Sáng 23/3, tại phần thảo luận tại tổ, đại biểu Dương Trung Quốc dành phần lớn thời gian để chia sẻ những băn khoăn về chủ quyền quốc gia.
Đại biểu Dương Trung Quốc nói: "Bảo vệ chủ quyền trước hết phải qua giáo dục thế hệ trẻ. Thế nhưng, nhìn vào sách giáo khoa, chiến tranh biên giới 1979 chỉ được nhắc 11 dòng. Về biển đảo, các vị cứ nói là có nêu nhưng thực tế làm sử tôi biết, việc chiếm đảo chưa được nêu trong sách giáo khoa, có chăng chỉ ở một vài địa phương đưa vào chương trình học.
ĐB Dương Trung Quốc |
Cá nhân tôi đã trực tiếp gặp Thủ tướng nêu vấn đề này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo ngay Bộ Giáo dục – Đào tạo thế nhưng có làm đâu. Gần đây, Bộ có hứa đưa nội dung Trung Quốc chiếm đảo của Việt Nam vào sách giáo khoa nhưng bao giờ mới đưa vào thì không ai rõ. Người ta hiểu có chỉ đạo nào đó? Ai chỉ đạo?"
Ngay như quan hệ với Trung Quốc ở Quốc hội, bao nhiêu năm qua cũng chỉ có 2 lần lãnh đạo Trung Quốc đến Quốc hội. Có một sự không bình thường trong hoạt động đó. Đại biểu Quốc hội phải nghe phát biểu, truyền thông không biết, nhà nước không có sự giải thích đầy đủ, tạo nên nhận thức khác biệt trong dân.
Nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng đã làm tốt việc thông tin cho dân, phát triển quốc phòng để bảo vệ tổ quốc. Thế nhưng, ngoại giao mạnh phải trên cơ sở nội chính tốt".
Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, trong nước, đất đai thì cho thuê bừa bãi, "đấu thầu quản lý thế nào để Trung Quốc thắng thầu hầu hết". Ngay cả việc kinh tế chúng ta có bị phụ thuộc Trung Quốc hay không, trong báo cáo không nêu nhưng nhìn thực tế từ hoạt động kinh doanh ở từng dãy phố thì thấy đáng lo, như chuyện Vũng Áng.
Nhà sử học này khẳng định: "Nội trị là quan trọng, cốt lõi của lòng dân, tạo sự cố kết trong dân để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tôi hoan nghênh báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của ông Nguyễn Thiện Nhân nhưng báo cáo của Chính phủ vẫn còn mơ màng, có cảm giác né tránh gì đó. Tình hình Biển Đông, thế giới còn sốt ruột mà người ta thấy việt Nam hình như còn bình chân như vại. Chỉ vài câu nói của người phát ngôn Bộ Ngoại giao là chưa đủ.
Là đại biểu Quốc hội, chúng ta biết Chính phủ làm nhiều hơn thế, nhưng người dân không chia sẻ được vì không có thông tin.
Trong các văn bản của Chính phủ, ngoài chuyện bảo vệ vững chắc chủ quyền, cần thêm vế “kiên trì đấu tranh để giành lại chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa”. Nếu coi giữ chủ quyền là thành tựu, thế thì vấn đề Hoàng Sa, Gạc Ma đặt ở đâu? Phải chăng Nhà nước chỉ lo giữ chủ quyền từ thời điểm này, chấp nhận chuyện đã rồi. Việc đấu tranh chủ quyền là lâu dài, nhưng phải khẳng định nó ở đâu trong tư duy, ý chí của nhà nước.
Vấn đề chủ quyền chưa được đề cập tương xứng trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, vẫn chỉ nêu lướt qua. Quốc hội biết những nỗ lực của Chính phủ, dân làm sao biết. Trong khi đó, lòng dân là yếu tố đầu tiên và quyết định trong bảo vệ chủ quyền".
Còn khoảng cách từ lời nói tới hành động
Trong khi đó, đại biểu Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, ông tôn trọng Thủ tướng với những phát biểu về quan điểm bảo vệ hòa bình, giữ chủ quyền biển đảo.
"Thế nhưng, từ lời nói của Thủ tướng đến hành động của Chính phủ vẫn còn khoảng cách. Tại sao chúng ta không sử dụng sức mạnh là luật pháp quốc tế để kiện Trung Quốc?" ông Tùng nêu vấn đề.
Theo ông Tùng, có lẽ “chúng ta chưa đủ kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền Biển Đông”.
Theo Zing