bạn chuẩn bị tết đến đâu rồi nhỉ, nhà mình đã xong tất cả mọi thứ, bố và mẹ đang làm nốt trè lam nữa là xong thôi, lát mình vào bếp để bốc nhúp một ít trè làm nóng hổi mà mẹ mới khuấy xong đây.

Ở quê, tết thì đơn giản lắm, nhưng tình người và tinh thần thì luôn được mọi người coi trọng, vì đó là truyền thống mà.

Hôm nay là ngày cuối năm, cả nhà chuẩn bị làm cơm, mời cô chú, các bác lên nhà dùng bữa cơm tất niên, bữa cơm cuối cùng trong một năm. Theo mình biết, đây là bữa cơm có lẽ vui nhất vì trong lòng ai cũng vui và hạnh phúc, không phải nghĩ ngợi nhiều, cũng không còn lo lắng mọi thứ nữa, vì mai năm mới rồi, mọi thứ đã được cởi bỏ hết, chỉ còn lại nụ cười rạng rỡ trên môi thôi.

Bố nâng ly có nhời mời các bác các chú, có lời cảm ơn, chúc mừng, mọi thứ đều theo thứ tự, không đánh đồng trên dưới.

Còn tết nhà bạn thì sao? Có còn vui như tết xưa nữa không?

+Trường Nguyễn