Chủ Nhật

Ký sự rừng sâu - Bài 1: Đẻ cho hết trứng thì thôi

Thêm một đứa con thì chỉ tốn thêm vốc nước nấu cơm với nắm rau rừng chứ có mất gì mà không đẻ (?!). Có nhà một vợ, một chồng đẻ một lèo 15 con. Có bà mẹ điên vẫn đẻ sòn sòn tám đứa cho đến khi chồng chết năm ngoái.
Đi vào trong rừng sâu của Đắk Lắk có biết bao chuyện lạ, từ luật tục ma chay, cưới hỏi cho đến chuyện của già làng. Khi đường dây Internet đã len lỏi vào đến tận nơi thâm sơn cùng cốc ấy thì cuộc sống của người dân tộc trong các buôn có gì thay đổi? Pháp Luật TP.HCM đã băng rừng để đi tìm câu trả lời.

Ở vùng sâu núi rừng Đắk Lắk, dường như người ta đẻ bất chấp nghèo đói, bất chấp cơn điên. Khác với người đồng bằng, đa số người dân tộc Ê Đê ở đây sống an phận, hồn nhiên trong cái nghèo và đông đúc con cái của mình.

“Chồng tôi bị hiếp dâm mà chết”

Căn nhà sàn của Ami Bống nằm cheo leo giữa cánh đồng rộng ở buôn Giang Lành, xã KrôngNa, giữa lác đác các nhà hàng xóm. Sàn gỗ sạch sẽ, ngoài đống mền mùng xếp gọn, bàn thờ, chiếc võng và đám xoong chảo, còn lại chẳng có gì. Bà chủ nhà mặc bộ quần jeans trắng, áo thun, cổ đeo dây chuyền mặt ngà voi sành điệu. Hai đứa con một bốn tuổi và một gần ba tuổi mặt đen nhẻm, tóc khét nắng chạy lòng vòng quanh chỗ Ami Bống ngồi, giỡn với mẹ rồi xoay qua giỡn với nhau. Chốc chốc ba mẹ con cười nắc nẻ. Đứa con gái 14 tuổi chân bị liệt nằm đong đưa trên võng say sưa hát bản nhạc Lương Bằng Quang: “…lần đầu tiên nắm tay, anh không tin nắm tay… từ em yêu, lời vuốt ve, níu đôi bàn tay anh…”.

Bi kịch chất chồng đằng sau tiếng cười của Ami Bống tám con. Ảnh: H.THU
Người mẹ trong khung cảnh ngăn nắp và hạnh phúc chỉ tay lên bàn thờ có đặt khung ảnh người đàn ông vạm vỡ, kể với khách đến thăm nhà: “Chồng tôi đó, tội nghiệp lắm, bị hiếp dâm mà chết!”. Hỏi vặn lại chị: “Hiếp dâm gì mà đến nỗi chết luôn?” thì chị trợn mắt: “Hiếp liên tục một năm kiệt sức mà chết chứ sao không”. Chị trỏ tay sang nhà hàng xóm, nêu đích danh H’Nie đã hiếp dâm chồng chị. Rồi chị kể nhiều người đàn ông, kể cả mấy thằng bé học sinh đã thích chị ra sao, chị đã phụ tình họ thế nào, bởi chị không muốn vì chọn yêu một người mà những người còn lại phải thất vọng, đau khổ vì chị.

Ai mới gặp Ami Bống, nhìn người đàn bà miệng lúc nào cũng cười tươi như hoa và nghe những mẩu chuyện mạch lạc, có đầu có đũa của chị thì không tài nào nhận ra đó là một bà mẹ... điên. Kỳ thực, chị điên từ lâu lắm rồi, khi mới sinh đứa con đầu tiên. Chồng chị là người đàn ông thương vợ con, quanh năm đi làm mướn nuôi cả nhà lần lượt tám đứa con ra đời. Nhưng rồi anh bị ung thư phổi, nằm bệnh một năm và chết vào tháng 9 năm ngoái. Tám đứa con của chị từ đó tản mát, hai đứa được hàng xóm nhận về nuôi, một đứa lấy chồng đi xa, hai đứa làm mướn trong buôn, ba đứa ngồi nhà với mẹ. Nhà chỉ có lon gạo hàng xóm thương tình đem cho. Bữa ăn của bốn mẹ con chỉ có một nồi cơm và dĩa sợi đu đủ muối mặn. Ami Bống được nhiều người khen tuy điên nhưng biết thương con, chưa từng đánh đập chúng bao giờ và thêm khoản ăn ở sạch sẽ. Có lẽ nhờ cái nết này mà chồng chị thương. Chuyện kể có thật, ngày anh nằm bệnh sắp chết, khi có người đến vận động triệt sản cho chị, anh thều thào: “Tôi chết rồi, vợ tôi triệt sản thì làm sao vợ đẻ con cho ông chồng mới?”.

Cùng buôn có Ami Teng cũng bị điên. Hai năm trước, chị còn có lúc tỉnh người. Nhưng ở cái tuổi ngoài 30, khi vợ chồng đã có với nhau sáu mặt con thì đùng một cái, anh chồng cặp bồ với người đàn bà khác vừa chân ướt chân ráo lang bạt đến vùng này. Chị phát hiện, không ghen tuông ầm ĩ, chỉ khóc một trận, nằm liệt giường cả tháng trời, rồi từ đó chị câm tiếng. Ai nói, ai hỏi, chị chỉ có gật hoặc lắc. Ngày ngày chị vùi mình trong chăn hoặc ra vào vật vờ trong căn nhà trống hoác. Sáu đứa con, một đứa lấy vợ, còn lại rút hết về ở nhà ngoại. Thỉnh thoảng có con gái H’Ci Êban, 16 tuổi mang cơm canh sang cho mẹ. Lạ kỳ gặp H’Ci Êban, hỏi nhìn cảnh nhà em có buồn không, muốn có nhiều tiền không, em bối rối: “Con quen rồi, không buồn. Có nhiều tiền con cũng không biết để làm gì”.

