Thứ Năm

Lấy chồng, ở giá, single mom và đi du học...

Phụ nữ – nếu được lựa chọn, luôn là tình yêu trên sự nghiệp, luôn là người ta trên bản thân mình.
Tôi không có dịp chào chia tay một chị bạn khi chị quyết định đi du học vài năm ở Mỹ. Nhưng không sao, chúng tôi chat với nhau thường xuyên hơn cả những bữa càphê. Vẫn lại là những câu chuyện tình yêu và một người đàn ông nào đó.
Phụ nữ – nếu được lựa chọn, luôn là tình yêu trên sự nghiệp, luôn là người ta trên bản thân mình.

Phụ nữ – nếu được lựa chọn, luôn là tình yêu trên sự nghiệp, luôn là người ta trên bản thân mình. Khi tôi trò chuyện với anh bạn trai mới nhất của mình trong một buổi tối nhập nhoạng, anh nói: Vẫn là em mà, anh vẫn chỉ nghĩ đến em thôi, làm gì còn ai khác nữa? Tôi chỉ cười: Không phải! Anh nghĩ đến anh trước tiên! Lúc này anh trố mắt: À, em cần em và bản thân anh ngang nhau? Câu chuyện trước buổi tiệc đêm của chúng tôi kết thúc ở những dấu chấm mà tôi chọn không nói tiếp… Vì phụ nữ luôn khác đàn ông!


Tôi nghĩ về sự lựa chọn những ngả rẽ cuộc đời. Tất cả mọi người đều mong chúng tôi lấy chồng. Vâng, tất cả! Gia đình, mẹ, dì, bà, hàng xóm. Cả xã hội. Bản thân chúng tôi cũng rất mong mình lấy được chồng. Có một hoặc nhiều đứa con xinh xắn, giống hoặc không giống mình, để thay tã, thức khuya, mệt nhoài và than thở.

Trong người chúng tôi còn có một cái đồng hồ cứ kêu tích tắc, không thể tắt đi được. Đến 22 tuổi nó kêu nho nhỏ, rồi cứ càng ngày càng to hơn. Đến ngưỡng 27, 28 gần 30 thì reng ầm ĩ. Qua 30 thì khỏi nói. Không sao tắt đi được. Điều này giải thích cho một vài chị bạn trong nhóm của tôi, đầu năm tuyên bố quyết tâm lấy chồng, thì y như rằng cuối năm có đám cưới. Khi bạn chỉ nghe thấy tiếng đồng hồ reng, thì đành phải phớt lờ đi những bản nhạc lãng mạn. Khi lấy chồng là mục tiêu thì chân dung đàn ông trở thành thứ yếu. Những người phụ nữ thông minh không chọn người đàn ông có đủ các gạch đầu dòng mình đặt ra thời thiếu nữ, mà sẽ gật đầu cái rụp khi gặp người chỉ cần sở hữu một trong những gạch đầu dòng là đủ.
Phần còn lại, là những phụ nữ quyết định không lấy chồng. Cũng không hẳn là quyết định, nhưng năm tháng cứ qua đi. Cũng lần lữa, định tặc lưỡi, rồi năm tháng cứ qua đi. Như một anh bạn của tôi người Mỹ sống ở Chiang Mai cả mười năm nay. “Dễ sống quá, năm tháng cứ qua đi…”
“Chị không muốn có con à?” Tôi hỏi một chị bạn độc thân năm nay vừa tròn 40 tuổi của mình. “Không, con cháu trong nhà nhiều quá rồi, phát mệt”. Nếu phụ nữ không có một mục đích cụ thể, thì chỉ cần sống hạnh phúc đã là quá đủ. Tôi tự hỏi mình về tương lai. Liệu tôi có thể “ở giá” hay không? Vài năm trước thì thấy viễn cảnh này quá buồn và cô đơn, đến mức không chịu nổi. Nhưng giờ thì lại thấy bình thường. Nếu tôi cứ có cả đống việc để làm, cứ đợi đến cuối tuần để tiệc tùng, có nhiều sách hay để đọc mê mải, cứ ba tháng đi du lịch một lần, đến rạp xem phim mỗi tuần – như bộ phim mới In Time chẳng hạn – rất gợi cảm hứng, thì tôi nghĩ, năm tháng sẽ qua đi. Tại sao phải cần một người đàn ông khi bản thân mình đã làm cho mình hạnh phúc?
Nhưng nếu câu trả lời của chị bạn tôi ở trên là có, thì chúng ta sẽ có những người mẹ độc thân vui tính. Một trong những người ấy hay ở cạnh mỗi lần tôi có vẻ chao đảo vì tình yêu. Có lần chị nói vui: Có muốn bớt khổ vì đàn ông không? Có ngay một thằng như thằng Tôm nhà chị, chả còn thời gian nghĩ ngợi gì nữa… Người đàn ông bé con thay vì trở thành gánh nặng, đã trở thành một niềm vui khi mà chị “nhảy cóc” được giai đoạn cưới chồng lận đận. Tôi chỉ hơi tiếc có những cô bạn mình còn quá trẻ, đau khổ sau vài chuyện tình yêu, đã vội vàng lựa chọn trở thành single mom bằng cách thụ tinh ống nghiệm. Lựa chọn này liệu có hơi ích kỷ cho đứa trẻ khi AND người cha bị xoá mất? Suy cho cùng, vẫn là những nguyên lý đơn giản dễ hiểu về hạnh phúc: Hạnh phúc không tự sinh ra hay mất đi, nó chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác, từ người này sang người khác…
Ở thời chúng tôi, một ngả rẽ mới ra đời: đi du học. Không phải đi học để học. Đi học chỉ để có cớ đi, bắt đầu một lát cắt cuộc sống khác. Tôi thường nói vui: sang Tây chẳng thấy mình già, vì ai cũng già hơn mình mà vẫn chưa chồng, chưa vợ. Giống như “ăn trộm” được vài tuổi vậy. Những nơi như Berkeley, bang California, Mỹ, cây cối mọc thành rừng giữa thành phố, nắng luôn chói chang thanh bình trong khu vực trường đại học nổi tiếng này. Cả một cộng đồng trai thanh nữ tú, cả già cả trẻ, phần nhiều trên 30 tuổi, hoan hỉ ôm sách đi học mỗi ngày vì đó chính là cuộc sống của họ. Có những nơi như Đan Mạch, chỉ cần đi học bạn đã được tặng 500 euro mỗi tháng như đi làm ăn lương vậy.
Thế là, khi công việc đã đủ để dành dụm, tuổi đã đủ để chẳng còn sợ thứ gì, dù là tàu điện ngầm hay vài thứ tiếng Tây xì xồ, những chị bạn tôi quyết định xách vali đi du học vài năm để thay đổi cuộc sống, cộng với việc bớt phải nghe ca thán chuyện cả xã hội giục lấy chồng. Trong chiếc vali ấy – thường thì – có tâm trạng chưa trọn vẹn về một người đàn ông. Thế là đi du học đôi khi để quên, để nhớ, để nghiệm ra mình cần người ta, hoặc để đến gần hơn với trái tim của họ. Tóm lại, đi du học để… yêu! Thế nên phụ nữ 30 tuổi, đến những thành phố đẹp như mơ, bắt đầu dọn dẹp lại trái tim của mình. Như một chuyến phiêu lưu. Mà điều đặc biệt, là chẳng thấy ai trở về!
Nghĩ lại, tôi thấy trước mặt mình, quả là vẫn còn bốn ngã rẽ hạnh phúc để chọn lựa.
Thùy Minh/góc suy ngẫm