Về quá trình xin việc, với ít nhiều trải nghiệm cả gửi và tiếp nhận hồ sơ, mình xin ghi lại một số điều mà các bạn đang trong quá trình tìm kiếm việc làm cần lưu ý:
1. Thứ nhất, xác định chính xác ngành nghề, lĩnh vực mà mình muốn làm và có thể làm. Có danh sách các doanh nghiệp đang tuyển nhân sự lĩnh vực đó (sắp xếp theo mức độ ưu tiên, và khả năng phù hợp).
Lưu ý: Tránh các nhà tuyển dụng tuyển lặp đi lặp lại cho một vị trí quá nhiều vì điều đó cho thấy sự thiếu bền vững trong công việc, thậm chí là lừa đảo.
2. Thứ hai, sau khi chọn được ngành nghề, các bạn nên xem xét xem trong những mối quan hệ của mình có ai có thể giúp, hoặc giới thiệu mình vào vị trí mong muốn hay không (Thông thường tỉ lệ được vào qua giới thiệu là rất cao).
Thu hút nhà tuyển dụng là cách tốt nhất |
3. Thứ ba, khi gửi email các bạn nên cẩn thận và chú ý việc cá nhân hóa các hồ sơ của mình cho từng nhà tuyển dụng từ tiêu đề email, nội dung CV và Cover letter. Theo kinh nghiệm, mình sẽ chọn ra nhà tuyển dụng mà mình ưu tiên nhất, để viết một CV và Cover letter hoàn chỉnh cho vị trí ứng tuyển, sau đó, tiến hành thay đổi một số nội dung nhỏ để phù hợp với các nhà tuyển dụng khác.
Các lỗi forward mail, sai tên doanh nghiệp hoặc quên không sửa tên doanh nghiệp, vị trí ứng tuyển nên tránh tuyệt đối trong quá trình xào xáo và nộp hồ sơ.
4. Thứ tư, về cách trình bày CV, thư xin việc, các bạn cần lưu ý về bố cục trình bày sao cho hợp lý.
Đối với CV, bây giờ các nhà tuyển dụng đa phần đều xem trực tiếp trên email nên các bạn có thể thỏa sức sáng tạo, những CV được đầu tư về đồ họa luôn rất thu hút. Trong các phần thường thấy trong một CV thì các thông tin liên quan đến kinh nghiệm và kỹ năng làm việc là quan trọng nhất. Các nhà tuyên dụng có thể lướt qua phần học vấn chỉ để biết rằng bạn đã tốt nghiệp đại học hay cao đẳng nhưng họ sẽ không làm vậy với phần kinh nghiệm và kỹ năng liên quan. Do vậy, hãy đọc thật kỹ phần mô tả, yêu cầu công việc để làm tốt nhất hai mục này. Dù nhiều dù ít đều không được bỏ trống.
Đối với thư xin việc, các bạn có thể tham khảo cụ thể hơn trong các bài Bí kíp viết thư xin việc 1 và Bí kíp thư xin việc 2
5. Thứ năm, chuẩn bị tốt cho vòng phỏng vấn và các bài test. Các bạn nên đọc kỹ phần mô tả công việc và những kiến thức chuyên môn yêu cầu. Đúng giờ và thoải mái, vui vẻ tại các buổi phỏng vấn.
Khi đàm phán về lương bổng các bạn nhiều người vẫn khuyên bạn không nên đưa ra một con số cụ thể với các câu trả lời đại loại như: "Tôi sẽ cố gắng cống hiến hết mình và nhận về một chế độ đãi ngộ tương xứng". Nhưng, mình thì không khuyến khích các bạn làm điều đó. Đối với người đi làm thì lương là một phần quan trọng và liên quan trực tiếp tới quyền lợi của các bạn, do vậy hãy thẳng thắn, người tuyển dụng cũng đều muốn như vậy. Trừ khi bạn là nhân viên có kinh nghiệm và cao cấp, các doanh nghiệp đều có khung lương chung cho nhân viên mới. Người làm nhiệm vụ phỏng vấn, họ đâu có trách nhiệm đối với doanh nghiệp đề xuất cho ứng viên một mức lương dưới chuẩn, nhiệm vụ của họ là tuyển người cơ mà. Còn đối với các ứng viên, hãy thuyết phục họ bằng khả năng của mình và hãy nói ra mức thu nhập bạn mong muốn tương xứng.
End. Cuối cùng, sau khi vượt qua phỏng vấn và test, thời gian thử việc đòi hỏi sự nghiêm túc và nỗ lực nhất của các nhân viên mới. Trong thời gian thử việc, nếu thấy không phù hợp, các bạn nên tìm kiếm cơ hội khác và dừng lại sớm nhất có thể. Còn nếu thấy phù hợp thì bạn phải thể hiện hết mình trong giai đoạn này. Dù chuyển bất cứ công việc nào cũng đều có thời gian thử việc, do vậy, nếu bạn không cho thấy khả năng của mình và ra đi sau thời gian thử việc sẽ khiến các bạn mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Góc tư vấn/blogcamxuc