Sáng nay (9.4), Quốc hội đã chính thức phê chuẩn ông Lê Minh Hưng vào vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với số phiếu đồng ý là 403/486. Như vậy, ông Lê Minh Hưng đã trở thành Thống đốc trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
3 thách thức với tân Thống đốc trẻ nhất lịch sử |
Chính thức ngồi vào “ghế nóng” thời điểm này, Thống đốc Lê Minh Hưng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và thị trường đang chờ đợi những động thái đầu tiên của tân Thống đốc.
Có lẽ vấn đề đầu tiên và cũng là thách thức không nhỏ đang chờ đợi tân Thống đốc đó là quá trình tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng. Rất nhiều việc đang còn dang dở trong quá trình tái cơ cấu mà trong nhiệm kỳ của Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn chưa thể hoàn thành như xử lý nợ xấu, giảm số lượng ngân hàng xuống còn 15 - 17 ngân hàng.
Đánh giá về kết quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đi đôi với việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng, đã tổ chức rà soát, phân loại và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thực hiện các biện pháp sáp nhập, mua lại các tổ chức ngân hàng đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng đã có những chuyển biến. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng và dịch vụ ngân hàng còn chậm được cải thiện, nợ xấu chưa được xử lý triệt để.
Đặc biệt vấn đề nợ xấu, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia đều cho rằng nợ xấu chỉ giảm về tỷ lệ là do bán cho VAMC chứ quy mô nợ xấu vẫn còn lớn. Đây sẽ là thách thức lớn nhất của tân Thống đốc Lê Minh Hưng trong nhiệm kỳ của mình.
Theo đại biểu Thân Văn Khoa, báo cáo số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại thời điểm tháng 6.2015 giảm còn 3,75% so với tỷ lệ 4,83% ở thời điểm tháng 12.2014, đến cuối năm 2015, số nợ xấu đã về dưới mức 3%.
“Nếu nhìn về những số liệu tốc độ giảm như vậy thì nợ xấu không còn là mối bận tâm, nhưng trên thực tế, nợ xấu chủ yếu gom vào VAMC. Sau thời gian mua, phần lớn số nợ mới chỉ được gom lại tại VAMC mà chưa được xử lý, thu hồi giải quyết tận gốc. Về bản chất là nợ xấu vẫn còn đó”, đại biểu cho biết.
Cùng quan điểm, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng khi nợ xấu đã được ghìm dưới 3% thì đây không còn là vấn đề lớn nữa. Tuy nhiên, Việt Nam đánh giá nợ xấu dưới 3% có lẽ chưa theo chuẩn mực của thế giới.
“Thực tế, nợ xấu có một phần không nhỏ nằm ở VAMC, chưa giải quyết được căn bản. Cần xem lại tư duy cho rằng không được dùng ngân sách nhà nước, hay nói cách khác là tiền thuế dân để hỗ trợ, xử lý nợ xấu”, ông Thúy nêu quan điểm.
Thách thức mang tên lãi suất, tỷ giá
Vấn đề tiếp theo mà ông Hưng cần phải ưu tiên giải quyết đó là lãi suất. Đây cũng là vấn đề được thị trường và cộng đồng doanh nghiệp rất mong đợi ở “bàn tay” Thống đốc. Mặc dù mặt bằng lãi suất chưa có nhiều biến động, nhưng diễn biến lãi suất huy động trên thị trường đã có những dấu hiệu không lành mạnh, đã có những hiện tượng “đi đêm” lãi suất. Cuộc chạy đua lãi suất đã tạo mặt bằng lãi suất huy động mới trên thị trường, điều này sẽ tác động tới lãi suất cho vay.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng lãi suất kỳ dài hạn do tín dụng trung dài hạn năm 2015 tăng trên 30% đặt ra nhu cầu cần cơ cấu lại nguồn vốn trong hệ thống NHTM; các NHTM tăng tỷ trọng huy động vốn trung dài hạn nhiều hơn nhằm đón đầutrước quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 40% theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN.
Cơ quan này dự đoán, trong năm 2016, lãi suất sẽ tăng thêm khoảng 1% so với năm 2015. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ vẫn trong mức kiểm soát để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Dù lãi suất cho vay có tăng nhẹ, nhưng lãi suất hiện nay vẫn được xem đang là gánh nặng của doanh nghiệp, khi lãi suất cho vay so với các nước trong khu vực vẫn ở mức cao, khiến doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
“Quan trọng hơn, mục tiêu của Chính phủ đặt ra là giảm thêm nữa lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay là rất khó, nhất là trong bối cảnh lạm phát năm nay sẽ tăng lên và áp lực điều chỉnh tỷ giá. Đây sẽ là thách thức lớn đối với tân Thống đốc”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định.
Một thách thức nữa của tân Thống đốc, đó là năm 2016 được dự báo sẽ là năm đầy thách thức của tỷ giá trước xu hướng tăng của USD, liên tục biến động của Nhân dân tệ. Giữ ổn định được tỷ giá như người tiền nhiệm sẽ là công việc cam go đối với bất cứ ai kế nhiệm. Nhiều ý kiến lo ngại việc thay đổi người lãnh đạo ngành ngân hàng có thể sẽ có sự thay đổi về chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách tỷ giá.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng Việt Nam khó có thể “tân quan tân chính sách tỷ giá” bởi NHNN không phải là ngân hàng độc lập mà nằm trong thành viên Chính phủ.
“Lâu nay NHNN thực hiện mục tiêu của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chính sách tỷ giá, lãi suất không thoát ly được chỉ tiêu chung trong phát triển kinh tế vĩ mô. NHNN Việt Nam khác với ngân hàng trung ương các nước, vì là thành viên Chính phủ, thực hiện nghị quyết của Chính phủ. Đây là NHNN Việt Nam chứ không phải Ngân hàng trung ưng Mỹ (FED)”, ông Lịch nhấn mạnh.
Theo Dân Việt