Nhiều người cho rằng Ngô Bảo Châu chắc hẳn phải lớn lên với một phương pháp giáo dục cho thần đồng. Tuy nhiên theo chia sẻ từ bậc sinh thành của giáo sư thì sư thật hoàn toàn khác.
Quý tử cũng phải rửa bát
Ngô Bảo Châu sinh ra rong gia đình có truyền thống làm khoa học. Bố anh là GS.TSKH Ngô Huy Cẩn (sinh năm 1941), từng du học ở Nga (chuyên ngành cơ học) và nhiều năm công tác ở Viện cơ học. Ông nguyên là cán bộ Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước. Mẹ anh là PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, nguyên cán bộ Viện Y học cổ truyền Trung ương.
Tuổi thơ của Ngô Bảo Châu quấn quýt với mẹ và đại gia đình bên ngoại, đặc biệt là ông ngoại. Sau ngày cưới, vì chưa có nhà riêng nên vợ chồng GS Cẩn phải ở chung với gia đình nhà ngoại tại 47 Hàng Bài. Khi Ngô Bảo Châu học A0 ĐH Tổng hợp (nay là THPT chuyên ĐH Quốc gia Hà Nội) thì GS Cẩn được phân một phòng tập thể 24m2 ở tầng 4 khu tập thể Nam Đồng và cả nhà mới chuyển về đó ở.
Cách giáo dục con của gia đình GS Ngô Bảo Châu |
Thuở nhỏ, Ngô Bảo Châu chịu nhiều ảnh hưởng từ cách giáo dục của mẹ. Bởi khi vào lớp 1, bố anh sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, mọi việc nuôi dạy con phó thác cho vợ và nhờ ông bà ngoại hỗ trợ. Hàng ngày, Ngô Bảo Châu được mẹ và ông ngoại thay nhau đưa đón đi học ở trường Thực nghiệm. Ngoài học văn hóa ở trường, bà Hiền còn cho con đi học vẽ ở Cung thiếu nhi, học đàn violon ở nhà riêng một ông thầy trên phố Triệu Việt Vương. Bà Hiền cho biết, hồi nhỏ bà cũng được học đàn và cảm nhận âm nhạc mang lại nhiều điều bổ ích cho cuộc sống. Vì vậy, bà cho con theo học loại hình nghệ thuật này như một cách nuôi dưỡng tâm hồn. Với lối giáo dục con giống như nhiều gia đình Hà Nội thời bấy giờ, bà Hiền chưa bao giờ kỳ vọng Ngô Bảo Châu sẽ đạt được thành tựu lớn lao nào sau này.
Tài năng của Ngô Bảo Châu chỉ thực sự được phát hiện khi GS Ngô Huy Cẩn về nước vào những năm con trai học hết cấp I. Khi làm toán cùng Châu, ông Cẩn nhận ra khả năng tư duy toán khá đặc biệt của con. Ông rất ngạc nhiên khi thấy con giải dễ dàng các bài tập trong sách giáo khoa. Chính vì vậy, ông đã quyết định cho con đi theo con đường chuyên toán. Ngô Bảo Châu cũng rất hào hứng với hướng đi mà bố vạch ra, đó là lý do anh rất thất vọng khi mình thi trượt lớp 6 chuyên toán của trường Trưng Vương và quyết tâm phục thù vào năm sau với số điểm nằm trong top đầu. GS Cẩn cho biết: “Châu là một đứa trẻ đặc biệt ham hiểu biết, rất ham học nên chúng tôi gần như chẳng bao giờ phải nhắc Châu học. Tuy là con một nhưng chúng tôi chưa bao giờ coi Châu là cậu ấm hay chiều chuộng thái quá”.
Bà Hiền cũng xác nhận, chồng bà khá nghiêm khắc trong việc rèn nếp sống cũng như nếp học cho Ngô Bảo Châu. Bà kể: “Chẳng biết bố dạy học cho con thế nào mà thỉnh thoảng lại thấy Châu nước mắt nước mũi giàn giụa chạy từ trên gác xuống lấy khăn lau mặt. Nhiệm vụ sau bữa ăn của Châu là rửa bát. Anh chàng cũng ngồi rửa bát, đằng trước giăng mấy cái chậu. Có hôm Châu đề nghị: “Mẹ ơi, hay là mẹ nói với bố là mẹ rất thích rửa bát để con khỏi phải rửa”. Tuy cưng chiều con nhưng tôi cũng hiểu trẻ muốn nên người phải rèn giũa từ nhỏ. Tôi bảo: “Ai mà nói dối thì sẽ bị thối mồm, các chú công an phát hiện ra ngay”. Vậy mà tin lắm. Châu cũng là đứa trẻ biết nghe lời nên vợ chồng tôi cũng không phải vất vả nhiều”.
Không cho con học trước chương trình
Khi tài năng của Ngô Bảo Châu được phát hiện, các thầy giáo đã dành nhiều thời gian cho việc bồi dưỡng anh. Bà Hiền cho biết: “Tuy đam mê toán và chăm chỉ làm bài tập nhưng Châu không học theo kiểu “quên ăn quên ngủ”. Anh vẫn dành thời gian để đá bóng, đọc truyện, nghe nhạc, chơi đàn violon, đánh cờ tướng hay giúp mẹ làm việc nhà. Năm 1988, anh tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Australia và giành huy chương vàng. Năm sau, anh tiếp tục giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Đức.
