Theo quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La có tên trong danh sách những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường...
Hơn 10 năm vẫn lỗi hẹn một lời hứa
Tiền thân là Nhà máy đường Sơn La được xây dựng từ năm 1995, vì hoạt động kém hiệu quả nên đến năm 2008, Công ty Mía đường Sơn La đã chuyển đổi hình thức sở hữu sang công ty cổ phần, trở thành Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La.
"Nhiều đêm, nhà nào nằm xuôi chiều gió thì phải đeo khẩu trang y tế mới ngủ được”. |
Tiền thân là Nhà máy đường Sơn La được xây dựng từ năm 1995, vì hoạt động kém hiệu quả nên đến năm 2008, Công ty Mía đường Sơn La đã chuyển đổi hình thức sở hữu sang công ty cổ phần, trở thành Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La.
Bức xúc vì phải hít thở bầu không khí nồng nặc mùi hóa chất, ông Vũ Văn T (trú tại Tiểu khu 5) cho hay: “Dân ở đây khổ lắm, bầu không khí ô nhiễm nặng nề. Ban ngày nhà máy mía ít xả khói lắm. Họ chủ yếu xả khói từ 10h đêm đến sáng hôm sau. Nhiều đêm, nhà nào nằm xuôi chiều gió thì phải đeo khẩu trang y tế mới ngủ được”.
Chị Đào Thị M (trú tại tiểu khu 4 thị trấn Hát Lót) bức xúc cho biết: "Hơn 10 năm nay chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm. Cây cối trồng không lớn nổi vì khói và lượng phân vi sinh mà nhà máy mía xả ra môi trường quá nhiều”.
Lượng phân vi sinh quá nhiều làm ô nhiễm nguồn đất. |
Rất tiếc, nhiều năm đã trôi qua nhưng mọi việc vẫn... dậm chân tại chỗ! Và theo đó, dường như đường do Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La sản xuất ngày càng ngọt thì người dân nơi đây ngày lại càng nặng gánh khổ đau vì sống cùng ô nhiễm!
Lời hứa... bay theo khói thải
Qua tìm hiểu phóng viên được biết, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La đã đầu tư xây dựng và chạy thử nghiệm hệ thống xả thải mới với quy trình khép kín, tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng. Công ty đã cam kết khi hệ thống đi vào hoạt động sẽ khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường
Tuy nhiên, ngay từ khi đi vào hoạt động tới nay, việc xử lý nước thải của Công ty đã không được xử lý triệt để.
Theo quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La có tên trong danh sách những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Cụ thể, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La không xả thải trực tiếp ra môi trường mà thông qua các hệ thống lọc nước, xử lý nước thải.
Tuy nhiên, do việc xử lý nước thải kém hiệu quả, nước thải thẩm thấu qua lòng đất, ngấm vào mạch nước chảy ra suối Nậm Pàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất, sinh hoạt của cư dân tiểu khu 4,5,6 thị trấn Hát Lót, hiện đang sinh sống hai bên bờ suối.
Theo ghi nhận của phóng viên Pháp Luật Plus, Công ty mía đường Sơn La xả khói bắt đầu từ lúc 5h chiều. Phía sau của nhà máy mía đường Sơn La có một hồ chứa nước thải rất sơ sài, nước đen ngòm, đi gần khu vực nhà máy luôn đặc quánh mùi hôi thối.
Đặc biệt là khu vực suối mó sung thuộc tiểu khu 4, tiểu khu 5 thị trấn Hát Lót, mùi hôi thối từ nước bốc lên nồng nặc, rất khó chịu, nhất là về đêm khi nhà máy mía xả thải ra môi trường.
Nhằm tìm hiểu vai trò quản lý của các cấp chính quyền tỉnh Sơn La xung quanh vấn nạn ô nhiễm tại đây, phóng viên Pháp Luật Plus đã liên hệ với Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh Sơn La để tìm câu trả lời.
Điều làm cho phóng viên cảm thấy bất ngờ và khó hiểu là bởi mọi nỗ lực liên hệ đặt lịch làm việc của phóng viên trong ngày 28/3/2016 đều nhận được câu trả lời các sếp bận đi họp và tiếp đoàn OS9 từ Lào sang?
Phóng viên Pháp Luật Plus đã để lại số điện thoại để liên hệ nhưng đã gần tháng trôi qua vẫn không nhận được hồi âm nào từ phía UBND tỉnh Sơn La cũng như Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Sơn La?
Phải chăng UBND tỉnh Sơn La cùng các ban ngành của tỉnh đang cố tình né tránh trách nhiệm và phó mặc việc hàng trăm hộ dân ở thị trấn Hát Lót đang ngày đêm "sống mòn, chết mòn" vì ô nhiễm?
Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Đình Quyết/ Pháp Luật