Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng đã rậm rịch kế hoạch niêm yết từ cách đây vài năm, nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”.
Tiếp tục lỡ hẹn
Đã rất nhiều lần Thống đốc NHNN hối thúc các ngân hàng sớm lên niêm yết cổ phiếu tại các sàn chứng khoán, tuy nhiên khả năng thị trường đón nhận một làn sóng niêm yết mới đến nay vẫn rất mong manh.
Chưa đủ tự tin, các ngân hàng liên tục "lỡ hẹn lên sàn"? |
VPBank là ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 sớm nhất toàn hệ thống. Ngoài vấn đề về cổ tức, cổ đông của ngân hàng cũng rất sốt ruột về kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán của ngân hàng.
Giải đáp thắc mắc này, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank đã cho biết, theo quy định hết năm 2016 các ngân hàng phải lên sàn hoặc niêm yết Upcom, do đó, VPBank đang tiến hành các thủ tục để lên sàn theo đúng tiến độ theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, ngân hàng vẫn đang chờ các hướng dẫn cụ thể của UBCKNN.
Nam Á là một trong những ngân hàng rục rịch kế hoạch lên sàn từ khá lâu. Trong năm 2015, ĐHĐCĐ của ngân hàng đã thông qua tờ trình ngân hàng sẽ tiến hành niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo ban lãnh đạo ngân hàng này cho biết, Nam A Bank đã đủ các điều kiện để tiến hành hoàn tất thủ tục để niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2015. Tuy nhiên kết thúc năm vừa qua, ngân hàng một lần nữa lại lỡ hẹn.
Nhiều lý do trì hoãn để lên sàn
Trong tài liệu công bố gần đây, ban lãnh đạo ngân hàng Nam Á lý giải do tình hình thị trường diễn biến chưa thuận lợi, cổ phiếu ngân hàng chưa thật sự được quan tâm bên cạnh đó việc niêm yết cổ phiếu có thể dẫn đến khó khăn là việc giao dịch cổ phiếu sẽ được thực hiện tại Trung tâm lưu ký chứng khoán, ngân hàng sẽ không cập nhật kịp thời dữ liệu về mua bán, sở hữu cổ phần.
"Trở thành cổ đông lớn phụ thuộc vào việc công bố thông tin của các cổ đông, dẫn tới không kiểm soát được sự thay đổi cơ cấu cổ đông, dễ bị phạt khi cổ đông vi phạm công bố thông tin nên trong năm 2015 HĐQT quyết định chưa thực hiện niêm yết", lãnh đạo ngân hàng cho biết.
Vào ĐHĐCĐ sắp tới, HĐQT NamABank vẫn trình cổ đông thông qua chủ trương tiếp tục thực hiện niêm yết chứng khoán; đồng thời giao cho HĐQT chọn thời điểm thực hiện niêm yết cổ phiếu trên cơ sở cân nhắc diễn biến của thị trường, thực hiện niêm yết theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Thực tế một vài năm trước, khá nhiều ngân hàng từng có ý định lên niêm yết, nhưng kế hoạch vẫn chỉ "nằm trên giấy" với lý do thị trường chứng khoán không thuận lợi hoặc phải ưu tiên cho những mục tiêu khác.
Kế hoạch niêm yết đã được HDBank trình cổ đông trong nhiều năm, song lãnh đạo HDBank cho biết do ngân hàng phải thực hiện kế hoạch sáp nhập với DaiA Bank và mua lại Công ty Tài chính SGVF. Vì thế, việc niêm yết cổ phiếu chưa thực hiện được như kế hoạch. Cùng với đó là việc thực hiện tái cơ cấu ngân hàng hậu sáp nhập và kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài.
Cổ đông của PVcomBank cũng liên tục nhắc lãnh đạo về kế hoạch niêm yết của ngân hàng trong nhiều năm gần đây. Tại Đại hội năm 2015, ông Nguyễn Khuyến Nguồn, Thành viên HĐQT cho biết quá trình tái cấu trúc đã có những kết quả bước đầu. Do đó, việc niêm yết vào lúc nào, thời gian nào thì ngoài việc phụ thuộc vào quy định của Nhà nước ngân hàng vẫn phải đảm bảo quyền lợi tối ưu cho các cổ đông.
Theo các chuyên gia trong ngành phân tích, việc ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán là cần thiết để minh bạch hoá hoạt động cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào sức khỏe của từng ngân hàng, bởi niêm yết mà cổ phiếu không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư thì coi như không thành công.
Một lãnh đạo ngân hàng cho rằng việc yêu cầu này sẽ chỉ dành cho các ngân hàng đã đủ điều kiện niêm yết, còn với các ngân hàng có tình hình tài chính chưa đủ chuẩn thì sẽ tiếp tục tái cơ cấu.
Theo Trí Thức Trẻ