Thứ Năm

Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội được mở rộng ra thêm 3 tỉnh...

Ngày 3/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng-Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các tỉnh trong vùng Thủ đô cùng các bộ, ban, ngành trung ương và đông đảo các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế.


Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội nhận được ý kiến tư vấn, đóng góp của nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế uy tín và các hội nghề nghiệp chuyên môn.

Đồ án được xây dựng nhằm đáp ứng 3 mục tiêu: Có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong vùng và đảm bảo phân bổ hiệu quả nguồn lực quốc gia; xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng và phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn; đồ án điều chỉnh làm cơ sở để lập và điều chỉnh các quy hoạch khác và đề xuất cơ chế chính sách và mô hình quản lý vùng…

Phạm vi điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô gồm toàn bộ ranh giới của Hà Nội với 9 tỉnh xung quanh, trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng thêm vào quy hoạch với tổng dân số 17,6 triệu người. Toàn bộ quy hoạch vùng Thủ đô sẽ có tổng diện tích trên 24.300 km2, tăng gần gấp đôi so với trước đây, chiếm 7,3% diện tích tự nhiên toàn quốc và bằng 80% diện tích so với vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Tầm nhìn vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng đô thị lớn, có chức năng kinh tế tổng hợp không chỉ của quốc gia mà cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Tại hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các địa phương và các chuyên gia đã nêu quan điểm, đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến phạm vi điều chỉnh quy hoạch, định hướng phát triển không gian vùng, các biện pháp cụ thể để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông trọng điểm như đường vành đai, đường sắt cũng như phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, mạng lưới y tế, giáo dục, thương mại, các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, kế hoạch sử dụng đất gắn với các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và mô hình quản lý vùng Thủ đô…
Đường trên cao
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội mà trực tiếp là Bộ Xây dựng đã chủ trì xây dựng đồ án quy hoạch bám sát các mục tiêu đề ra.

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, cập nhật, hoàn thiện đồ án sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, các địa phương trong vùng tiếp tục quan tâm phát huy nội lực, tiềm năng lợi thế của mình để phát triển, nhất là tiềm năng về đất đai, du lịch. Năng động, sáng tạo trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực đầu tư ngoài xã hội, nguồn lực đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.

Nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội và tiến trình phát triển đúng hướng sau khi triển khai quy hoạch vùng Thủ đô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong quá trình vận động và phát triển đã nảy sinh trong thực tiễn một số lĩnh vực cần phải cập nhật quy hoạch vùng Thủ đô với tinh thần chủ động đi trước một bước để đầu tư phát triển đồng bộ, không thể cắt khúc, nhất là về hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp, điện, y tế, giáo dục…

Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô bao gồm Hà Nội là trung tâm và 9 tỉnh có địa giới giáp với Hà Nội có tính đến sự liên kết nhằm phát triển vùng nhanh bền vững, đi nhanh lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, văn hóa là nền tảng và quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên…

Về quan điểm mô hình quản lý vùng Thủ đô, Thủ tướng nêu rõ, không thể có chính sách riêng cho từng vùng mà các địa phương cần phối hợp với nhau tính toán phát huy nguồn lực từ đất đai, ngân sách địa phương, thu hút nguồn lực xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau, thu hút đầu tư nước ngoài để thực hiện quy hoạch này. Ban chỉ đạo quy hoạch và xây dựng vùng Thủ đô cùng các địa phương đề xuất các cơ chế nhằm tạo điều kiện khai thác tốt nhất, tiềm năng lợi thế để phát triển.

Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát hoàn thiện lại quy hoạch phòng chống lũ, mạng lưới đê điều vùng Thủ đô; giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Hà Nội và các địa phương khôi phục lại toàn bộ hệ thống các sông, khôi phục, nạo vét, từng bước kè các nơi, vừa làm đẹp, vừa đảm bảo thoát nước, giao thông thủy tránh tình trạng lặp đi lặp lại là thành phố luôn bị ngập sau mưa.

Trên cơ cở rà soát lại hệ thống hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường không, khu kinh tế trong vùng Thủ đô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm và các tuyến vành đai Hà Nội; tạm dừng các dự án giao thông chưa cấp thiết, không còn phù hợp với thực tiễn; khuyến khích tư nhân đầu tư vào các tuyến đường sắt chất lượng cao; không phát triển tràn lan các khu công nghiệp bám sát các trục giao thông chính; quy hoạch phát triển nghĩa trang gắn với khuyến khích hình thức hỏa táng; tập trung quy hoạch xây dựng các khu xử lý rác thải cách xa khu dân cư và không gây ô nhiễm môi trường