Chọn trường, chọn nghề vẫn là điểm yếu của nhiều học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ xét tuyển ĐH, CĐ 2016. TS Phạm Mạnh Hà - Phó Trưởng khoa Công tác Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đưa ra lời khuyên với thí sinh: “Hãy bỏ tâm suy nghĩ thay vì lựa chọn theo cảm tính, đừng chọn nghề từ thú vui cá nhân như thích chơi game, thích đi chơi, thích có nhiều bạn bè…”.
Mùa thi đại học - cao đẳng 2016: Đừng chọn nghề theo thú vui cá nhân |
- TS Phạm Mạnh Hà: Thực tế là trong suốt 12 năm học phổ thông, phần lớn học sinh mới chỉ tập trung vượt qua các kỳ thi chứ chưa thực sự lưu tâm đến việc chọn nghề để chọn trường phù hợp. Vì vậy, các em khá mơ hồ khi đưa ra quyết định chọn nghề hoặc đơn giản là nghe theo bạn bè hay định hướng của bố mẹ. Điều này đã dẫn tới tình trạng ngộ nhận, chưa hiểu rõ ngành nghề mình theo học, dẫn tới học cho xong, không hứng thú và kết quả là không tìm được việc làm ưng ý sau khi ra trường.
- Vậy làm thế nào để giải quyết những lo lắng, lúng túng của các thí sinh trong việc chọn nghề, chọn trường?
- Trước tiên, các bạn cần phải khám phá bản thân, biết rõ mình có năng lực ở lĩnh vực nào, có sự yêu thích, đam mê công việc gì. Việc này có thể được cụ thể hóa bằng cách tự kiểm tra trắc nghiệm bản thân thuộc nhóm cá tính nào, từ đó xem xét mình phù hợp với ngành nghề gì. Các dạng bài kiểm tra này được cung cấp miễn phí trên nhiều trang tư vấn nghề nghiệp.
Có 6 nhóm cá tính gồm có xu hướng nghiên cứu, thích tìm tòi, khám phá; xu hướng nghệ sĩ, yêu văn chương, có năng khiếu nghệ thuật, hội họa; xu hướng kỹ thuật, thích tính toán, tìm hiểu; xu hướng con người xã hội thích giao tiếp; xu hướng lãnh đạo, quyết đoán, thu hút, có ảnh hưởng đến người xung quanh; xu hướng tổ chức, thích lập kế hoạch, triển khai chi tiết… Nếu bạn thuộc một trong 6 cá tính này bạn sẽ phù hợp với những nhóm ngành nghề tương ứng.
- Theo Tiến sĩ, có thể chọn nghề nghiệp từ những sở thích cá nhân như phim ảnh, ca nhạc, du lịch, thời trang… hay không?
- Tôi vẫn thường nói với các thí sinh phải bỏ tâm suy nghĩ khi chọn nghề nghiệp tương lai. Trong đó, quan trọng là đừng nhầm lẫn giữa đam mê với những thú vui cá nhân. Đầu tiên, các bạn phải gạt bỏ những sở thích liên quan đến sinh lý như thích ăn ngon, thích ngủ, thích xem phim hay chọn trường này vì có nhiều bạn gái xinh, chọn ngành công nghệ thông tin vì thích chơi điện tử…
Thực tế, khi đảm nhiệm công việc, mọi người sẽ phải gạt bỏ những cảm xúc cá nhân mà phải hướng tới giá trị công việc, đem lại lợi ích cho bản thân, xã hội. Những công việc được lựa chọn phải xuất phát từ những đam mê thực sự, đem lại giá trị cho cộng đồng thì khi theo đuổi bạn mới thấy được ý nghĩa của công việc, cảm thấy được niềm vui, sự hào hứng để bản thân luôn nỗ lực, theo đuổi.
- Vậy khi đã xác định được năng lực bản thân, học sinh cần làm gì để chọn được ngành nghề phù hợp?
- Khi đã biết bản thân phù hợp với lĩnh vực nào trong các nhóm ngành nghề như kỹ thuật, công nghệ, xã hội, kinh doanh… thì điều các bạn cần làm là nên tìm hiểu thực tế những công việc này đòi hỏi gì ở mỗi người và nhu cầu thị trường lao động đối với công việc này ở mức độ nào. Đơn giản nhất là hãy tìm hiểu thông tin trên các trang tuyển dụng.
Các nhà tuyển dụng sẽ cho các bạn biết họ cần gì ở những vị trí công việc thực tế. Từ đấy, bạn có thể hình dung công việc tương lai của mình cùng những kiến thức, năng lực mình cần đáp ứng. Như vậy, đầu tiên là lựa chọn lĩnh vực nghề nghiệp hay là nhóm ngành nghề, sau đó sẽ tìm hiểu đến nghề cụ thể và so sánh với năng lực bản thân để quyết định.
- Nhiều bạn thí sinh phản ánh, họ yêu thích và xác định được ngành nghề nhưng lại e ngại khó tìm được việc làm vì đầu ra dư thừa?
- Đúng là thực tế gần đây những ngành như quản trị kinh doanh, thương mại, ngân hàng, tài chính… vốn là những cái tên khá “hot”, được nhiều thí sinh lựa chọn lại đang được cảnh báo dư thừa nhân lực. Tôi không khuyên các bạn bỏ qua những ngành nghề như vậy nếu bạn thật sự yêu thích nhưng tôi khẳng định rằng, càng là ngành nghề “hot” thì độ sàng lọc càng cao. Bạn chỉ nên chọn những ngành nghề đó khi bạn có năng lực, đam mê thực sự thì sẽ không lo ra trường không có việc làm.
- Sau khi xác định được ngành nghề, thí sinh nên chọn trường thế nào để đảm bảo cơ hội trúng tuyển và ra trường có việc làm?
- Sau khi chọn được ngành nghề rồi thì việc tiếp theo là chọn trường. Nguyên tắc vàng của tôi là phải là những trường có uy tín, có thời gian đào tạo lâu dài, được xã hội đánh giá cao. Các trường này nên là những trường đào tạo chuyên sâu, đáp ứng tốt về cơ sở vật chất và có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên trong quá trình đào tạo. Tuy nhiên, thí sinh cần hiểu, không phải cứ học trường uy tín là sau này ra trường sẽ có việc làm ngay. Nếu không chú tâm học tập, rèn luyện, không có đam mê thì ra trường vẫn không tìm được việc làm.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ!