Nhiều năm nay, trong các thông cáo gửi cho báo chí về điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính và Bộ Công thương thường kèm theo câu "đảm bảo lợi ích 3 bên: Nhà nước (ngân sách Nhà nước), doanh nghiệp và người tiêu dùng". Nhưng có vẻ như, cũng chẳng mấy ai tin vào điều này. Bởi với không ít lần giá xăng lên xuống, người ta mới chỉ thấy có lợi ích của bên Nhà nước và bên doanh nghiệp.
Ví dụ gần nhất là trong tuần qua, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo báo chí, thừa nhận có sự bất cập trong phương pháp tính giá cơ sở xăng dầu và cả 2 Bộ: Tài chính-Công Thương đã phải cùng đề xuất với Thủ tướng "trám" lỗ hổng thuế đó và Thủ tướng đã chấp nhận điều này.
(Minh họa: Ngọc Diệp) |
Và thay vì một lời xin lỗi, một cam kết nào đó cho sự bù đắp việc tính toán sai đó, chiều ngày 21/3, giá xăng RON 92 đã lại tăng 670 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 290 đồng/lít. Tất nhiên, người ta sẽ vẫn “điệp khúc cữ”: Việc nào đi việc đấy, việc sai sẽ phải sửa sai, còn việc tăng vẫn cứ phải tăng. Nhưng trong khi gây ra lỗi mà không xin lỗi, không cá nhân nào chịu trách nhiệm mà giá xăng thì tăng ngay tức thì. Với đông đảo người tiêu dùng, đó như một sự đùa giỡn… trêu ngươi.
Người tiêu dùng Việt Nam, thực sự, đã bị giỡn nhiều rồi. Trong giá bán lẻ xăng, dầu hiện nay, gần 50% là thuế, phí. Thuế môi trường 3000 đồng/lít xăng đã là một sự “hài hước” rồi. Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu, càng hài hước hơn, bởi chi tiêu cho việc đi lại-một nhu cầu rất bình thường, cũng bị xếp vào diện "tiêu thụ đặc biệt" như với rượu, bia, thuốc lá... Cho đến lần này, có vẻ như, việc "được xin lỗi" phải chăng sẽ là bất bình thường?
Bộ Tài chính đã sửa lỗi. Có lỗi và sửa lỗi cũng là điều tích cực. Nhưng rõ ràng như vậy là chưa đủ, bởi nếu cứ có lỗi rồi các cơ quan nhà nước lại xuề xoà với nhau cho qua, thì... không bao giờ hết lỗi. Bởi có lỗi, chẳng ai nhận trách nhiệm cá nhân và bị xử lý. Ở câu chuyện điều hành xăng dầu lần này, cả Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, chưa nơi nào nói năng gì đến phần lợi nhuận mà các doanh nghiệp xăng dầu được hưởng trong thời gian qua nhờ chênh lệch thuế.
Chính vì vậy, câu hỏi thực ra thì có cá nhân nào được lợi khi để có sự chênh lệch này không, là câu hỏi đặt ra nhức nhối mà thật khó có câu trả lời. Nhưng nếu không làm rõ, không truy trách nhiệm đến cùng để xử lý, liệu uy tín về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn lại bao nhiêu?
Còn nếu người ta thực sự quan tâm đến việc xử lý cái "lỗi" đó, để lợi ích người tiêu dùng cũng được cân bằng với Nhà nước và các doanh nghiệp, chắc cũng chẳng khó. Vì thực ra, họ không cần nghĩ nữa. Bởi nhiều chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng đã nghĩ thay họ rồi: không cần phải móc tiền ra, trao tận tay người tiêu dùng đâu, điều đó không thể. Nhưng truy lại các khoản lợi nhuận bất hợp lý này, đưa vào Ngân sách Nhà nước. Hoặc hay hơn nữa là đưa vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, để bù ra, mỗi khi phải tăng giá xăng, để giá xăng không tăng sốc, cũng là điều rất hợp lý.
Mạnh Quân/Dantri