Như VnEconomy đã thông tin, khi gửi kiến nghị đến kỳ họp Quốc hội cuối cùng của khoá 13 vừa qua, cử tri một loạt tỉnh, thành đã đề nghị sớm kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về vấn đề biển Đông.
Cử tri muốn kiện Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nói gì? |
Nguyên văn kiến nghị được Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập hợp như sau:
“Cử tri tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.
Cử tri đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dự luận quốc tế trong việc đối phó với các hành động nêu trên của Trung Quốc; sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế; thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc; hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình biển Đông và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo…, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Có sự trùng hợp hiếm thấy, khi đây cũng là nguyên văn kiến nghị của cử tri 26 tỉnh thành, đã từng được gửi đến kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vào cuối năm 2015, và sau đó đã có hồi âm từ Bộ Ngoại giao.
Văn bản trả lời của Bộ Ngoại giao nêu rõ, từ tháng 9/2014 đến nay, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng quy mô lớn, trên các cấu trúc mà nước này đang chiếm đóng bất hợp pháp tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo Bộ Ngoại giao, trong tháng 12/2015 và tháng 1/2016, Trung Quốc tiếp tục có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp tại biển Đông, đe dọa đến hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Như, sử dụng máy bay dân sự thực hiện các chuyến bay ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 đến vị trí thuộc khu vực chồng lấn giữa thềm lục địa miền Trung Việt Nam và thềm lục địa đảo Hải Nam Trung Quốc, là khu vực chưa được hai bên phân định.
Trước tình hình trên, Bộ Ngoại giao cho biết, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn kiên trì đấu tranh bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Quan điểm của Viêt Nam trong xử lý các vấn đề đối ngoại nói chung và tranh chấp tại biển Đông nói riêng là luôn đặt lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc lên trên hết, mềm dẻo nhưng không nhân nhượng, không thỏa hiệp.
“Trong quá trình này, ta cần bình tĩnh, xử lý khôn khéo mối quan hệ giữa các nước lớn, nhất là không để bị kẹt trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cảnh giác trước khả năng các nước lớn thỏa hiệp với nhau bất lợi cho ta”, cơ quan trả lời kiến nghị nêu rõ quan điểm.
Xem xét, cân nhắc giải pháp pháp lý
Trước sự sốt ruột của cử tri với các hành động của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao hồi âm, đây là nước lớn, láng giềng quan trọng của Việt Nam. Việt Nam coi trọng việc duy trì và phát triển ổn định, bền vững quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
“Đến nay, hai bên đã giải quyết được hai trong ba vấn đề lớn về biên giới, lãnh thổ. Hiện nay, tồn tại lớn nhất trong quan hệ hai nước là vấn đề biển Đông. Tuy vấn đề này không phải là toàn bộ trong quan hệ hai nước, nhưng là vấn đề nhạy cảm và phức tạp nhất, tác động trực tiếp và toàn diện đến bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường an ninh, phát triển của nước ta”, văn bản trả lời nêu rõ.
“Do đó, phát triển quan hệ với Trung Quốc và giải quyết tranh chấp ở biển Đông là những vấn đề mang tính toàn cục, đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược đặt trong tổng thể chiến lược phát triển và bảo vệ Tổ quốc”.
Đề cập các biện pháp đấu tranh chính trị - ngoại giao, cơ quan trả lời kiến nghị của cử tri đã điểm lại nhiều nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề biển Đông. Qua đó Việt Nam đã nêu rõ mọi hành động của Trung Quốc và các bên nước ngoài tiến hành ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều phi pháp và vô giá trị.
Theo Bộ Ngoại giao, hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục triển khai các diễn đàn đàm phán với Trung Quốc để từng bước giải quyết tranh chấp, thu hẹp bất đồng, thực hiện “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” để vừa bảo vệ toàn vẹn biên giới lãnh thổ, vừa tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, Việt Nam thường xuyên yêu cầu Trung Quốc xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh trên biển, bao gồm vấn đề nghề cá, đảm bảo các hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân.
Trước đề nghị sớm khởi kiện Trung Quốc, cơ quan trả lời kiến nghị cho hay, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam đang nghiên cứu kỹ lưỡng và tích cực chuẩn bị để trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ xem xét, cân nhắc giải pháp pháp lý.
Đồng thời, Việt Nam đã và đang theo dõi sát diễn biến vụ kiện Trung Quốc của Philippines để có ứng xử phù hợp nhằm bảo vệ những lợi ích chính đáng của Việt Nam. Trong năm 2015, Việt Nam đã cử đoàn đến dự và theo dõi với tư cách quan sát viên tại các phiên tranh tụng về vấn đề thẩm quyền của Tòa Trọng tài (tháng 7) và về nội dung thực chất của vụ kiện trọng tài (tháng 11).
Bộ Ngoại giao khẳng định, các biện pháp đấu tranh thời gian qua của Việt Nam là cần thiết, phù hợp và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của ta tại biển Đông. Đồng thời duy trì môi trường an ninh, hòa bình, ổn định phục vụ mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước, giữ gìn quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.
Theo VNeconomy