Thứ âm nhạc đã từng bị làng nhạc rock cách đây hơn một thập kỷ coi là yếu đuối và thiếu chất rock khi đương thời lại đang chứng tỏ sức mạnh bất tử của nó khi người thủ lĩnh ngã xuống. Một người thủ lĩnh có tên Trần Lập.
"Bức tường - Tội đồ của rock"
Đó là tiêu đề một bài viết đăng trong mục Cộng đồng của VnExpress cách đây 11 năm, thời điểm Bức tường đã thành công vang dội và trở thành ban nhạc đầu tiên (lẫn duy nhất) thực hiện một tour trình diễn xuyên Việt tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài viết cho rằng "Rock của Bức tường có lẽ đã cố gắng để đạt được mục đích là "càng nhiều fan càng tốt", và đặt câu hỏi "liệu Bức tường đã thành công không khi có những chàng sinh viên chỉ với một cây đàn guitar thùng quạt phừng phừng cũng có thể diễn đạt được 80% tinh thần của hầu hết các ca khúc của Bức tường. Và biết đâu một ngày nào đó cũng có mấy đĩa Karaoke của Bức tường để cho các em học sinh cả nam lẫn nữ cũng có thể hát nhạc Bức Tường được".
Trần Lập - từ 'Tội đồ của rock' đến Bức tường trong trái tim một thế hệ trẻ |
Sau này, Trần Lập nói rằng Bức tường và anh đã "mỉm cười và cho qua hết và chỉ cần đoàn kết, lắng nghe nhau", nhưng đó thực sự là một giai đoạn sóng gió mà người thuyền trưởng cùng với con tàu của mình đã phải đương đầu với nhiều thứ chỉ để thắp sáng lên một ngọn lửa đơn độc.
Ít ai biết rằng không ít bài "đinh" của ban nhạc, vốn có ca từ đầy chất nổi loạn và phản kháng khi mới ra đời, đã phải chịu sự cắt gọt để có thể được phát hành vào thời điểm ấy. Bản thân Trần Lập và các thành viên khác đã phải "lăn lê bò toài" tự lo từ A-Z và thậm chí dán từng chiếc tem cho CD đầu tay của mình, đồng thời vẫn phải gồng mình chịu sức ép từ chính cộng đồng Rock, vốn luôn coi Bức tường là "tội đồ" vì đã pop hóa Rock Việt.
Chủ đề khuấy đảo trên các diễn đàn Rock bấy giờ là "thế nào là Rock thật sự?" So với những ban nhạc đàn anh đã trở thành thước đo cho Rock Việt trước đó như Đại bàng trắng, Da Vàng hay Atomega, Bức tường bị cho là quá ủy mị để có thể cầm lá cờ đầu của Rock Việt.
Nhưng phải cảm ơn Trần Lập và các chiến hữu vì nỗ lực phá vỡ bức tường xây quanh lâu đài Rock Việt vốn tự coi cô lập mình là niềm tự hào, để công chúng được nhìn thấy một hình hài rất khác của Rock Việt, như là nhìn thấy chính mình.
Như Phan Huyền Thư sau này đã viết: "Có nhiều mặc định về rock. Phần lớn, họ coi rock là tiếng nói phản biện xã hội và sự tự bùng nổ, tự bất an của tầng lớp thanh niên tiến bộ. Bức Tường của Việt Nam là một ngoại lệ. Một sự hiếm hoi trong suốt 20 năm đi tìm lại căn cước văn minh gốc trong tâm hồn thuần Việt. Chính vì thế, rock của Bức Tường là những ma sát của nhân văn, hoài niệm và đôi khi mang nặng thân phận cội nguồn với tiếng vọng từ tiền sử".
Tiếng lòng của một thế hệ
Những thứ bị chê là ủy mị và "cải lương" như chuyện tình yêu tan vỡ trong âm nhạc của Bức tường hóa ra lại là thứ gì đó rất đời.
Những chàng trai mới lớn của một thập kỷ trước có lẽ đã nhìn thấy nỗi đau đớn vừa câm lặng bồng bột mà cũng rất sâu sắc, vừa cay đắng mà không kém phần kiêu hãnh "hùng hồn" theo cách Bức tường đã "vẽ" ra: Đếm bước chân phòng trống trơn/ Lang thang lang thang nơi phố nào (Nếu em hiểu); Bụi mờ quá khứ đã giăng mờ trên cây đàn đã nín câm/ Và tình yêu đó xin gọi tên Bông hồng thủy tinh/ Để sỏi đá quen bước chân anh từng đêm trên phố khuya (Bông hồng thủy tinh).
Những người đã từng phải nhai mỳ tôm ở ký túc xá trong những năm tháng mà sinh viên đồng nghĩa với sự kham khổ có lẽ đã nhìn thấy ước vọng thành công theo đôi mắt của Bức tường, rất gian nan và đầy chông gai, nhưng không bao giờ nguôi hy vọng: Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng/ Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai/ Ðường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió/ Lời hứa ghi trong tim mình/ Vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao (Đường đến ngày vinh quang).
Và nếu Đường đến ngày vinh quang là ý chí, thì Tâm hồn của đá là linh hồn của thế hệ ấy, của những gì tốt đẹp mà tuổi trẻ hướng tới, của khát khao yêu thương và khát vọng sống một cuộc đời đáng sống: Ðừng sống giống như hòn đá, giống như hòn đá/ Sống không một tình yêu/ Sống chỉ biết thân mình/ Tâm hồn luôn luôn băng giá/ Ðừng hóa thân thành đá/ Vì tâm hồn đá giá băng.
