Thứ Bảy

Điểm mặt những 'tập đoàn đa cấp' lửa đảo khét tiếng ở Việt Nam

Các công ty bán hàng đa cấp mọc lên như nấm sau mưa những năm gần đây, lợi dụng sự cả tin và ham kiếm tiền nhanh chóng của một bộ phận người đân, các “ông chủ” lớn “đứt dây thần kinh xấu hổ” đã moi được tiền một cách có tổ chức và chiêu trò vô cùng tinh vi.

Hình thức bán hàng đa cấp vốn đã xuất hiện từ khá lâu, trong vài năm trở lại đây, có thể nói là thời điểm nở rộ của lĩnh vực kinh doanh đa cấp, đặc biệt là ở Việt Nam. Các công ty kinh doanh dưới hình thức này mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên, điều đáng nói, số lượng công ty không đi liền với chất lượng. Hiện nay, có rất nhiều công ty lợi dụng hình thức này để thực hiện những chiêu trò lừa đảo, moi tiền của những người dân lương thiện, cả tin.

Điểm mặt những 'tập đoàn đa cấp' lửa đảo khét tiếng ở Việt Nam
Nếu chú ý quan sát, chắc hẳn bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng vì sự đa dạng, phong phú của các công ty bán hàng đa cấp. Không ai có thể ngờ tới, họ hàng, anh em của “đại gia đình” này lại lớn đến thế, từ thực phẩm chức năng đến các mặt hàng mỹ phẩm, dụng cụ trang điểm, quần áo thời trang, đồ gia dụng, bên cạnh đó còn là dụng cụ TDTT, thiết bị vật lý trị liệu. Không chỉ có thế, đã có những trang web thương mại điện tử, thậm chí là cả bất động sản cũng trở thành công cụ để một số công ty lợi dụng kiếm lời bất chính.

Mới đây nhất, thủ đoạn lừa đảo của Công ty Liên kết Việt đã bị lật tẩy. Cụ thể, trong quá trình hoạt động, Công ty Liên kết Việt đã cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP do Lê Xuân Giang lập ra mạo danh Bộ Quốc phòng để lấy danh tiếng, lừa đảo người tham gia vào hệ thống của mình nhằm thu lời bất chính. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và đỉnh điểm là buổi lễ hoành tráng đón nhận bằng khen của Thủ tướng do công ty tự tổ chức đã khiến không ít người lầm tưởng công ty này kinh doanh những sản phẩm được sản xuất và đảm bảo bởi cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng. Cơ quan chức năng xác định, đến nay có khoảng hơn 45.000 người tại 21 tỉnh thành phố bị lừa với số tiền trên 1.900 tỷ đồng.
Ngoài vụ việc trên, trong quá khứ, đã có rất nhiều vụ việc lừa đảo khác của các công ty bán hàng đa cấp đã khiến dư luận nhiều lần rúng động.

Năm 2011, vụ lừa đảo của Diamond Holyday đã được phanh phui. Công ty Holyday được quảng bá là công ty du lịch giá rẻ trực thuộc tập đoàn Diamond Holyday Travel (DHT) có trụ sở tại Mỹ và chi nhánh tại Hồng Kông (Trung Quốc) và Việt Nam. Cụ thể, phương thức hoạt động của công ty như sau: Để được đi du lịch và trở thành hội viên của Công ty Holiday, khách hàng phải đóng 375 USD. Khi phát triển thêm được nhiều thành viên mới, hội viên sẽ được thưởng từ 1.000 USD - 15.000 USD... Với mức thưởng hậu hĩnh này, Diamond Holiday đã đánh trúng lòng tham của nhiều người để từ đó trục lợi số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, số tiền thưởng mà hội viên thu lại chỉ là tiền “ảo” mà không thể rút ra được.

Cũng trong năm 2011, trang thương mại điện tử muaban24 đã bị sụp đổ. Từ giữa năm, website muaban24.vn được mở ra. Với hàng loạt các hoạt động quảng bá, truyền thông, sàn giao dịch này đã thu hút được sự chú ý lớn.

