Thứ Sáu

Tẩy chay thực phẩm bẩn, đừng tấn công nông dân

Cả một đám đông hung hãn, họ đang lên đồng và đổ lỗi cho ung thư có căn nguyên duy nhất từ “thái độ với nông sản” của người nông dân.

“Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn”, đó là câu mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mở đầu trong truyện ngắn “Những bài học nông thôn”. Tôi không khác gì mấy, chỉ khác là cả bố mẹ tôi đều là nông dân và tôi hẳn nhiên sinh ra ở nông thôn.

Vì sinh ra ở nông thôn, tôi hiểu những nhọc nhằn. Vì bố mẹ tôi là nông dân, tôi hiểu những vất vả mà người nông dân ở nông thôn gặp phải.

Người dân ở Phú Yên dùng hóa chất nhuộm đỏ ruốc.
Tôi đang sống ở thành thị, tốt nghiệp đại học tôi kiếm được việc làm và ngụ cư tại nơi này. Dẫu vậy, chưa lúc nào tôi thôi nguôi ngoai về giọt mồ hôi trên vai áo sờn của mẹ, gót chân nứt của ba. Càng đi càng tiếp xúc, tôi lại càng hoang mang với câu hỏi, “Vì sao người nông dân nước mình lại đang khổ đến vậy?”.

Cứ ba ngày năm hôm, người ta dễ dàng đọc một tin trên báo chí về thanh long đổ đống ngoài đường, hoa vứt cho bò ăn, thương lái từ chối thu mua sông sản. Đó là chưa kể đến những ao hồ cá chết trắng xóa vì nước thải, tôm chết vì nhiễm mặn, hàu chất đống không người đoái hoài…

Lại thêm nữa là những câu chuyện về người nông dân ngâm trái cây vào nước pha hóa chất Trung Quốc, người chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, ngư dân mua thuốc nhuộm về “nhuộm” cho ruốc có màu tươi đỏ. Những thông tin này đều quy chuẩn đến cụm từ thời thượng: “Có khả năng gây ung thư”.

Mặc cho, khả năng ung thư được hình thành từ các nguyên nhân, thứ nhất các chất gây ung thư vật lý (chẳng hạn như tia cực tím UV và bức xạ ion hóa), thứ hai các chất gây ung thư hóa học (chẳng hạn như khói amiăng và khói thuốc lá), kế đến là các chất gây ung thư sinh học (chẳng hạn như nhiễm trùng do virus (virus viêm gan B và ung thư gan, virus Papilloma ở người (HPV) và ung thư cổ tử cung) và vi khuẩn (Helicobater Pylori và ung thư dạ dày) và ký sinh trùng (Schistosomiasis và ung thư bàng quang). Cuối cùng là chế độ ăn uống và lối sống.

Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng – một trong những bác sĩ chữa trị ung thư hàng đầu Việt Nam vẫn thường chỉ rõ với đại ý: “Ung thư nẩy sinh từ thói quen sinh hoạt vô độ như, hút thuốc lá, uống quá nhiều thức uống có cồn, nước ngọt, sử dụng thức ăn nhanh, thức ăn có nhiều gia vị mặn”.

Ông thừa nhận: “Mỗi người phải tự lo cho sức khỏe của mình. Phải thay đổi nếp sống, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành lại, đừng ăn những “món ngon vật lạ” không tốt cho sức khỏe. Tuyệt đối không ăn thức ăn quá béo, thức ăn quá nóng hay quá mặn. Nhiều người ăn mặn rất kinh khủng, mà ăn mặn thì ăn nhiều nước mắm, muối dễ tăng nguy cơ ung thư. Làm sao để phát hiện bệnh sớm? Phụ nữ trên 30 tuổi, có con phải khám phụ khoa định kỳ; người hút thuốc lá nhiều phải kiểm tra, tầm soát ung thư; người viêm gan phải trị, chứ không coi chừng bị ung thư”.

Tuy nhiên, cả một đám đông bất chấp điều đó, họ đang lên đồng và đổ lỗi cho ung thư có căn nguyên duy nhất từ “thái độ với nông sản” của người nông dân.

Và để thỏa mãn nỗi lo sợ này, truyền thông góp phần rất tích cực.

Rất nhiều người đang hồ hởi với chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn” với sự liên kết giữa Đài Truyền hình Việt Nam cùng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp.

Nói không với thực phẩm bẩn luôn là điều xác đáng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải quyết vần đề từ phần ngọn.

Cái gốc chính vẫn là làm sao để thực phẩm bẩn không tồn tại, người nông dân có thể sinh lợi từ mảnh vườn, chuồng lợn của chính mình, mà xã hội không phải lo lắng về nỗi ám ảnh thực phẩm bẩn.

Chọn giải pháp ra rả suốt ngày về hóa chất, về phương thức sản xuất phản khoa học thì vô hình trung chỉ đang mạnh tay đẩy người nông dân vào tình trạng tuyệt vọng nhanh hơn.

Đáng tiếc, thay vì làm đúng trách nhiệm của truyền thông, của các bộ ngành là tìm hướng thoát cho người nông dân thì họ lại đang tìm cách lùa người nông dân vào một thứ định kiến rất khủng khiếp – định kiến kẻ có tội.

Trong cuộc trao đổi với Giáo sư Võ Tòng Xuân cách đây ít lâu, ông nói với tôi rằng, “Người nông dân Việt Nam tự do nhất thế giới, muốn làm gì thì làm”.

Câu nói ấy thật đau xót, bởi người nông dân vẫn phải đóng thuế cho nhà quản lý, vẫn phải chịu tiền thuế từ các sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu… Ấy vậy mà đổi lại, họ muốn làm gì thì làm.

Vừa hoang mang cô độc trong nỗi lo vất vả mùa màng thất bát, giá cả bấp bênh. Người nông dân lại còn đang phải chịu đựng sự thiên kiến của đám đông chỉ biết đổ lỗi chứ không cần xét lại chính bản thân mình.

Tôi nhớ cô Út, người phụ nữ giúp tôi chăm bẵm con trai. Cô Út nói: “Năm nay chanh được mùa lắm mà không ai, giá chỉ có 1.000 đồng/kg”. Ngày trước ở quê, nhà tôi từng bán chôm chôm cho thương lái với giá 500 đồng/kg, với điều kiện phải chở ra tận đường nhựa.

May mắn ngày đó chôm chôm chưa bị loan tin ngâm hóa chất Trung Quốc để giữ tươi lâu. Còn bây giờ, vườn chanh của nhà cô Út đang đối mặt với tin đồn chanh ngâm trong nước rửa chén để bóng vỏ.

Chúng ta hy vọng gì từ một chương trình chiều chuộng thị dân như “Nói không với thực phẩm bẩn”, hy vọng hay không là tùy quan điểm mỗi người.

Cá nhân mình, tôi chỉ thương đôi bàn tay chai sần của ba mẹ tôi, đôi bàn tay nuôi tôi khôn lớn cho tôi học hành. Và giờ đây, tôi bất lực khi chứng kiến một đám đông hung hãn tấn công người nông dân thay vì hướng dẫn họ đến một tương lai tươi mới.

Danviet