Trong cuộc sống gia đình hàng ngày, có bao nhiêu chuyện xảy ra khiến các cặp vợ chồng rơi vào tình trạng bát xô đũa lệch. Một trong những hậu quả đáng lên án nhất, là khi 1 trong 2 tìm đến cái chết kéo theo cả sinh mệnh của con mình.
Việt Nam nói riêng và cả thế giới vừa trải qua ngày Quốc tế Phụ nữ tràn ngập niềm vui. Phái đẹp ở khắp các châu lục, đủ mọi màu da, dân tộc được tôn vinh, ca ngợi với triệu triệu lời chúc và hoa tươi, quà tặng. Thế nhưng, đâu đó trong xã hội vẫn còn những mảnh đời phụ nữ bất hạnh, chìm ngập trong cuộc sống gia đình không hạnh phúc, đẩy họ đi vào con đường sai trái, tiêu cực.
Vài ngày trước, tại một khu phố nhỏ ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai), có một bé trai bụ bẫm xinh xắn vẫn nô đùa vui vẻ trong căn nhà của em. Thế nhưng, đến ngày hôm nay, hình ảnh của em tràn ngập trên các mặt báo, mạng xã hội, em không cười nữa, đôi mắt nhắm nghiền bất động, là những hình ảnh khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng rơi nước mắt.
Em bé xinh như thiên thần, yên bình trong giấc ngủ không bao giờ tỉnh lại khiến bao người khóc thương trong nỗi đau vô hình mà nghẹn ngào, tê buốt tận ruột gan |
Khi tỉnh lại trong bệnh viện, mẹ của bé trai tội nghiệp ấy nói rằng vì mâu thuẫn với chồng nên mới dắt con đi, với ý nghĩ sẽ quyên sinh cùng bé. Đứa con là kết quả cuộc hôn nhân 4 năm không hề có dấu vết của hạnh phúc, người chồng thường xuyên cãi vã, hắt hủi, đuổi vợ về nhà ngoại. Người vợ trẻ đã cắn răng chịu đựng sự tra tấn tinh thần, cuộc sống gia đình ngày ngày trôi đi như địa ngục, để rồi đỉnh điểm là ngày 8/3 vừa qua đi, chị quyết định chấm dứt chuỗi ngày bất hạnh của mình bằng việc ôm con tự tử .
Có ai đó đã nói “hôn nhân là một nấm mồ”. Rất nhiều người đồng tình, nhưng cũng không ít người cho rằng nói vậy là phiến diện, nghe quá kinh khủng. Tiến trình phát triển của xã hội trong đó vốn dĩ bao gồm cả việc xây dựng gia đình, duy trì nòi giống, bởi vậy hôn nhân là điều đương nhiên tồn tại trong cuộc sống, không thể không xảy ra. Thế nhưng, 2 người khác phái sinh ra trong hoàn cảnh khác nhau, tiếp nhận sự nuôi dưỡng giáo dục khác nhau, yêu nhau rồi lập gia đình, không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm khi chung sống dưới một mái nhà.
Chẳng có ai dám nói rằng chưa bao giờ bất đồng với vợ hoặc chồng mình, nhẹ thì vợ chồng cãi nhau, mắng chửi nhau, nặng thì báo chí có thêm tin nóng để đăng với trăm nghìn cái tít hãi hùng kiểu như vợ giết chồng, cắt “của quý” chồng làm chảy máu đến chết, rồi chồng nổi nóng chém chết vợ, chặt xác phi tang…Và trong số những kết quả xấu đó, đáng lên án nhất là việc vợ chồng giận nhau, lâm vào đường cùng, nghĩ quẩn, lôi theo cả những đứa trẻ vô tội.
Chỉ vì sự ích kỷ, nông nổi của người mẹ trẻ mà đứa con bé bỏng vô tội phải nhận cái chết oan uổng
Em bé trai trong câu chuyện trên cũng là nạn nhân oan uổng từ sự thiếu suy nghĩ của người làm mẹ. Nhìn từ góc độ tâm lý, ta có thể hiểu được phần nào nỗi u uất của bà mẹ trẻ, lấy phải người chồng tồi, rồi bị đối xử tệ suốt 4 năm trời. Cho dù là người phụ nữ yêu đời, lạc quan đến mấy, khi rơi vào hoàn cảnh như chị, liệu có mấy ai chịu đựng được, giữ mình không bị phát điên? Phụ nữ dù yếu mềm hay mạnh mẽ cũng đều cần một nửa để được yêu thương, dựa vào, đều có chung một khao khát là được hưởng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Nếu ngày nào cũng cãi nhau, xô xát, từ chuyện nhỏ đến lớn, người vợ nào cũng sẽ tổn thương, để rồi tích tụ thành sự phẫn uất, căm hận, sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào.
Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, dù vợ chồng mâu thuẫn đến mấy đi chăng nữa, việc ép con cái tự sát theo mình là hoàn toàn sai. Trẻ em đâu có lỗi trong chuyện người lớn? Hơn nữa, không ai có quyền tước đoạt mạng sống của ai trong cuộc đời này. Huống chi làm mẹ mang nặng đẻ đau, lại nỡ giết hại chính đứa con mình dứt ruột sinh ra, đó là một tội ác! Vẫn biết khi đau khổ tuyệt vọng người ta thường tìm đến cái chết, coi đó là sự giải thoát tốt nhất, kết thúc tất cả. Họ lấy cái chết ra để làm thành một dấu ấn, niêm phong vĩnh viễn trong tâm khảm người đã làm họ bị tổn thương, coi đó là sự trả thù tinh thần. Nhưng làm cha làm mẹ, khi tìm đến cái chết mà bắt con mình chết theo thì thật độc ác. Những đứa trẻ vô tội còn cả tương lai phía trước…
Mới vài ngày trước thôi, mọi người còn thấy thiên thần nhỏ bé này nô đùa chạy nhảy hồn nhiên, mà giờ đây em đã ra đi mãi mãi... |
Gặp phải người vợ hoặc chồng tệ bạc thì ta hoàn toàn có thể chọn cách ly hôn để giải thoát cho mình. Có rất nhiều cách để giải quyết bế tắc hôn nhân, nhưng phải dựa trên suy nghĩ tích cực. Cho dù kết quả là gia đình tan vỡ, thì cũng chia tay trong vui vẻ, và bố mẹ phải đặt con cái lên hàng đầu, để những đứa trẻ dù thiếu thốn một bên cha hoặc mẹ cũng vẫn được hưởng cuộc sống thoải mái, tốt đẹp.
Có những bậc cha mẹ hi sinh mạng sống của mình để đổi lấy hình hài cho con, ngược lại có những người suy nghĩ nông cạn, nhẫn tâm giết hại máu mủ ruột thịt của mình. Nhìn ảnh em bé xinh như thiên thần vẫn hồng hào non nớt trong quan tài bé xíu, làm sao mà không đau xót, làm sao mà không thể không trách cứ người mẹ dại dột kia, khi lỗi lầm của cha mẹ lại phải trả giá bằng sinh mệnh của bé trai 3 tuổi tội nghiệp? Bức ảnh em nằm dưới tấm khăn tang gợi cho chúng ta cảm giác đau đớn, quặn thắt trào dâng, không dám nhìn quá lâu, giống như bức ảnh “Em bé Syria bên bờ biển” từng khiến cả thế giới rơi nước mắt. Hi vọng em sẽ sang một thế giới mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, sống trọn vẹn hơn, không phải gánh chịu những oan nghiệt mà người lớn gây ra…
May mắn sống sót sau khi tự tử, nhưng liệu trong suốt phần đời còn lại, người mẹ dại dột này có thanh thản tâm hồn?... |
Không biết người chồng, người cha trong câu chuyện trên nghĩ gì sau khi đón nhận những mảnh vỡ gia đình còn lại một cách cay đắng và mất mát tột cùng như thế? Anh ta cũng góp phần gây ra lỗi lầm để rồi phải trả giá bằng việc tử thần cướp lấy con trai anh trong một khoảnh khắc. Còn vợ anh, chắc hẳn chị sẽ không bao giờ quên được giây phút tự tay kết thúc sinh mệnh con trai mình. Chị đã ước nguyện được chôn cùng con trong thư tuyệt mệnh , song giờ bức thư còn, chị còn, chỉ riêng thiên thần bé bỏng của chị đã mãi mãi lên thiên đường…
Baomoi