Cũng trong năm 1989, anh sang Pháp học tại ĐH Paris 6 và bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại ĐH Sư phạm Paris – ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp. Năm 2003, ở tuổi 31, anh hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại ĐH Paris 11 và đầu năm sau trở thành giáo sư của đại học này.
Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm giáo sư và trở thành giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam. Năm 2007, sau khi chứng minh được “bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của chương trình Langlands, anh được trao giải thưởng Oberwolfach của Đức, giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp. Ngày 19/8/2010 tại lễ khai mạc đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad (Ấn Độ), bà Pratibha Patil – Tổng thống Ấn Độ đã trao huy chương Fields – giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học cho GS Ngô Bảo Châu. Đây là niềm tự hào của người Việt Nam nói chung, của thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, khi trí tuệ Việt vươn lên đỉnh cao của khoa học nhân loại và được khẳng định trên trường quốc tế.
Không bao giờ đánh con
GS Ngô Huy Cẩn cho biết, vợ chồng ông gần như không bao giờ đánh con. “Thực ra cũng do Châu ngoan, khi làm gì sai, chúng tôi nói là Châu biết nghe. Tôi nhớ có lần Châu đang học trường Trưng Vương, Hà Nội do ở lớp Châu nghịch, hình như là nhảy lên bàn nên bị thầy giáo bắt làm bản kiểm điểm. Hôm đó, Châu sợ không dám về nhà. Hết giờ học đã lâu mà không thấy con về, vợ chồng tôi cuống lên đi tìm. Mãi lâu lắm, không nhớ là mấy giờ, nhưng tối mịt rồi, công an mang Châu tới nhà trả. Hóa ra, cu cậu sợ quá, đi bộ tuốt lên Cầu Giấy rồi bị lạc. Sau lần ấy, vợ chồng tôi càng ý thức được tác hại của việc dùng đòn roi với con. Sử dụng bạo lực sẽ chỉ làm đứa trẻ sợ, không còn tinh thần nhận ra mình sai ở đâu để sửa đổi”, GS Cẩn chia sẻ.
Thời còn trẻ |
Sau khi Ngô Bảo Châu vang danh cả thế giới, nhiều người tìm tới hỏi han vợ chồng GS Ngô Huy Cẩn về phương pháp dạy con thành tài. Nhiều người nghĩ rằng họ có bí quyết đào tạo thần đồng đặc biệt. Tuy nhiên mỗi lần có người hỏi vậy, ông bà lại rất bối rối.
GS Cẩn thừa nhận: “Hồi đó, chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ phải giáo dục con thế này hay thế khác. Tuy rất cố gắng nuôi dưỡng con trong hoàn cảnh khó khăn chung của cả nước, nhưng việc nuôi dạy Châu rất tự nhiên”. Còn PGS. TS Trần Lưu Vân Hiền thì khẳng định, vợ chồng bà không nuôi dạy con theo bất cứ một phương pháp giáo dục thần đồng nào. “Châu là đứa trẻ bình thường, từ nhỏ không có gì đặc biệt về thể hình hay tính cách. Ngay cả khi phát hiện ra Châu có tài năng Toán học, tôi cũng không can thiệp nhiều vào sự phát triển của con. Chúng tôi để con tự phát triển, cả tính cách cũng như khả năng”, GS Cẩn cho biết.
Nhiều bậc phụ huynh thấy con thông minh, lanh lợi từ nhỏ thường cho đi học trước để biết trước kiến thức, nhanh chóng thành công. Nhưng PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền cho biết, vợ chồng bà không cho con học trước chương trình. Chỉ khi đến khoảng lớp 3, lớp 4, thấy Ngô Bảo Châu giải toán nhanh, họ mới có hướng cho con sau này học chuyên toán. “Bản thân tôi hoàn toàn không ủng hộ phương pháp cho trẻ học kiến thức trước khi vào tiểu học vì như thế là quá sớm và chẳng khác nào “thúc quả chín ép”. Có thể với cách làm như thế, nhiều em sẽ biết trước một số thứ so với các bạn đồng trang lứa nhưng sự học không phải một sớm một chiều mà là cả một quá trình phấn đấu lâu dài. Nền tảng vẫn là cái quan trọng nhất nên đừng nóng vội rồi vô tình làm hỏng cả tương lai sau này của con em mình. Hơn nữa với cách làm như thế, chúng ta đã và đang đánh cắp đi sự hồn nhiên, vô tư mà đáng ra trẻ phải được hưởng. Ví dụ ở bậc tiểu học, giai đoạn này chủ yếu trẻ chỉ cần biết đọc, biết viết, cộng trừ nhân chia đơn giản thôi. Không cần thiết phải bắt học sinh cấp 1 học thêm, làm thêm bài tập về nhà, chỉ cần tập trung học hiệu quả trên lớp là đủ”, bà chia sẻ.
Tiếp nối truyền thống giáo dục của gia đình, GS Ngô Bảo Châu cũng áp dụng nhiều phương pháp dạy con học được từ bố mẹ. Tuy nhiên với cuộc sống ở nước ngoài và những thay đổi tư duy theo hướng hiện đại, anh cũng có những bí quyết riêng để các con có sự phát triển tối ưu nhất.
Theo Minh Trí