Mỗi người khi tham gia “dự án” của muaban24 sẽ phải bỏ ra 5,2 triệu đồng để mua một gian hàng ảo để được quyền đăng tin mua, bán trên gian hàng ảo đó, tiếp đó, người mua gian hàng sẽ trở thành hội viên của muaban24, và cơ hội kiếm tiền mở ra với họ bằng cách chèo kéo người khác mua gian hàng để hưởng 1,5 triệu đồng trong số 5,2 triệu đồng mà người mua hàng nộp vào. Không chỉ như vậy, nếu hội viên phát triển được 2 nhánh, mỗi nhánh có 99 gian hàng thì sẽ được nâng bậc VIP và được thưởng gần 100 triệu đồng trực tiếp.

Ngoài ra, hội viên này còn được hưởng phần trăm gián tiếp nếu những người dưới họ lôi kéo được người khác mua gian hàng. Rất nhiều chi nhánh của muaban24 đã được mở ra tại các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã phát hiện và phanh phui những sai phạm trong cách thức hoạt động của website này.

Thiên Ngọc Minh Uy có lẽ không còn là cái tên xa lạ đối với nhiều người. Công ty này nổi tiếng là kinh doanh nhiều mặt hàng sản phẩm dưới hình thức đa cấp. Nhưng, đáng buồn thay, một công ty có nhiều chi nhánh như thế cũng lại chỉ là một công ty lừa đảo dựa trên sự cả tin của người khác. Chiêu bài của Thiên Ngọc Minh Uy là dụ dỗ, lôi kéo khách hàng sử dụng sản phẩm của mình bằng những lời hứa hẹn hấp dẫn với những ưu đãi và tiền thưởng hậu hĩnh. Việc của khách hàng, là chỉ cần kêu gọi càng nhiều người cùng sử dụng sản phẩm với mình càng tốt và tiền trong tài khoản ảo của họ sẽ gia tăng một cách nhanh chóng theo cấp số nhân. Ngoài những hứa hẹn đó, công ty còn đưa ra những “dẫn chứng cụ thể” những bậc tiền bối về sự thành công nhanh chóng của công việc này.

Tương tự như vậy, Công ty cổ phần Hoàng Kim Thế Gia cũng đã khiến nhiều người phải điêu đứng. Họ mở hàng loạt các cuộc hội thảo, lôi kéo nhiều người tham gia rồi vẽ ra viễn cảnh tươi sáng về cuộc sống giàu sang chỉ trong thời gian ngắn mà khách hàng “không phải làm gì cả”. Hàng tuần, hàng tháng tài khoản của họ vẫn không ngừng gia tăng, thậm chí còn đến mức “anh không muốn nhận tiền nhưng công ty cứ chuyển vào tài khoản cho anh”. Không tin sao được, khi những người lôi kéo, dụ dỗ họ ăn mặc lịch sự, lời nói nhã nhặn, cùng quyết tâm khí thế hừng hực? Không lung lay sao được khi họ luôn dùng những câu nói khiêu khích, đánh vào tâm lý khách hàng?

Trên đây chỉ là một vài trường hợp hình thức bán hàng đa cấp bị kẻ xấu lợi dụng trục lợi. Trên thực tế, kinh doanh đa cấp đúng nghĩa không xấu, không những thế, nó còn là một phương thức kinh doanh hiệu quả và tiết kiệm được nhiều khoản chi phí, đem lại lợi ích cho cả người bán và người mua. Nhưng kinh doanh đa cấp chỉ cách biệt rất nhỏ với hình thức lừa đảo “hình tháp ảo” và việc phân biệt công ty minh bạch hay bất chính rất khó với đa số người dân, nhất là những người chưa hiểu rõ về về hình thức kinh doanh này.

Trước sự biến tướng và thay đổi không ngừng của hình thức kinh doanh đa cấp, người tiêu dùng nên tỉnh táo và cẩn thận, tìm hiểu kĩ trước khi tham gia vào bất kì hoạt động đa cấp nào.

ANTT.VN xin cung cấp đến quý độc giả một số công ty có chiêu trò tương tự:

1. Công ty TNHH Đầu tư phát triển An Phát Thịnh
2. Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt (Vietnet)
3. Công ty TNHH Unicity
4. Công ty TNHH Sao Phương Bắc (Oriflame)
5. Công ty TNHH Word Nets
6. Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam (TIENS)
7. Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân (Oriflame)
8. Công ty TNHH TM Lô Hội
9. Công ty Everrichs Global
10. Vital Group
11. Công ty Vipha Việt Nam
12. Công ty Big Forest

Theo AN NINH TIỀN TỆ