“Đây là nguồn hàng hóa dự án tiềm năng cho thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A) nếu có chính sách và cơ chế phù hợp”...
Có đến 137 dự án tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư, chiếm 11,2% tổng số dự án. Đây cũng là nguồn hàng hóa dự án tiềm năng cho thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A), báo cáo tình hình thị trường bất động sản Tp.HCM của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho biết.
Toàn thành phố hiện có 1.219 dự án với quy mô 4.921 ha, với 315.506 căn nhà. |
Năm 2015, các doanh nghiệp bất động sản trên Thành phố đã bán được 26.500 căn trong tổng số 50.000 căn chào bán so với 16.955 căn đã bán được trong năm 2014.
Giao dịch trong quý 1/2016 có dấu hiệu chững lại so với quý 4/2015 khi mới bán được khoảng 9.000 căn trong tổng số khoảng 57.000 căn dự kiến chào bán trong năm 2016. Trong đó có khoảng 700 người nước ngoài mua căn hộ cao cấp.
Phân khúc bất động sản cao cấp có sự tăng trưởng mạnh nhất, tập trung vào khu trung tâm, khu Đông và khu Nam Thành phố. Phân khúc văn phòng cho thuê, bất động sản thương mại tăng trưởng mạnh.
Bên cạnh nhiều trường hợp mua bán chuyển nhượng dự án dưới hình thức mua bán cổ phần, chuyển nhượng công ty, UBND thành phố đã chấp thuận cho chuyển nhượng 23 dự án, tăng 2,55 lần so với năm 2014. Đến quý quý 1/2016 có thêm 5 dự án xin chuyển nhượng.
Cũng theo HoREA, quy mô tín dụng vào thị trường bất động sản Tp.HCM năm 2015 đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, cao hơn so với mức 10,3% của cả nước.
Quý 1/2016, lượng kiều hối chuyển về Thành phố đạt 1,15 tỷ USD, trong đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 21,6%.
Tuy nhiên, theo HoREA, bên cạnh mặt tích cực, thị trường bất động sản Thành phố đang tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, đáng quan ngại. Năm 2015, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phát triển nóng ở phân khúc bất động sản cao cấp khi số lượng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (mua đi bán lại) cũng tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch.
Giá bán bất động sản cao cấp tại nhiều dự án cũng tăng từ 5% đến trên dưới 15% so với năm 2014.
Toàn thành phố hiện có 1.219 dự án với quy mô 4.921 ha, với 315.506 căn nhà. Trong đó, có 549 dự án đã hoàn thành (chiếm 45%) với 78.140 căn nhà; 584 dự án đang triển khai đầu tư (chiếm 48%); và có đến 86 dự án hết hạn công nhận chủ đầu tư (chiếm 7%).
Có đến 137 dự án tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư, chiếm 11,2% tổng số dự án. Đây cũng là nguồn hàng hóa dự án tiềm năng cho thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A) nếu có chính sách và cơ chế phù hợp, HoREA nhìn nhận.
Bên cạnh đó, còn có 52 dự án chưa thể triển khai được do vướng khâu giải phóng mặt bằng.
“Đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản cần phải có giải pháp hợp lý, nên rất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội”, HoREA khuyến nghị.
Về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, riêng tại Thành phố, đến ngày 31/3/2016 các ngân hàng đã cam kết cho vay 7.518 tỷ đồng cho 8.936 khách hàng, đã giải ngân được 5.357 tỷ đồng cho 8.936 khách hàng.
HoREA dự báo, có thể dự báo thị trường bất động sản năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng không thấp hơn năm 2015, và sẽ có sự chuyển hướng tích cực, đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán vừa túi tiền, cũng như sự gia tăng đầu tư vào bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Đồng thời, do nguồn cung tăng và áp lực đảm bảo tính thanh khoản, áp lực cạnh tranh dẫn đến giá cả sẽ hợp lý hơn, có lợi cho người tiêu dùng.
Nhật Bình Vneconomy