“Đẻ sắp hết trứng thì còn kế hoạch làm gì!”

Nói bởi Ami Bống, Ami Teng bị điên nên mới không ý thức về chuyện sinh con đàn, con đống thì không phải. Ở vùng này, khó tìm ra nhà nào vợ chồng ngoài 40 mà có ít con, mặc dù họ quá tỉnh. Ông Y Mưh Byă năm nay 50 tuổi, lấy vợ cùng tuổi, từ năm 18. Nếu không bị chết đến bảy người con thì hiện tại vợ chồng ông có đến 15 con. Đến nỗi hỏi tên các con, ông phải lẩm nhẩm một lúc mới nhớ hết. Ami Trang 46 tuổi, có 12 con, chết ba. Ami Nhịn, sinh năm 1968, còn đủ 10 con. Ami Sen có năm con trai, đang quyết tâm sinh cho được đứa con gái… Các gia đình này đều nghèo, nhà có ít hoặc không có ruộng rẫy. Con cái ít có đứa được học lên đến cấp II.

Hơn 10 năm nhận nhiệm vụ tuyên truyền dân số, kế hoạch hóa gia đình cho chi hội phụ nữ xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk, chị H’Khăm Lâm trải qua lắm chuyện dở khóc dở cười. Chị thở dài: “Chẳng thà họ biết mình nghèo, mình khổ thì còn có động lực kiêng khem, hạn chế sinh đẻ, chứ đằng này...”. Có ông chồng lý luận: “Thêm một đứa con thì chỉ tốn thêm vốc nước nấu cơm với nắm rau rừng chứ có mất gì mà không đẻ”.

Và cho dù không tính đến động lực thì ngay nhận thức của họ về kiến thức sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cũng nhiều hạn chế, lệch lạc. Không có chuyện nói một lần là họ nghe, họ hiểu. Chị H’Khăm Lâm phải đến năm lần bảy lượt mà có khi cũng chịu bó tay. Như Ami Na, chị vận động từ khi nhà có năm con, chị nói hoài nói hủy cho đến khi mẹ này… đẻ tám con thì mẹ mới chịu dừng. Hay Ami Trang, khuyên nhủ dùng biện pháp tránh thai thì mẹ tỉnh bơ: “Tôi già rồi, chắc không đẻ được nữa”. Khuyên uống thuốc tránh thai thì các mẹ chối đây đẩy, bảo sợ bệnh, rồi thì chồng không cho. Năn nỉ đưa các mẹ đi đặt vòng thì dứt khoát bảo không chịu được vật lạ trong người. Nếu chịu uống thuốc rồi, dặn đúng 7 giờ tối uống thì cứ quên béng, hoặc sực nhớ giờ nào uống giờ đó. Còn chuyện triệt sản thì đừng có hòng, cả đàn ông và đàn bà, vì làm vậy là “man rợ”. Phát cho bao cao su thì cũng nhận nhưng nhận để đưa các con thổi bong bóng chơi…

Hiểm họa rình rập

Đông con đương nhiên ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, đến tương lai của những đứa trẻ và chất thêm gánh nặng cho xã hội. Nhưng đó là bế tắc ở tầm… vĩ mô. Dễ thấy nhất, ở xã Krông Na này, nơi phải gánh chịu nhiều nhất hậu quả của các gia đình đông con chính là khu rừng quốc gia Yok Đôn nằm cạnh đó. Thêm một đứa con, thực tế không đơn giản như lời nói liều “chỉ là thêm một vốc nước nấu cơm và nắm rau rừng”, mà là thêm một đòi hỏi cơm áo rống riết. Túng quá, đói quá thì đêm họ dắt díu nhau vào rừng, qua mặt kiểm lâm chặt đốn cây rừng, bẫy bắt thú đem bán. 10 năm trở lại đây, vào rừng Yok Đôn hầu như bói không ra một thân cây bằng đùi người. Công, hoẵng trở nên hiếm hoi, rùa thì tuyệt chủng…

Những bà mẹ Ê Đê tiếp tục đẻ mà chẳng thèm rơi một giọt nước mắt cho số phận những đứa con mình. Ami Bống vẫn trong cơn điên triền miên cùng nỗi ám ảnh tình dục. Ami Teng còn nhan sắc nhưng một mình một nhà, gầy gò tưởng xô nhẹ là ngã. Điều khủng khiếp nào sẽ xảy ra nếu một ngày tình cờ, có tên đàn ông đi ngang nhà Ami Bống, Ami Teng và nổi máu tà dâm?...

Đón đọc Chủ nhật tuần sau: Đứa con của rừng

Chuyện về chàng trai Ê Đê Y Danh - người gắn bó với rừng từ lúc biết đi lẫm chẫm đến nay. Chuyện chặt nứa làm vòi uống rượu cần nếu không khấn thần rừng thì cần bị bể, hái trái cây mà không khấn thần rừng thì đừng hòng mà về đến nhà...

HỒNG THU/PLO