Muỗi Aedes (muỗi vằn), muối truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền vi rút Zika đã có mặt 100% tại địa bàn Hà Nội.
Trước tình hình Việt Nam đã ghi nhận 2 ca nhiễm vi rút Zika, UBND thành phố Hà Nội ngày 6/4, đã họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và ký cam kết tăng cường phòng, chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết (SXH) gây ra.
Muỗi truyền virut Zika có mặt tại hầu hết các tỉnh thành Việt nam |
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, hiện chưa ghi nhận ca bệnh do vi rút Zika trên địa bàn Thủ đô, nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào Hà Nội là rất lớn do giao lưu đi lại.
“Muỗi Aedes (muỗi vằn) truyền bệnh sót xuất huyết cũng là muỗi truyền vi rút Zika lưu hành phổ biến tại Hà Nội. Hiện 584 xã, phường của thành phố đều ghi nhận sự lưu hành muỗi truyền Zika. Mật độ muỗi này sẽ còn tăng cao trong các tháng tới, là yếu tố tăng nguy cơ xuất hiện ca bệnh Zika”, ông Cảm nhận định.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là nơi giao lưu đi lại giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước nên nguy cơ xâm nhập cao. Sự chủ động tham gia phòng chống dịch của người dân tại một số quận, huyện, thị xã còn chưa tích cực…
Cũng theo thông tin ông Cảm cung cấp, bệnh do Zika chưa có miễn dịch trong cộng đồng, 80% người nhiễm vi rút không có biểu hiện triệu chứng. Chính vì thế, việc phát hiện bệnh là rất khó.
Từ nhận định trên, đại diện ngành Y tế Hà Nội cho biết, đẩy mạnh công tác giám sát, rà soát và tập huấn kiến thức cho 65 đội phòng chống dịch cơ động (5 đội của Trung tâm YTDP Hà Nội và 60 đội của Trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã), có kế hoạch bổ sung đầy đủ trang thiết bị phòng hộ, trang thiết bị y tế, hoá chất…, sẵn sàng triển khai xử lý khi có ổ dịch.
Muỗi Aeds có mặt hầu hết tại Hà Nội và Việt Nam |
Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo bệnh viện (BV) Đa khoa Đống Đa- BV đầu ngành truyền nhiễm của thành phố, xây dựng phương án phân tuyến tiếp nhận, cấp cứu, điều trị hợp lý theo từng cấp độ dịch. Ngoài ra, tất cả các BV trên địa bàn đều tham gia tiếp nhận bệnh nhân. Các BV bố trí buồng khám sàng lọc bệnh nhân tại khoa khám bệnh, bố trí khu vực điều trị, cách ly theo phân tuyến để sẵn sang tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đồng thời áp dụng biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn.
Đồng thời, Sở Y tế cũng tiến hành kiểm tra thực hiện biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Đối với các quận, huyện, thị xã phải vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo triển khai vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy, đưa ra các biện pháp chống dịch đi vào thực chất và hiệu quả.
Phong Linh (TH)/Theo Khỏe & Đẹp