PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng tăng phí đồng loạt cả QL5 cũ và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là cách bắt bí người dân, buộc họ đi đường cũ phải trả tiền bù cho cả đường cao tốc.
Đi đường cũ, trả tiền bù đường mới
Như Dân Việt đã thông tin, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) – nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thông báo sẽ tăng phí tuyến đường này và đường QL5 kể từ ngày 1.4.
Theo đó, mức phí ở Quốc lộ 5 sẽ dao động từ 45.000 đồng/lượt đến 200.000 đồng/lượt (tăng từ 15.000 đồng đến 40.000 đồng/lượt so với mức phí cũ).
Tăng phí Quốc lộ 5: Bắt bí người dân |
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng đánh giá: “Một bên đường cao tốc thì vắng, một bên đường QL5 cũ thì đông nghịt. Người ta không đi vì chặt chém quá nhiều. Thậ ra, không có xe đi qua thì anh chậm hoàn vốn”.
Ông Hùng cho rằng đầu tư xây dựng đường cao tốc nhưng chưa thu hút được nhiều người sử dụng là sự lãng phí, đường đã xây dựng không đi cũng bị lão hóa. Thế nhưng, phương án chủ đầu tư đưa ra lại chỉ đứng về phía lợi ích doanh nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng đặt câu hỏi: “Đường cao tốc làm rất rộng nhưng giá rất cao. Họ có nghĩ đến việc bất hợp lý là giá cao người ta không dùng không. Có phải họ nghĩ đến việc xe đi ít, thời gian hoàn vốn chậm nên phải tăng giá cả hai đường luôn không? Sao không hạ giá để thu hút người dân lưu thông nhiều hơn?”.
Theo ông Hùng, nên tính phương án để có lợi cho cả doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Có thể tăng giá một tuyến đường, tuyến đường cao tốc giữ nguyên hoặc tăng giá ít để thu hút người dân sử dụng đường mới.
Còn trong trường hợp tăng phí đồng loạt như của Vidifi, ông Hùng cho rằng: “Anh tăng giá cả đường QL5 lên để bắt bí người dân, buộc người ta phải trả để bù cho bên đường cao tốc”.
Xe tải đi ít vì mức phí cao
Sau khi có phản ánh của dư luận, ngày 22.3 chủ đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT tạm thời giảm 35% mức phí đối với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở container 40 fit trong năm 2016.
Theo thống kê của Vidifi, lưu lượng xe tải, xe container lưu thông trên đường cao tốc khá thấp, chỉ đạt 102.000 lượt xe trong tổng số 1,3 triệu lượt xe (tương đương 7,65%) và bằng 15% so với lượng xe loại này lưu thông trên QL 5.
Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nêu lý do cho hiện tượng trên: “Việc kiểm soát tải trọng xe trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thực hiện chặt chẽ hơn Quốc lộ 5 và mức phí đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đối với xe loại 5 cao gấp 2,62 lần phí lưu thông QL5”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng mức phí trên đường cao tốc là nguyên nhân xe tải, xe container vẫn chọn đường QL5 cũ để lưu thông.
Ông Huyện cho hay: “Không phải do kiểm soát tải trọng xe mà chủ yếu là do mức phí. Kiểm soát đường QL5 cũ tốt hơn vì đi qua trạm kiểm soát của nhiều tỉnh. Vidifi cần nghiên cứu phương án, đề nghị cơ chế để giảm mức phí đường mới thu hút xe lưu thông”.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cũng cho biết không quá lo lắng về tình trạng các xe quá tải đi vào đường nhánh vì các tỉnh lộ đã có biển cấm theo tải trọng, nếu xe quá tải đi vào cũng sẽ bị phạt ngay. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay là xe tải vẫn đi đường QL5 cũ nhiều, chưa chuyển sang đường mới.
Danviet