Một trong những vấn đề mà học sinh TP.HCM phản ánh với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tại chương trình 'Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ thiếu nhi' vừa qua là có nhiều giáo viên nói ngọng và viết sai chính tả.
Đáng buồn, điều này ngày càng nhiều trong nhà trường hiện nay.
Khi áp dụng quy định nhận xét, đánh giá thay cho điểm học sinh (HS) tiểu học cách đây 2 năm, nhiều người ngỡ ngàng nhận ra sao có nhiều giáo viên (GV) viết sai chính tả đến vậy!
Sai từ những chữ cơ bản
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM liệt kê với PV Thanh Niên hàng loạt trường hợp GV viết sai chính tả, ngay cả những từ rất đơn giản. Chẳng hạn “con cần cố gắn hơn” (thay vì cố gắng) hay “con đã nổ lực” (thay vì nỗ lực)…
Báo động giáo viên sai chính tả |
Còn một phụ huynh tại Q.1 nói khá ngạc nhiên khi kiểm tra vở của con phát hiện ra bé viết chữ suy nghĩ thành suy nghỉ nhưng không thấy cô giáo chỉ ra lỗi sai và vẫn cho điểm như bình thường. Tương tự, phụ huynh lớp 9 của một trường THCS tại Q.Tân Bình cho biết: “Đọc bài tập làm văn, thấy con viết sai chữ nắn nót thành nắn lót mà GV không hề sửa”.
Một phụ huynh có con học lớp 6 tại Q.3 kể lại: “Một buổi chiều đi học về cháu đã thốt lên: “Sao cô giáo mà lại sai chính tả hả mẹ?” khiến tôi ngạc nhiên. Sau đó cháu kể sáng nay cô giáo thực tập dạy môn ngữ văn khi viết lên bảng đã sai chính tả các từ có dấu hỏi, dấu ngã và cô còn nhầm các từ âm cuối có chữ g với các từ không có chữ g”.
Phát âm sai, nói ngọng…
Chưa kể cách phát âm của nhiều GV cũng có vấn đề khiến HS viết sai chính tả theo.
Dù tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM và đi dạy nhiều năm nay nhưng Đ.T.Q (dạy ngữ văn ở một trường tư tại TP.HCM) vẫn chưa sửa được việc phát âm sai “l” và “n”. Nhiều lần trong lúc giới thiệu quê quán giao lưu với học trò, Q. còn nói mình quê ở “Linh Bình” khiến nhiều HS trong lớp phải mím miệng cười.
“Khi lên lớp giảng bài, hễ giảng tới những từ có âm “l” và “n” tôi mất tự tin lắm. Một lần trong tiết học văn tôi giảng một số kiến thức về tác giả Kim Lân. Nhưng do khi giảng bài nói nhanh quá nên phát âm thành “Kim Nân” và bị một HS thắc mắc: “Cô cho em hỏi nhà văn Kim Lân hay là “Kim Nân” ạ? Biết học trò bắt lỗi tôi xuống tận nơi tính đính chính ngay, nhưng do căng thẳng nên không phát âm được “Kim Lân” mà phải nói là “Nân lờ cao”, cô Q. nhớ lại.
Không chỉ phát âm sai “l” và “n”, một GV gốc Hà Tây còn ngọng khi phát âm vần “au” thành “ó”. Trong một buổi thực tập tại một trường THPT ở Q.7, TP.HCM, nhiều GV bật cười khi N.T.H (giáo sinh thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) bắt đầu tiết dạy bằng giọng địa phương. H. chia sẻ: “Đây là kỷ niệm khó quên với tôi khi lần đầu tiên đứng trên bục giảng trong vai trò một GV. Mặc dù đợt thực tập vẫn được đánh giá kết quả tốt nhưng tôi vẫn suy nghĩ nhiều về việc này và cố gắng luyện tập thêm để tự sửa”.
Ông N.B.L (GV dạy mỹ thuật...) trong buổi lễ khai giảng hát bài: Dòng máu lạc hồng tới đoạn “VN ơi, yêu mến ngàn đời” lại hát thành “Việt Lam ơi” khiến cả sân trường cười ồ lên.
Ảnh hưởng nhiều thế hệ học sinh
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú TP.HCM, nói: “Có thể GV bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ vùng miền, nói sao viết như vậy. Việc HS viết sai mà GV không sửa là do người dạy ẩu, chấm bài ẩu hoặc chính GV này sai chính tả”.
Còn lãnh đạo một phòng giáo dục ở TP.HCM cho biết GV bị ảnh hưởng ngôn ngữ vùng miền thường sử dụng sai chữ “n” - “l”, dấu hỏi - dấu ngã… “Trong quá trình tuyển dụng, khi phỏng vấn trực tiếp thấy GV phát âm sai, chúng tôi đưa ra tình huống để họ viết thì thường xảy ra tình trạng sai chính tả”, vị này nói.
Trước thực tế này, hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.1 khẳng định: “Đã là GV, nói cũng cần phải cẩn trọng. Đến khi đặt bút viết nhận xét, sổ điểm, học bạ… càng phải cẩn trọng hơn, tuyệt đối không được sai chính tả. Một GV không vững chính tả thì sẽ tạo ra nhiều thế hệ HS cũng bị sai theo.
Bà Lê Thị Ngọc Điệp, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), từng chia sẻ với PV Thanh Niên: “Trong giao tiếp thông thường có thể chấp nhận phương ngữ. Nhưng trong lớp học, đặc biệt là các giờ tập đọc, tập viết, chính tả đòi hỏi ngôn ngữ phải chuẩn xác”. Cũng theo bà Điệp, ở lớp 1, GV phải phát âm chuẩn nên lúc nào cũng phải có ý thức trong sử dụng ngôn ngữ với HS.
Việc rèn luyện phát âm chuẩn và viết đúng chính tả rất quan trọng, đặc biệt với GV vì điều này ảnh hưởng tới rất nhiều thế hệ học trò. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều GV cho rằng khi học ở trường sư phạm rất ít bị “soi” về chính tả cũng như việc phát âm. Thậm chí có giảng viên còn hướng dẫn giáo sinh của mình khi đi thực tập nếu có lỗi phát âm nào thì nên nói nhỏ để các thầy cô ở trường “châm trước”. (Còn tiếp)
“Ngâm” chấm thi tuyển viên chức giáo viên
Ngày 16.3, ông Đặng Lê Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên, cho biết việc chậm chấm thi tuyển viên chức giáo viên năm học 2013 - 2014 của tỉnh Phú Yên là do liên tục thay đổi chủ tịch Hội đồng thi tuyển viên chức giáo viên năm học 2013 - 2014 của tỉnh.
Kỳ thi diễn ra ngày 29 - 30.8.2015 với gần 3.000 thí sinh dự thi, nhưng đến nay UBND tỉnh Phú Yên vẫn chưa công bố kết quả. Ông Tiến cho biết hội đồng đã tiến hành đóng phách bài thi nhưng do Sở GD-ĐT Phú Yên cử ban giám khảo không đúng quy định nên Sở Nội vụ đã làm văn bản báo cáo chủ tịch hội đồng thi tuyển cho phép thành lập ban giám khảo theo đúng quy định. Do số lượng bài thi nhiều nên dự kiến sẽ chấm xong vào tháng 5.2016.
Đức Huy
Bích Thanh - Lam Ngọc