Thứ Năm

43 lao động Việt Nam tại Nhật Bản kêu cứu: Giấc mơ thành gánh nợ

Ngày 15.3, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nhận được lá đơn kêu cứu khẩn cấp của 43 lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Những công nhân này phải lao động ở vùng hẻo lánh thuộc Iwate với tình trạng điều kiện làm việc, ăn ở sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và sức khỏe.

Giấc mơ thành gánh nợ
9 người ở phòng 25m2, chỉ được ăn rau

Trong đơn, nhóm công nhân này cho biết mỗi tháng họ phải trả mỗi người là 39.000 yen Nhật (trừ trực tiếp khi công ty trả lương). Ngoài ra mỗi người phải chi phí tiền nhà ở và 8.000 yen Nhật cho chi phí tiền điện, nước, gas. Các công nhân bị ép ở tại một căn phòng khoảng 25m2 cơ sở vật chất rất kém, nhà vệ sinh “có như không”. “Chúng tôi bị cấm ăn cá - thịt - trứng (chủ tịch tập đoàn yêu cầu). Bị yêu cầu chỉ được ăn rau mỗi ngày và gạo lứt. Chi phí ăn mỗi ngày mà chúng tôi nộp là 500 yen Nhật. Với 9 người thì tổng là 27.000 yen Nhật/tuần nhưng họ chỉ đưa lại 15.000 yen Nhật để mua sắm đồ ăn cho cả tuần. Số tiền còn lại họ giải thích là ngài Chủ tịch kêu giữ lại. Bữa ăn trưa của mỗi ngày: Khoảng 43 người ăn nhưng gần 4kg gạo lứt tương đương 16 lon của Nhật và rau xanh”.
Cơm chỉ có rau không có thịt
Lá đơn cũng mô tả một ngày làm việc bắt đầu từ 7h sáng đến 19h từ thứ hai đến thứ bảy mỗi tuần. Trong khi đó, ở môi trường độc hại nhưng Cty không trang bị các dụng cụ bảo vệ lao động. Điều đáng nói, người lao động ở đây bị trừ nhiều khoản lương phi lý như chi phí đào tạo (khi ở Việt Nam, Cty nói miễn phí), chi phí vận chuyển. Chính vì thế mức lương được hứa trả từ 27-30 triệu/tháng thực chất còn lại khá ít. “Khi thấy các vấn đề vô lý hoặc thắc mắc chúng tôi bàn bạc và đưa ra phát biểu thì bị ngăn cấm... Họ chấm dứt lao động mà không thông báo đúng như luật lao động. Khi tôi có các thắc mắc gửi về công ty thì họ lập tức thôi việc với tôi và phải trở về Việt Nam gấp, không thì họ không hỗ trợ vé máy bay hoặc các hành động thông báo với chính quyền địa phương...”.
Lá đơn kêu cứu
Ngày 16.3, PV Báo Lao Động tiếp cận được với một người lao động Việt Nam vừa trở về từ Nhật Bản. Đó là anh Hoàng Anh, sinh năm 1991, ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Anh Hoàng Anh cho biết: “Tôi làm công nhân xây dựng ở Saimata từ tháng 10.2014 và trở về nước ngày 29.2.2016. Chi phí lúc đi là 3.500 USD, tiền môi giới là 3.500 USD nữa. Sang Nhật, mỗi tháng nhận lương tính ra tiền Việt khoảng 17-18 triệu đồng nhưng trừ tiền nhà chỉ giữ lại khoảng 10-11 triệu đồng/tháng. Lương không cao nhưng làm việc rất vất vả, đi từ 4h sáng đến tối và không được tính tiền thêm giờ. Nhiều người tôi gặp ở Nhật lương tính ra chỉ khoảng 10 triệu đồng nhưng phải bỏ ra 350 triệu đồng để môi giới sang Nhật. Lương ấy làm cả năm không hòa vốn. Việc tôi về nước là vì có xích mích nhỏ với đồng nghiệp người Việt, chỉ là cãi nhau nhưng sáng thông báo đuổi việc lúc 8h thì 9h đã phải ra sân bay. Thật sự tôi cảm thấy hối hận khi sang Nhật. Cho đến nay, Cty ở Nhật và Cty phái cử vẫn chưa thể giải thích tại sao trả tôi về…”.

Sẽ đến tận nơi xác minh

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH - cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin này từ BQL lao động Việt Nam (thuộc Đại sứ quán Việt Nam) tại Nhật Bản. Theo đó 43 lao động này đi làm việc tại Nhật Bản thông qua chi nhánh của Cty Freesia House Corporation (6-8-3 Sotokanda Chiyoda-Ku, Tokyo), có văn phòng tại quận Thủ Đức (TPHCM) theo diện kỹ sư thực hành với thời hạn visa là 1 năm. Theo thông tin xác nhận của BQL lao động Việt Nam tại Nhật Bản, những lao động này sang Nhật Bản theo hình thức hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với Cty sử dụng lao động tại Nhật Bản. Liên quan đến vấn đề này, BQL lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã có buổi làm việc với Cty sử dụng lao động tại Tokyo, Nhật Bản. Vấn đề mấu chốt trong vụ việc này là Cty sử dụng lao động tại Nhật Bản không thực hiện đúng hợp đồng đã ký về điều kiện làm việc và ăn ở”. Ông Nam cũng khẳng định: “BQL lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tới nhà máy tại Iwate để xác minh, làm rõ các điều kiện làm việc và ăn ở thực tế của người lao động để có cơ sở yêu cầu Cty sử dụng lao động thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký, đảm bảo điều kiện làm việc và ăn ở cho NLĐ”.

Theo thông tin từ Bộ LĐTBXH, hiện phần lớn lao động Việt Nam sang Nhật Bản là dưới hình thức thực tập sinh theo chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật thông qua các doanh nghiệp phái cử đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước giới thiệu với Tổ chức Hợp tác và đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO). Theo kênh phái cử này, các doanh nghiệp phái cử phối hợp với các nghiệp đoàn tiếp nhận của Nhật tiến hành tuyển chọn thực tập sinh, sau đó tổ chức đào tạo tiếng Nhật và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho thực tập sinh trước khi đưa sang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.

Đến nay Cục Quản lý lao động ngoài nước đã giới thiệu với JITCO 203 doanh nghiệp phái cử đủ điều kiện để thực hiện chương trình này và hiện có khoảng gần 50.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, cũng có nhiều Cty không có tư cách tuyển chọn cũng đứng ra môi giới người lao động làm việc tại Nhật Bản, ông Tống Hải Nam khuyến cáo: “Để đảm bảo người lao động được đi làm việc ở nước ngoài theo kênh an toàn, hợp pháp, tránh tình trạng bị các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài lừa đảo, chúng tôi đã rất nhiều lần khuyến cáo người lao động cần phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua bất kỳ tổ chức nào.

Người lao động có thể tìm hiểu thông tin trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn) hoặc gọi điện tới Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại (04-38249517 máy lẻ 511, 512, 513). Hoặc người lao động có thể tới Trung tâm Dịch vụ việc làm hoặc Sở LĐTBXH địa phương để được tư vấn các thông tin chính thống, để có thể đi làm việc ở nước ngoài theo kênh an toàn, hợp pháp. Khi đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, người lao động phải trực tiếp đăng ký với các doanh nghiệp/tổ chức có chức năng phái cử lao động đi làm việc ở nước ngoài chứ không thông qua bất kỳ trung gian hay môi giới nào”.

Theo Laodong