Nhiều người trẻ kêu rằng, càng ngày càng chán Tết, Tết gì mà
nhạt thế, thậm chí chán hơn ngày thường. Tôi thì nghĩ rằng, các bạn chán
Tết bởi các bạn đang tự đánh mất Tết.
Nhà báo Ngô Bá Lục
Bài viết này tôi không đề cập đến yếu tố
khách quan, tôi chỉ nói đến yếu tố chủ quan, tức là ý thức của người
trẻ với Tết. Chẳng hạn với những món ăn ngày Tết, đôi khi chúng ta chỉ
chủ động thụ hưởng, kiểu khoanh tay chờ, nếu thấy ngon thì ăn, dở thì
thôi bỏ đi. Vậy thì những thứ thuộc về ngày Tết mà chúng ta đang cảm
thấy sẽ mất dần đi, là một phần do chính chúng ta, đừng đổ lỗi cho khách
quan.
Các bạn đang tự đánh mất ngày Tết của mình |
Có bạn nói rằng, ngày xưa chúng ta nghèo
thì thèm thịt, giờ giàu rồi thì không thèm thịt nữa, nên mâm cỗ Tết sẽ
không còn nhiều giá trị. Điều đó chỉ đúng một phần. Nhưng đôi khi không
phải ăn vào thấy ngon mới vui, mà cách chúng ta chuẩn bị nó, chế biến
nó, sẽ gắn kết mọi người lại với nhau.
Ngày xưa người mổ lợn, người gói
bánh, người giã giò... rồi làm cỗ và chúng ta đều thưởng thức cỗ rất
ngon.
Bây giờ bạn vẫn có thể làm thế, dù khi
ăn có thể chúng ta không thấy ngon nữa, thậm chí chúng ta không cần ăn,
nhưng rõ ràng, cái không khí bà cọ lá, mẹ gói bánh, con buộc bánh rồi
những câu chuyện râm ran trong cái không khí ấy, nó chính là Tết đấy,
chứ đâu phải đơn thuần chỉ là ăn ngon đâu.
Là vì, đêm giao thừa các bạn cũng vẫn
lượn phố, vẫn cày games, vẫn tụ tập bạn bè... như ngày thường. Trong khi
đêm giao thừa là lúc cả nhà sum họp, bạn có thể nói với bố năm qua con
chưa làm được cái này, hứa với mẹ sang năm con sẽ làm tốt cái kia, trò
chuyện thủ thỉ với ông bà về hồi trẻ như cháu thì ông bà chơi Tết ra
sao. Trong một không gian thơm ngát hương trầm với mâm cỗ, ngũ quả, đào
quất, đấy là hương vị Tết!
Là vì, bạn ngại theo bố mẹ về quê trước
hoặc trong Tết. Về quê không có bar, không cafe, 3G thì yếu, chả lướt
"phây-búc" tám chuyện được. Trong khi các làng quê đón tết cổ truyền vẫn
giữ nguyên phong tục, thì bạn đã bỏ lỡ cơ hội được đi chợ Tết quê với
đông nghẹt người và hàng trăm thứ hàng hóa quê, không được cảm giác thịt
lợn, giã giò, gói bánh chưng, luộc bánh, không có cảm giác thiêng liêng
khi ra nghĩa trang thắp hương mời các cụ về ăn Tết.v.v...
Và nhiều thứ tương tự khác khiến bạn mất đi những điều ý nghĩa của ngày Tết.
Giờ bạn thử hào hứng lên kế hoạch xem
Tết này tặng bố mẹ cái gì, muốn mua sắm cái gì, muốn theo bố mẹ về quê
ngày nào, mong được gặp lại những ai trong họ hàng bản quán, muốn khoe
với các bác ở quê điều gì, muốn lì xì những ai. Chỉ khi bạn thực sự yêu
quý những phong tục cổ truyền ngày Tết, thì Tết mới có giá trị trong
bạn.
Còn bạn nghĩ Tết cũng chỉ đơn thuần là vài ngày nghỉ, thì bạn sẽ không bao giờ có Tết dù bạn đang sống trong những ngày Tết.