Những năm 80 của thế kỷ trước, làng võ Bắc nghiêng ngả bởi sự xuất hiện của một môn võ lạ. Người theo học chỉ cần uống bùa, niệm chú tức thời sẽ có sức mạnh muôn người khó địch.
LTS: Nhiều năm nay, giang hồ đồn thổi làng võ Việt đang lưu giữ những bí kíp võ công được các cao thủ săn lùng hệt như phim ảnh kiếm hiệp của Trung Quốc.
Những cuốn bí kíp võ công đó có thật sự tồn tại và nó có giá trị như nào, lần tìm qua nhiều manh mối, chúng tôi đã có những thông tin, câu chuyện bất ngờ, thú vị.
Chỉ cần được thầy cao tay khai mở huyệt đạo là ngay lập tức người bình thường... có võ. |
Cách truyền thụ võ công này nhuốm màu thần bí, không thể lý giải nên nhiều danh môn chính phái khác đã xem võ phái này như tà đạo.
Chính bởi sự kỳ thị đó đã dẫn đến những cuộc “giao tranh” tuy âm thầm nhưng vô cùng khốc liệt khiến nhiều môn sinh thần quyền phải ẩn tích mai danh.
Chuyến công tác tại một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, tôi đã vô tình gặp lại một đại cao thủ của môn võ kỳ lạ này. Bất ngờ hơn, chính ông là người đầu tiên đưa võ công huyền bí này ra đất Bắc và truyền dạy cho cả ngàn người.
Lạ hơn nữa, tên tuổi một thời lừng lẫy giang hồ, từng khiến nhiều cao thủ võ lâm nghe tên đã thấy run rẩy sợ hãi ấy sống thanh bạc, ẩn dật dưới mái quê nghèo yên ả, thậm chí, nhiều người trong xóm còn không biết ông là người… có võ.
Cao thủ ẩn mình
Ông Nguyễn Phong Cư, người đầu tiên truyền bá Quyền thần ở miền Bắc |
Thực ra, nói là tình cờ, nhưng trước đây, khi tìm hiểu về những môn phái võ lạ ở Việt Nam, tôi đã rất muốn gặp ông. Thế nhưng, cơ duyên chưa đến nên dù đã nhiều cố gắng nhưng tâm nguyện đó của tôi không thành hiện thực.
Ngày ấy, khi tìm hiểu về những cao thủ võ Việt và những môn phái võ cổ truyền, tôi thấy sẽ là khiếm khuyết lớn nếu không nhắc tới Thất Sơn thần quyền, hay còn gọi nôm na là võ bùa.
Tuy nhiên, ở ngoài Bắc, sau khi rộ lên một thời gian khoảng cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thì bởi cuộc “tương tàn” trên, các môn sinh theo học dòng võ này bỗng dưng… “mất tích”.
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một cao thủ của dòng võ này ở Hà Nội. Người đó là Ngô Xuân Chín, giang hồ gọi là Chín “cụt”, một thương binh bị mất cả hai chân.
Trong câu chuyện của mình, ông Chín kể, chừng năm 1980, khi còn trong quân ngũ, thấy bạn bè tập môn võ kỳ lạ này, ông đã chết mê chết mệt.
Qua sự giới thiệu của những người bạn ấy, khi ra quân, dù đã bị cụt cả hai chân, ông đã nhiều lần tìm về Phú Thọ để tầm sư học đạo.
Phải mất cả chục lần ngược xuôi, cảm thương sự kiên trì của ông, ông Nguyễn Văn Lộc, danh sư võ bùa có cả trăm môn sinh ở xã Văn Khúc (cạnh xã Tình Cương) khi ấy mới chịu thu nạp ông làm đệ tử.
Và, đúng như cái tên thần quyền, chỉ sau một giờ truyền dạy, ông đã “hấp thụ” được cơ bản bí quyết của môn võ lạ kỳ này.
Về Hà Nội rèn luyện, chừng vài tháng sau, ông ngược lên Phú Thọ để sư phụ mình kiểm tra. Tại buổi lễ “tốt nghiệp” ấy, để ý, ông thấy sư phụ mình thường hay hỏi ý kiến của một người đàn ông dáng cao lớn, rắn chắc.
Sau này, tìm hiểu ông mới biết người đó chính là sư phụ của sư phụ mình. Không ai khác, người đó chính là ông Nguyễn Phong Cư, người đầu tiên đem võ bùa ra Bắc.
Ngay thời gian đó, tôi đã muốn ngược lên Phú Thọ để gặp những người truyền dạy thần quyền ấy nhưng ông Chín đã can. Ông bảo, nghiệp võ đã khiến những cao nhân ấy mệt mỏi không muốn tiếp xúc với bất cứ ai nữa.
Lần này, về Tình Cương, tuy những lời dặn trước đây của ông Xuân Chín vẫn văng vẳng nhưng tôi vẫn muốn thử vận may của mình.
Hỏi nơi ở của ông Cư thì được biết, ở xã này, chỉ có mấy người mang tên ấy. Thế nhưng, chẳng ai biết trong số những người mang tên đó, ai là cao thủ võ lâm.
Mãi sau, khi tình cờ hỏi chuyện một cán bộ xã nghỉ hưu thì được biết, ông Cư ở thôn 3 chính là người tôi muốn gặp.
Mỗi khi luyện tập, môn sinh Quyền thần đều phải sử dụng hai loại bùa vuông, dài. |
Nhà ông Cư ở lưng chừng dốc. Thấy người lạ đến thăm ông ngạc nhiên lắm. Càng ngạc nhiên hơn khi biết chúng tôi là nhà báo muốn gặp ông để hỏi chuyện về “nghiệp võ” huy hoàng năm nào.
