Thứ Ba

Tết - nỗi khổ nhục của phụ nữ....

Tết, đàn ông Việt chỉ biết uống bia rượu. Họ trút gánh nặng lên vai phụ nữ. Họ quá rảnh rang đứng nhìn phụ nữ gánh những gánh nặng ấy bằng sự vô tâm của mình.

Tết - nỗi khổ nhục của phụ nữ

Tháng 1 năm ngoái, tôi có làm một khảo sát nhỏ trong một đợt tặng sách cho độc giả. Có nhiều người trả lời rằng, suốt nhiều năm, họ phải đón giao thừa trong bồn tắm. Bởi vì đó là lúc mà họ xong hết đủ thứ việc nhà. Và bắt đầu họ có chút thời gian cho riêng họ.


Tết - nỗi khổ nhục của phụ nữ....

Hầu hết những người phụ nữ được hỏi, trên 60%, đều tỏ vẻ ức chế vì họ phải làm quá nhiều việc trong dịp Tết. Nhưng, ức chế hơn, là vì sự quá rảnh rang của những ông chồng.

Muốn có một cái Tết ấm áp, chẳng khó khăn gì. Nó đến từ những điều nhỏ nhặt, thậm chí lặt vặt, chứ không phải đến từ những thứ như năm nay bạn được thưởng bao nhiêu tiền, được nghỉ bao nhiêu ngày, được nhận những quà cáp gì…

Trong ngõ tôi sống, như năm ngoái trở về trước, cánh đàn ông Việt chia nhau ra làm hết các việc nặng chung cho cái Tết của cả ngõ. Một ông lo gà. Một ông lo gói bánh chưng. Một ông đi luộc bánh chưng, cho cả ngõ.

Cánh đàn bà cũng chia việc ra, nhẹ hơn. Người thì mua mâm ngũ quả. Người thì nấu canh măng. Một cái Tết khá gọn gàng. Các ông chồng cũng khá thảnh thơi và các bà vợ cũng chẳng oán thán trách móc gì.
Tết - nỗi khổ nhục của phụ nữ....

Làm những điều đấy, rất dễ. Vấn đề là các đức ông chồng không muốn làm. Đã thế, các anh lôi một đống bạn bè về nhà và muốn vợ phải nấu những món thật ngon để đãi bạn, hơn là phải nghĩ đến chuyện xắn tay cùng vợ.

Về quê, cũng muốn mình với những cánh đàn ông khác ngồi mâm trên uống rượu đánh cờ, còn ở dưới là vợ với một đống trách nhiệm cao chất ngất với cả họ hàng, từ nhặt rau cho đến rửa bát.

Nếu bạn làm một cuộc điều tra xã hội học với những người phụ nữ mới mặc áo cưới trong 3 tháng qua, họ đều sợ cái Tết này. Đây là cái Tết đầu tiên mà họ làm dâu. Và cái cảnh bạn vừa thấy, là gánh nặng của tất cả phụ nữ Việt.

Gánh nặng đó của họ may ra chỉ tạm thoát được trong ngày Tết, khi họ có con dâu, lên chức mẹ chồng để trao gánh.

Phụ nữ thường phải diễn những vai mà họ không bao giờ từ chối được trong ngày Tết. Thực ra, họ biết mình muốn gì, nhưng họ không thể chống lại được quán tính của cái xã hội này.

Chỉ hỏi “ăn Tết có to không” mà không ai hỏi có hạnh phúc nhiều không

Tết, người ta thường hỏi nhau: “Năm nay ăn Tết có to không?”. Họ lấy điều đó làm thước đo thành tựu của một gia đình trong suốt 1 năm.

Họ không quan tâm con cái có yêu thương bố mẹ hơn năm ngoái không, đã làm được nhiều việc tử tế hơn năm ngoái không, con cái học hành có tốt hơn năm ngoái không…

Người hỏi đã hỏi mặc định như thế còn người trả lời thì cũng cố chứng minh hết những thứ cần chứng minh để trả lời cho câu hỏi đó. Thế nên, Tết cũng được coi là thể diện của cả một gia đình trong các mối quan hệ xã giao.

Người ta đầu tư quá nhiều về tiền bạc và tinh thần cho chuyện ăn uống với những cỗ bàn ê hề, và những thứ để trưng trổ. Họ chỉ quan trọng những thứ thuần vật chất trong khi đó đời sống tinh thần lại rất kém và đi xuống.

Không ít người ra sạp mua luôn cả 10 tờ báo Xuân trong khi đó, Tết không đọc hết nổi một tờ. Họ mua để trưng cho có Tết theo quán tính.

Họ chẳng nghĩ đến chuyện ngày đó sẽ có một bộ cờ cho trẻ con chơi, hay những trò chơi mới lạ khuyến khích cả gia đình cùng vui trong kỳ nghỉ, thay vì chuyện phải lo mâm cao cỗ đầy, rượu bia bát ngát để mời hết người nọ người kia.

Cả một xã hội chạy theo sự trưng bày thì dù là đàn ông hay phụ nữ, Tết là dịp để ta thấy rất rõ họ là nô lệ của lề thói trưng bày ấy. Mà khi đã thành nô lệ thì chẳng ai sung sướng gì cả.

