Kỳ họp Quốc hội tháng 3 nhân sự cấp cao đã tuyên thệ, đến tháng 7 (kỳ họp thứ nhất của khoá mới - PV) lại tuyên thệ thì gần quá, “không thiêng”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhận xét tại phiên họp thứ 47 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 25/4.
Bốn tháng, hai lần tuyên thệ thì “không thiêng” |
“Khi tuyên thệ, tất cả Quốc hội phải đứng lên”
Cũng tại phiên họp nói trên, một số ý kiến còn băn khoăn về công tác nhân sự, trong bối cảnh kiện toàn nhân sự cấp cao là nội dung quan trọng của kỳ họp của Quốc hội khoá 13.
Theo dự thảo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, Quốc hội đã dành một khoảng thời gian nửa kỳ họp để xem xét, quyết định nhân sự lãnh đạo cấp cao của Nhà nước nhằm tạo sự đồng bộ giữa công tác tổ chức cán bộ với việc kiện toàn bộ máy nhà nước, bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương, định hướng của Đảng và quy định của pháp luật.
Kết quả bầu và phê chuẩn các chức danh cụ thể đạt tỷ lệ tán thành cao, được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, ủng hộ, ông Phúc nói.
Báo cáo do Tổng thư ký trình bày cũng nhấn mạnh, tại kỳ họp này, thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên thệ trước Quốc hội, thể hiện mạnh mẽ và khắc ghi trong tâm lời hứa tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Lời hứa tạo động lực cho người tuyên thệ, làm tăng trách nhiệm đối với người đảm nhận chức vụ và là cơ sở giám sát của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.
Tổng thư ký đánh giá, nghi thức tuyên thệ trang trọng, xúc động, nội dung phù hợp, người tuyên thệ thể hiện được phong thái, sự quyết tâm của mình, tạo dấu ấn quan trọng trong lòng đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.
Quốc hội cùng toàn Đảng, toàn dân đặt niềm tin, kỳ vọng đối với các vị lãnh đạo mới được bầu, phê chuẩn sẽ có nhiều đột phá, quyết liệt trong lãnh đạo, đưa kinh tế đất nước tăng trưởng bền vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của đất nước, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, lần sau, khi tuyên thệ thì tất cả Quốc hội đều phải đứng lên để thể hiện sự nghiêm túc.
Vì Quốc hội ngồi nên nhiều người lấy điện thoại ra chụp ảnh, nên đại biểu và cử tri nói là không nghiêm túc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải góp ý, nên chuẩn hoá quy trình tuyên thệ để đảm bảo thống nhất.
Tháng 7 tới sẽ dành 11 ngày xem xét nhân sự cấp cao
Vẫn liên quan đến nhân sự, phần hạn chế, dự thảo báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp nêu: một số nội dung giải trình, tiếp thu chưa thỏa đáng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rõ, đại biểu nêu nhận xét báo cáo giải trình về nhân sự của Chính phủ chưa thuyết phục, chứ không phải nói các báo cáo nói chung.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phản ánh ý kiến một số đại biểu là điều kiện để thực hiện quyền bỏ phiếu kín trong công tác nhân sự chưa đảm bảo. Khi mà chưa có phòng riêng cho đại biểu ghi phiếu, hòm phiếu trong suốt nhưng đại biểu lại yêu cầu không được gấp phiếu.
Về kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá 14, diễn ra vào tháng 7 tới, ông Phúc cho biết dự kiến sẽ dành 11 ngày để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước.
Như, bầu Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội.
Quốc hội cũng sẽ bầu Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ, phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Theo VNeconomy