Sau phút ngạc nhiên đó, người đàn ông tuổi đã lục tuần đó bỗng chùng nét mặt. Ông bảo, bây giờ, việc ông quan tâm nhất là phụ giúp vợ con chạy chợ mưu sinh, chứ chuyện võ nghệ thì ông đã “tuyệt giao” từ lâu lắm rồi, không muốn nhắc đến nữa.
Tuy nhiên, khi nhắc đến những cao thủ thần quyền từng một thời làm mưa làm gió ở Hà Nội như Chín “cụt”, Thành “vuông”…, những đệ tử ruột của ông năm nào thì những ký ức xưa cũ trong ông lại ồ ạt trào về.
Ông Cư kể, ông đến với môn võ kỳ lạ này như định mệnh. Ngày ấy, khi đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh ông được cử đi học trường trung cấp giao thông để phục vụ chiến trường.
Thế nhưng, may mắn, khi ông sắp tốt nghiệp thì chiến tranh cũng dứt. Chuẩn bị ra trường, ông xin thực tập tại một công ty cầu đường đang tham gia thi công cây cầu bắc qua sông Long Đại ở mãi huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Ở công ty, ông kết thân với một người bạn hơn mình mấy tuổi tên là Hởi. Ông bạn này mê săn bắn, hễ rảnh việc là vác súng vào rừng.
Một buổi, khi đi săn về, ông Hởi bảo ông là vừa gặp một chuyện lạ lùng không thể tin là có thật.
Chuyện là, chiều đó, mải mê đuổi theo bầy chim, ông Hởi, bạn ông đã lạc vào một trang trại rộng lớn ở cạnh khu rừng vắng mà không biết lối ra.
Đang loay hoay tìm đường thì bạn ông thấy phía xa có khói trắng bốc lên. Đi về hướng có vệt khói đó, bất ngờ ông Hởi gặp một người đàn ông nhỏ thó đang ngồi canh lò đốt đá vôi.
Mệt, khát, ông Hỡi đã dừng chân hỏi chuyện và xin nước uống. Người đàn ông đó nói giọng Huế, cử chỉ thì rất đỗi thân thiện, ân cần.
Qua câu chuyện, người đàn ông đó nói ông ta tên là Nguyễn Văn Cảo, nhà ở gần chợ Đông Ba (Huế) nhưng bởi chiến tranh nên phải ly tán ra ngoài này để làm thuê kiếm sống.
Ông Hởi và ông Cảo cứ thế mải mê trò chuyện, hệt như đã thân quen nhau từ lâu lắm.
Khi mặt trời chuẩn bị khuất núi, đến lúc phải chia tay, bịn rịn, ông Cảo bảo, ông không biết mình sẽ ở đất này bao lâu nữa và hai người còn có duyên gặp lại hay không.
Do vậy, để đánh dấu buổi gặp gỡ này, ông Cảo muốn tặng ông Hởi một món quà.
Nghe ông Cảo nói vậy, ông Hởi đã rất xúc động nhưng vẫn băn khoăn rằng không biết người đàn ông có vóc người nhỏ thó và nghèo khổ ấy định tặng mình thứ gì giữa chốn hoang vu này.
Chẳng để ông phải chờ đợi lâu, ông Cảo bảo, ông muốn truyền lại cho ông Hởi võ công mà cả đời mình đã khổ công rèn luyện.
Nghe ông Cảo nói vậy, ông Hởi thấy vô cùng kinh ngạc. Võ công phải học cả năm, cả đời chứ làm sao có thể truyền lại trong chốc lát được.
Thấy ông Hởi sửng sốt thế, ông Cảo đã cười xòa và bảo, võ công đó là thần quyền, ai nhanh nhạy chỉ học trong nửa giờ là thành người… có võ. Còn rèn luyện nâng cao đến đâu thì do tự thân mỗi người.
Nói rồi ông Cảo vào lều lấy mấy que nhang cùng 2 lá bùa có viết những chữ loằng ngoằng ra truyền thụ võ công cho ông Hỡi.
Khi ấy, vẫn chưa hết ngạc nhiên và nghi ngại nhưng nghĩ người bạn mới quen ấy chân tình nên ông Hởi cứ làm theo tất cả những gì mà ông Cảo hướng dẫn.
Và, quả lạ lùng, chỉ hơn nửa giờ hấp thụ “võ công tuyệt thế” đó, ông Hởi đã cảm nhận thấy nhiều sự biến đổi trong cơ thể mình.
Công phu chỉ học… một giờ
Ông Cư kể, đêm đó, nghe ông Hỡi thuật lại cầu chuyện mình vừa gặp khi chiều, thoạt đầu, ông cũng chẳng tin. Ông cho rằng ông Hởi đã thần thánh, bịa ra chuyện đó để mua vui với mọi người.
Tuy nhiên, để chứng minh những lời mình vừa kể, ông Hởi ra sân, lẩm nhẩm đọc chú rồi… đi quyền.
Thấy chân tay ông Hởi múa may loằng loằng, động tác chẳng giống mấy người biết võ nên mọi người càng không tin.
Bực mình, ông Hởi bảo, ai không tin thì vào đánh thử. Nghe ông Hởi nói thế, mấy cậu thanh niên hiếu thắng đã nhảy bổ vào.
Thế nhưng, lạ kỳ, hễ người nào lao vào đều bị những ngón đòn loằng ngoằng của ông Hởi đánh bật ra. Có người còn văng ra xa đến vài thước hệt như bị sức mạnh vô hình nào đó xô đẩy.
Theo Soha (Còn nữa)