Bạn chỉ cần đi ra cái chợ nhỏ đầu ngõ, hỏi các chị bán rau, bán thịt, dù già hay trẻ, rằng các chị đang ăn một cái Tết như thế nào, thì hết thảy bạn đều nhận được câu trả lời giống nhau: khổ nhục.

Tết của hôm nay cũng chẳng khác gì Tết của trăm năm trước. Vẫn gánh nặng mâm cỗ, vẫn ám ảnh thức ăn, để chứng minh cho sự đảm đang của người phụ nữ, cũng như sự tử tế của họ đối với chồng và với xã hội.

Những người chồng xem điều ấy là bình thường. Là việc phải làm. Thật đáng sợ.

Cách giúp bạn có thể thoát được điều đó: Hãy chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu của một nồi lẩu đã được làm sạch ( tất nhiên, là cả gia đình ngồi chuẩn bị). Cho vào tủ lạnh, ăn 3 ngày Tết, thì bất cứ lúc nào cũng là một nồi lẩu trịnh trọng dọn ra cho mọi người cùng ăn.

Còn nếu như bạn muốn chứng tỏ bản thân bằng mâm cao cỗ đầy, 6 đĩa 8 món như xưa, chắc chắn không còn phù hợp nữa. Và đơn giản thôi, tôi đố bạn ăn hết chỗ mà bạn vừa dọn ra.

Trong một số mặt, phụ nữ nên cân nhắc thói quen trưng trổ những thứ ăn được nhìn được trong nhà dịp Tết, mà nên phân bổ nó ra trong suốt năm để đỡ phải nặng gánh thêm trong dịp Tết.

Hãy bớt đi một vài món sơn hào hải vị để cùng thêm một niềm vui giản dị cho tổ ấm, thứ mà hiện nay chỉ có nguội đi rất nhiều trong cuộc sống mà sự trưng trổ đang ngày càng thống lĩnh này. Nếu làm được thế, thì cái Tết của bạn sẽ nhẹ nhõm rất nhiều.

Đàn ông chỉ từ chối rượu vì mình, không phải vì gia đình

Đàn ông cũng có một gánh nặng duy nhất trong ngày Tết, đó là uống bia rượu. Tôi tin rằng, họ cũng rất khổ sở, rất không muốn uống rượu, nhưng không còn cách nào khác, họ phải thể hiện cái sĩ diện của mình trong dịp Tết.

Để rồi khi họ gục xuống, gánh nặng đó lại đổ lên đầu những người phụ nữ. Người phụ nữ lại phải ở cạnh chồng mình, lấy thau, lấy khăn, cạo gió, xoa bóp, lau nhà, lỡ hẹn với bạn, lỡ hẹn với con để gánh cái “gánh nặng” mà chồng vừa trút xuống.

Khổ nỗi, đàn ông Việt Nam thường từ chối uống rượu khi sức khỏe họ không cho phép, chứ chưa bao giờ họ từ chối vì các lý do liên quan đến gia đình, ví dụ như lý do “tôi từ chối uống vì tôi không muốn người phụ nữ ở bên tôi phải chịu khổ”

Nhưng, tôi lại từng thấy đàn ông nước ngoài, từng có những bày tỏ quan điểm rõ ràng: Không bao giờ ép ai uống bia rượu và cũng không muốn uống nhiều để làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, ảnh hưởng đến công việc.

Các anh nên bỏ ngay cái thói quen ép rượu và uống rượu chỉ vì sĩ diện mà không nghĩ cho những người xung quanh. Các anh nên cho mình cái quyền từ chối vì gia đình của mình, vì những gì thiêng liêng của mình.

Nếu các anh nói được điều đó ra, tôi cho rằng hình ảnh người đàn ông Việt sẽ đẹp lên rất nhiều. Và đó là người thực sự cao thượng, tình cảm và đáng mặt đàn ông hơn là những thứ sĩ diện hão đã theo bóng đàn ông cả hàng nghìn năm.

Hãy làm được điều giản dị đó trong ngày Tết, không cần phải làm những điều đao to búa lớn, không cần chứng minh nhiều thứ kinh khủng, thì hình ảnh của các anh trong mắt chị em phụ nữ đã cao đẹp lắm rồi.

Tết truyền thống vẫn đang là một cái gánh quá nặng trên vai người phụ nữ. Nhưng, điều đó không đáng sợ bằng việc gánh nặng đó đang được trút lên vai cả xã hội. Gánh đó nặng kinh khủng, tiêu xài quá nhiều nguồn lực của xã hội.

Nguồn lực con người, thời gian, tiền bạc, rồi những tập tục phản văn minh nảy sinh thêm trong xã hội hậu hiện đại.

Các cụ ngày xưa chỉ ăn Tết có 3 ngày, trong khi chúng ta bây giờ có khi 3 tuần mà vẫn chưa hết Tết. Bao cơ hội của biết bao con người cũng mất theo chuyến nghỉ ngơi ăn chơi như thế.

theo Trang Hạ