Khi biết tin Trần Lập trút hơi thở cuối cùng, tôi ngồi nghe lại tất cả những bài hát của Bức tường và trong tâm trí như đang tua lại một đoạn phim của chính mình một thập kỷ trước. Chỗ này là một người còn ngẩn ngơ vụng dại với mối tình đầu, chỗ kia là sinh viên bù đầu với bài vở, hoặc ngồi nghêu ngao một bài hát giữa đám đông hừng hực trong một mùa hè tình nguyện. Những buồn vui và kỷ niệm cháy lên thật rõ trong ký ức.
Âm nhạc của Trần Lập và Bức tường đã ám ảnh đến độ có lẽ hàng triệu người như cũng đã nhìn thấy chính mình khi nhấn nút "Play", mà ở đó, mỗi bài hát giống như một mảnh ghép nhỏ của một phần cuộc đời.
Và người thủ lĩnh đầy tranh cãi
"Không một nhóm rock nào có ảnh hưởng đại chúng lớn hơn Bức tường mà nên nhớ Bức tường trưởng thành từ một phong trào không chuyên mà họ làm được vậy thì phải thấy sư định hướng và tìm tòi của họ lớn đến nhường nào" - Rocker Hồ Quang Hưng, trưởng nhóm Little Wings, chia sẻ trên Thể thao & Văn hóa về Bức tường: " Bức Tường rõ ràng đã đóng góp rất lớn cho rock Việt về mặt đại chúng, đó là một thành tựu lớn. Và trong sự thành công của Bức Tường thì Trần Lập đóng vai trò linh hồn, một dấu ấn rất lớn của người thủ lĩnh. Bức Tường sẽ không thể là Bức Tường nếu thiếu Trần Lập".
Đó là một người thủ lĩnh phức tạp hơn ta tưởng. Lê Thu Thủy (Yo Le) - tác giả cuốn Rong chơi kể về chuyện đời Trần Lập, đã thổ lộ rằng cô sẽ không đưa vào sách nhiều góc tối trong cuộc đời Trần Lập, từ chuyện anh đã bị đuổi học, từng ẩu đả, rồi phải ôm bảng lô đề như thế nào.
Anh Nguyễn Văn Quân, một nhân viên cũ đã từng làm việc dưới quyền Trần Lập trong một công ty thiết kế vào đầu những năm 2000 nhớ lại rằng đó không hẳn là quãng thời gian dễ chịu, vì Trần Lập khá "độc đoán" và đôi khi đắm chìm quá nhiều vào âm nhạc đến mức quên hẳn những gì xung quanh mình: "Thời kỳ chuẩn bị ra album Khám phá, anh Lập chăm chút từng li từng tí bìa đĩa, tự mình làm hết, đến mức bê trễ việc công ty và rồi mâu thuẫn với sếp" - Anh kể lại.
"Chỉ ấn tượng lúc đó anh Lập vừa lo công việc, vừa làm album, vừa chăm mẹ già ốm nặng. Trong khi ban nhạc nhiều khi phải tập ngay tại nhà vì không có tiền đi thuê, thế là toàn bị hàng xóm chửi, đấy là anh Lập kể" - Anh Quân chia sẻ. Đó là thời điểm Trần Lập rất khó khăn về kinh tế và phải chịu muôn vàn sức ép, nhưng đam mê đã chiến thắng tất cả.
Đấy là những năm tháng chuẩn bị cho một cuộc nhảy vọt của Bức tường, dưới sự dẫn dắt của một người thủ lĩnh có lẽ không hề chỉ biết mộng mơ như những bài hát của mình. Trần Lập đã lăn lộn với một cuộc sống không hề đơn giản trong gần 30 năm để viết ra những bài hát cũng "đời" như chính anh, với những bài học cuộc sống lồng trong đó nhưng không phải những giáo điều, mà là những khát khao luôn âm ỉ trong lòng bất cứ ai, về hy vọng và những điều tốt đẹp, dù cuộc đời lúc nào cũng đầy những bất trắc và khó khăn, còn con người thì luôn không hoàn hảo.
Và âm nhạc của Bức tường và Trần Lập đã nở trên môi nhiều người trẻ tuổi một thời, không phải vì chất rock cô độc đến mức lập dị mà các rocker khi ấy cổ súy, mà đơn giản là vì họ đã nói lên được tiếng lòng của một thế hệ, về những điều nhỏ bé đấy, mà cũng lớn lao đấy.
Người đi nhặt những mảnh ghép cho cả một thế hệ ấy là Trần Lập, một "cầu thủ đa năng": Anh vừa sáng tác, vừa đại diện cho khí chất của ban nhạc, vừa là phát ngôn, cũng là một chuyên gia PR có hạng. Đấy có lẽ không chỉ là một nghệ sĩ, mà còn là một đấu sĩ, và trên hết, một thủ lĩnh. Người đã dẫn dắt Bức tường nhảy qua bức tường định kiến của Rock Việt là rất-nhiều-trong-một.
42 năm cuộc đời có thể là ngắn ngủi, nhưng đấy là một chuyến đi chậm rãi và thú vị về phía cái chết của Trần Lập, gã Don Quixote đã làm thay đổi Rock Việt và tâm hồn của rất nhiều người trẻ tuổi lớn lên với âm nhạc Bức tường cháy trong lồng ngực.
Thật vinh dự khi là một phần của điều ấy, được biết đến một người như Trần Lập, và trưởng thành cùng với âm nhạc của anh, người đã khiến Rock trở nên gần gũi hơn bao giờ hết, để nhìn thấy rằng bên kia những âm thanh chát chúa và gào thét, là những tâm hồn vô cùng nhạy cảm, đôi khi thật cô đơn, nhưng không xa lạ.
Bên kia Bức tường, Trần Lập có quyền tự hào.
Theo VNTINNHANH