Thứ Năm

Bí mật 'động trời' tại cửa khẩu quốc tế miền Trung (6): Dân buôn trâu bò 'lậu' thách đố chính quyền

Đại diện chính quyền địa phương đều thừa nhận, việc trâu, bò nhập lậu qua biên giới hiện nay vẫn tồn tại.

Chiều muộn, chúng tôi rời cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) về khu vực cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An). Đến nơi, trời cũng vừa hửng sáng. Nhìn những đồng bào dân tộc thiểu số H’mông dắt trâu, bò trên đường, anh bạn PV người bản địa thì thầm: “Trâu, bò Lào về đấy, mọi người cứ di chuyển, đừng nhìn sẽ bị nghi ngờ. Chờ đến chợ phiên vào bãi tập kết mới hay”.

“Tổng hành dinh” trâu bò

Vốn thông thuộc địa bàn, ngay khi đến xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), anh chàng người bản địa dẫn chúng tôi vào nhà một người thân trú chân nhờ. Ngôi nhà nằm sát con đường độc đạo ngay cánh gà bên phải của cửa khẩu Nậm Cắn. Từ đây, chúng tôi dễ dàng ghi nhận thực trạng các mặt hàng trâu, bò từ nước bạn Lào được vận chuyển về Việt Nam.

Chợ Ú – nơi giao dịch, buôn bán trâu, bò Lào lậu.
Hàng ngày có đến hàng chục lượt trâu, bò được người dân thuộc hai bản Tiền Tiêu và Trường Sơn (xã Nậm Cắn) dắt từ biên giới ra đường 7, tập kết về một bãi lớn cách nơi chúng tôi trú chân chừng 1km. Họ chủ yếu là những người đồng bào dân tộc H’mông.

Theo như anh bạn người bản địa, trung bình mỗi con trâu, con bò được dắt trót lọt về đến điểm tập kết tại bản Tiền Tiêu sẽ được ông chủ người Việt trả khoảng 50.000 đồng.

Bãi tập kết trâu bò là một khu vực rộng chừng 1000m2, hàng ngày lượng trâu, bò đổ về đây dao động từ 15-30 con, giai đoạn cao điểm có thể lên tới 50-60 con.

Được biết, nguồn gốc trâu, bò chủ yếu được chuyển từ Lào về qua đường tiểu ngạch. Giá của chúng cũng khá cao, dao động từ 15-40 triệu đồng/con, tùy thuộc vào trọng lượng.

Để tận mắt chứng kiến và tìm hiểu những ngón nghề về thị trường buôn bán mặt hàng này, trong vai một “lái trâu” chúng tôi tìm gặp anh L. M. M. - một đầu nậu cũng là người dân có tiếng trong vùng chuyên buôn bán trâu bò bên Lào.

Khi chúng tôi hỏi về việc mua trâu, bò Lào thì người này không ngần ngại chia sẻ: “Khi trâu bò Lào sang được đất ta mọi giấy tờ, thủ tục sẽ “lo” hết và trở thành trâu, bò địa phương, muốn bán đâu thì bán”.
Nơi tập kết trâu bò tại bản Tiền Tiêu, xã Nặm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An).
Không những thế, người này còn mạnh bạo, sẵn sàng để lại số điện thoại và cho biết khi cần gom hàng bao nhiêu sẽ có, thậm chí một tuần có cả mấy xe trâu bò để bán.

Khi chúng tôi thắc mắc về giấy tờ, M. cho biết: “Giấy tờ mình lo chớ, nếu không lo thì mình cũng không làm ăn được. Khi trâu bò được dắt về đến đây, sau khi bản làm xong sẽ lên xã ký giấy tờ thành trâu bò địa phương, sau đó anh em đi thoải mái”.

Với chiêu thức này, hàng trăm con trâu bò sau khi vận chuyển từ Lào về qua nhiều cách khác nhau sẽ được hợp thức hóa và bán ra thị trường. Theo người dân ở đây cho biết, tình trạng trâu bò Lào đưa về đây bán so với những năm trước không nhộn nhịp nhưng dẫu sao vẫn là cái nghề dễ kiếm tiền nhất.

Anh N. – một người dân bản Tiền Tiêu, nhà gần bãi trâu bò cho biết, trâu bò ở đây chủ yếu ở Lào về, khách muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có. Hàng ngày số trâu bò không được kiểm dịch, kiểm tra về y tế này ngang nhiên tuồn về xuôi, hoặc đổ về các chợ đầu mối như chợ Ú (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An).

Trung bình một phiên chợ Ú có hàng nghìn con trâu, bò, gia súc được bày bán. Trong đó, đa phần trâu, bò ở đây được vận chuyển từ huyện Kỳ Sơn về tiêu thụ.

Qua tìm hiểu, trong nhiều năm liền, xã Nậm Cắn bị phản ánh là địa phương có nhiều đối tượng buôn, bán trâu bò lậu. Trước đây, còn có hiện tượng bao che, thậm chí tiếp tay để hợp thức hóa trâu, bò lậu thành trâu, bò địa phương bằng những chứng từ khống. Hiện nay, mặc dù tình trạng trên đã giảm nhưng vẫn còn “âm ỉ”.

