Theo tàu đánh cá trên biển Đài Loan năm 2011, một ngày kia gia đình 3 thuyền viên ở Hà Tĩnh bất ngờ nhận tin con trai họ bị cướp biển Somali bắt. Bốn năm trôi qua, số phận các thuyền viên vẫn không có lời đáp.
Trong căn nhà nhỏ lụp xụp ở thôn Quảng Ích (xã Kỳ Khang), bà Nguyễn Thị Thủy (57 tuổi) rơm rớm nước mắt kể về con trai Nguyễn Văn Hạ (35 tuổi) bặt vô âm tín suốt nhiều năm qua.
"Nhận điện thoại của con trai, tôi đã thông báo với công ty cung ứng lao động Vinamotor ở Hà Nội nhờ họ liên hệ với cơ quan chức năng giải cứu con. Từ ngày bị bắt, Hạ có gọi điện về một vài lần, muốn mọi người gửi tiền để chuộc. Tuy nhiên 3 năm nay thì không thấy gọi về nữa", bà Thủy nói.
Dứt lời, người mẹ nhìn lên di ảnh con gái tên Xuân (chị của Hạ) sụt sùi. Thời gian qua, gia đình bà liên tục nhận tin đau thương mất mát. Cách đây 5 năm, chồng qua đời nên chị Xuân đi Angola làm ăn. Sau đó, chị bị cướp sát hại để lại hai đứa con thơ dại. Giờ đến lượt anh Hạ không biết sống chết thế nào. Ánh mắt đỏ hoe, bà Thủy thở dài nhìn xa xăm cầu nguyện.
| ||
"Bốn năm qua, nhiều lần chúng tôi định thông báo tới các cơ quan truyền thông nhờ hỗ trợ, nhưng phía công ty cung ứng lao động bảo rằng sợ mọi chuyền ồn ào ảnh hưởng tới tính mạng thuyền viên. Tháng 2/2015, họ nói những người bị bắt vẫn còn sống. Nhưng chờ mãi không có động thái gì, thời điểm này tôi đã hết kiên nhẫn", bà Thủy nói và cho biết thêm hàng năm công ty vẫn gửi cho gia đình 5 triệu đồng quà tết.
|
Cách nhà bà Thủy hơn 10 km là nhà của thuyền viên Nguyễn Văn Xuân (trú xóm Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh). Nước mắt lưng tròng, chị Nguyễn Thị Quỳnh (33 tuổi, vợ anh Xuân) ngồi ôm chặt hai cô con gái kể, cách đây 4 năm gia đình vay mượn 12 triệu để anh Xuân đi Đài Loan xuất khẩu lao động. Làm ăn yên ổn một thời gian, bỗng một đêm khuya tháng 5/2012, chồng gọi về thông báo bị cướp biển khống chế đòi tiền chuộc. Từ năm 2013 tới nay chị không biết tình hình anh sống chết ra sao.
Người phụ nữ 33 tuổi tâm sự, hàng đêm chị nằm mê sảng, có nhiều hôm mơ thấy anh về trước hiên nhà rồi lại đi. Chị Quỳnh một mình chạy vạy trả tiền lãi vay, nuôi 3 con cùng bố mẹ già. Ra Hà Nội gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng, có hôm chị phải ngủ ở hành lang công ty vì không có tiền thuê phòng.
Bà Trần Thị Lĩnh (hàng xóm) cho biết, mấy năm qua, thấy chị Quỳnh khó khăn, mọi người trong xóm thường giúp đỡ, hỗ trợ gạo, thức ăn. "Hôm nào tâm sự với chúng tôi Quỳnh cũng khóc, mấy đứa trẻ hàng ngày cứ hỏi bố nó sao đi lâu vậy không về, chúng tôi cố gắng động viên, nhìn ánh mắt ngơ ngác hồn nhiên của chúng mà lòng quặn thắt", bà Lĩnh nói.
| ||
Chia sẻ với VnExpress từ Nghệ An, ông Phan Xuân Linh (71 tuổi, bố thuyền viên Phương, trú xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An) cho biết, thời điểm Phương đi xuất khẩu lao động phải trả chi phí 14 triệu đồng, kể từ khi bị cướp biển bắt, con trai gọi điện về nhà được 3 lần, sau đó thì không thấy liên lạc nữa.
|
"Vợ tôi nghe tin con thì ngã quỵ rồi tai biến, nằm liệt giường mấy năm nay. Gia đình đã nhiều lần ra Hà Nội gửi đơn kêu cứu tới các bộ ban ngành, nhờ họ thương lượng với cướp biển để cứu cháu, nhưng đều không nhận được sự phản hồi", ông Linh nói.
Xác nhận thông tin 3 thuyền viên người Việt bị cướp biển bắt, bà Nguyễn Thị Lan Hương, phụ trách phòng thuyền viên và lao động Công ty Vinamotor (đơn vị cung ứng xuất khẩu lao động) cho hay cách đây 4 năm, phía chủ sử dụng lao động đã báo cáo sự việc cho công ty. Đơn vị đã nhờ Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao vào cuộc giải quyết.
"Tình hình các thuyền viên hiện tại chúng tôi chưa nắm được. Chúng tôi đang thuê một công ty luật ở Hong Kong đàm với với cướp biển để giải cứu thuyền viên. Sự việc này đã nằm ở cấp nhà nước", bà Hương thông tin.
Theo đại diện Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamotor), công ty đã gửi công văn tới Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao về việc ba thuyền viên Nguyễn Văn Hạ (35 tuổi, trú xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh), Nguyễn Văn Xuân (27 tuổi, trú phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Phan Xuân Phương (35 tuổi, trú xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An) làm việc trên tàu Naham bị hải tặc Somalia bắt giữ đầu năm 2012.
"Chủ tàu đặt vấn đề cứu người lên hàng đầu và bước đầu đã trả rất nhiều tiền chuộc cho hải tặc. Hiện nay phía họ vẫn nỗ lực đàm phán với hải tặc để có thể cứu thuyền viên ra, khi có bất kỳ thông tin nào mới chúng tôi sẽ lập tức thông báo cho gia đình thuyền viên được biết", thông báo nêu.
Từ ngày gửi công văn tới nay đã 4 năm, mọi thông tin về việc giải cứu các thuyền viên vẫn vô vọng, người nhà hàng đêm thấp thỏm lo âu cho số phận của con, chồng, anh trai mình.
Người nhà các thuyền viên mỏi mòn trông ngóng
Hải tặc (cướp biển) tại vùng biển của Somalia bắt đầu trở thành mối đe dọa với những đoàn tàu vận tải quốc tế từ giai đoạn đầu cuộc nội chiến ở Somalia những năm đầu thập kỷ 90. Hải tặc lúc đầu thường làm công việc bảo kê trên biển, trước khi những thương gia và dân quân để mắt tới. Một số kẻ từng là ngư dân, chúng cho rằng những con tàu nước ngoài đang đe dọa đến ngành đánh cá ở vùng biển Somalia, vốn là sinh kế của họ.
Sau này, khi việc kiếm lời từ việc cướp biển đòi tiền chuộc quá lớn và dễ dàng, nhiều nhà chức trách còn bật đèn xanh cho hoạt động cướp biển, cũng như chia lợi nhuận với hải tặc. Cướp biển ở Somalia là một mối đe dọa cho vận chuyển quốc tế kể từ giai đoạn hai của cuộc nội chiến Somalia trong thế kỷ 21. Từ năm 2005, nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Hàng hải quốc tế và Chương trình Lương thực Thế giới, đã bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các hành vi cướp biển.
|
Đức Hùng