Trước thông tin, trâu, bò vượt qua biên giới về xuôi với số lượng lớn qua địa bàn xã Nậm Cắn và có sự tiếp tay của cán bộ, chính quyền địa phương để hợp thức hóa, chúng tôi đã tìm đến UBND xã Nậm Cắn.

Tại đây, ông Hờ Chống Nhìa, Chủ tịch xã cho biết: “Nạn buôn lậu trâu, bò này là có, nhưng so với trước thì giờ ít hơn, cũng rải rác chứ chưa đến nỗi phải quan tâm”. (?!?)

Về thực trạng trâu, bò lậu về đến địa phương được chính quyền bản và thậm chí là xã hợp thức hóa giấy tờ để thành trâu, bò địa phương, ông Nhìa thừa nhận: “Trước đây thì có, nhưng giờ xã không làm điều đó nữa. Nhưng khổ một nỗi, dân họ nói, nếu xã không làm họ cũng bán. Họ thách đố chúng tôi là chứng minh con trâu bò nào là của Lào, nếu chứng minh được họ sẽ chịu phạt, xử lý”.

Ông Nhìa cho biết thêm, trên địa bàn vẫn có tình trạng thương lái trong nội địa trực tiếp sang Lào tìm mua gom trâu, bò sau đó thuê người dân dắt về. Đồng thời, vẫn còn có tình trạng người dân lợi dụng vay vốn rồi sang Lào tìm trâu, bò dẫn về vỗ béo rồi bán cho thương lái kiếm tiền chênh lệch 1-2 triệu đồng.

“Bó tay” với trâu, bò lậu?

Trước tình trạng trâu, bò dễ dàng vượt biên, nơi có sự hiện diện đầy đủ các lực lượng chức năng như: Hải quan, bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, sở Thú y và cơ quan Thú y vùng 3. Chúng tôi có buổi làm việc với các đơn vị này.

Tất cả đều xác nhận, lâu nay vẫn có tình trạng trâu, bò nhập lậu qua biên giới Việt - Lào trên địa bàn xã Nậm Cắn, song đều rất khó xử lý và ngăn chặn. Cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức bắt giữ, nhưng việc xử lý rất khó, người dân khiếu nại, nên phải trao trả lại.

Lãnh đạo trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho rằng, do biên giới Việt - Lào tại tỉnh Nghệ An dài và nhiều lối mở, rừng bao phủ rộng nên lượng trâu, bò từ Lào về khá nhiều, có thể thành đàn.

Theo tập quán, cư dân hai bên biên giới sau khi thăm thân thường mua 1-2 con về chăn thả tại trang trại gần đường biên. Mặc dù phát hiện được nhưng để giải quyết triệt để vấn đề này rất khó. Nếu đưa vào khung hình phạt (gồm vượt biên trái phép và buôn lậu gia súc) thì sẽ rất nặng trong khi tiền mua bò của người dân chủ yếu là tiền vay vốn ngân hàng.

Do vậy, thời gian qua, sau khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng vẫn phải trả lại trâu, bò cho dân dẫn đến tình trạng trâu, bò tiếp tục thẩm lậu qua biên giới.

Đại diện chính quyền địa phương đều thừa nhận, việc trâu, bò nhập lậu qua biên giới hiện nay vẫn tồn tại. Song, đang gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù địa hình, phong tục tập quán của người dân và đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) xác nhận: “Trâu, bò từ Nậm Cắn được thương lái sử dụng xe tải vận chuyển về xuôi (từ 20 đến 30 con/xe - PV) đa phần là trâu, bò Lào. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1-2 xe tải chở từ Nậm Cắn về. Hiện, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn nói chung và xã Nậm Cắn nói riêng vẫn có một số đầu nậu chuyên thu gom bò Lào rồi thuê người H’mông dắt về Việt Nam với mỗi chuyến 50.000 đồng/con”.

Lý giải vì sao nạn buôn bán trâu, bò lậu vẫn còn “đất” sống và khó kiểm soát, một chiến sỹ CSGT Công an huyện Kỳ Sơn thông tin: “Trong quá trình tuần tra kiểm soát, khi phát hiện các xe chở trâu bò có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra nhưng cũng không xử lý được. Các thương lái sẵn sàng cung cấp giấy tờ mua bán từ chính quyền địa phương trong vòng 24h. Việc các thương lái cung cấp giấy tờ hợp pháp trong quá trình vận chuyển trâu, bò về xuôi thì chúng tôi cũng đành chấp nhận cho qua dẫu biết rằng đó là những trâu, bò lậu từ Lào về”.

“Trâu bò lậu vẫn vào được do chính quyền địa phương!”
Trao đổi với PV, ông Trần Khắc Chiến, Phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Nậm Cắn cho biết: “Trâu, bò thì không bao giờ qua được cửa khẩu này, nó đi ở đâu chứ đây thì không. Còn việc trâu, bò lậu vẫn vào được là do chính quyền địa phương. Việc nhập lậu đã tồn tại từ nhiều năm nay, nên xử lý không chỉ có các đơn vị chức năng ở cửa khẩu là làm được”.

(Còn nữa)

N.P.V/Nguoiduatin