Thứ Hai

Tất tần tật về đi du lịch đảo Cô tô, đi như thế nào, ăn gì, ở đâu. chơi đâu...

Chỉ với 2,5 triệu, bạn sẽ đi Cô Tô như thế nào? Sau 02 lần đi du lịch đảo Cô Tô, gia đình đúc rút được chút kinh nghiệm, xin phép chia sẻ với các anh chị em đang có dự định đi Cô Tô trong mùa hè năm nay. Nội dung chia sẻ dự kiến bao gồm các phần sau:

Phần 1: Hướng dẫn chi tiết cách đi đến Cô Tô cho các bạn xuất phát từ Hà Nội
Phần 2: Kinh nghiệm ăn uống, đi lại, nghỉ ngơi trên đảo Cô Tô cho các bạn không có nhiều xiền
Phần 3: Chi tiết các các điểm chơi, tắm trên đảo Cô Tô
Ngắm Vịnh Hạ Long đi bằng tàu cao tốc
Phần 4: Những nơi bạn không nên đến khi tới đảo Cô Tô

Phần 1: Hướng dẫn chi tiết cách đi đến Cô Tô cho các bạn xuất phát từ Hà Nội

Sau đây, gia đình xin gửi tới bà con cô bác anh chị em chi tiết về đường đi lối lại, thời gian, chi phí cho việc di chuyển từ Hà Nội ra tới đảo Cô Tô để các bạn cân nhắc và tham khảo.

Hướng dẫn chi tiết cách đi đến Cô Tô cho các bạn xuất phát từ Hà Nội
Hình ảnh chặng đường đi Cô tô

Cô Tô là 1 quần đảo nhỏ, nằm ngoài khơi biển của Quảng Ninh, KHÔNG NẰM TRONG vịnh Hạ Long. Do đó để đến được Cô Tô, quý khách sẽ phải trải qua một hành trình vãi nồi, tốn tiền tốn sức với 03 chặng như sau:

Chặng 1: 200km = 6 tiếng, đi từ Hà Nội về Quảng Ninh, xuống xe ở TP Cẩm Phả (đoạn màu Đỏ)

Chặng 2: 20km = 30 phút, di chuyển từ nội thị Cẩm Phả ra cảng tàu Cái Rồng (ngôi sao màu Vàng)

Chặng 3: khoảng 50km = 2 tiếng, lên tàu thủy ở Cái Rồng để ra đảo Cô Tô (đoạn màu Xanh).

Bản đồ minh họa (nhà cháu tự chế dựa trên google map):

Cụ thể chi phí và đường đi lối lại tới đảo Cô Tô như sau:

1. Đi xe khách từ Hà Nội về Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Bắt xe ở bến xe Mỹ Đình hoặc Lương Yên; giá vé tầm 120k/lượt. Xe đi QN cực nhiều; chuyến sớm nhất là 5h30 sáng, muộn nhất là 6-7h tối.
Số Điện Thoại Gọi Đặt Vé Xe
Nên đi xe Kumho Việt Thanh (chỉ có ở Mỹ Đình) hoặc Phúc Xuyên, hoặc Kalong, KHÔNG đi xe Đức Phúc nhất là trong ngày lễ vì xe này hay nhồi, tăng giá, du côn.
Có thể đi xe của resort Coto Lodge (phải đặt chỗ trước), xe đón ở nhà hát Kim Mã lúc 7h sáng, sẽ tới thẳng bến cảng luôn. Giá vé 220k/lượt. Nếu đi xe Coto Lodge thì có thể bỏ qua bước 2.

2. Đi xe từ Cẩm Phả (quốc lộ) vào bến cảng Cái Rồng

Cách 1: xuống xe ở bến xe khách Cẩm Phả, đi xe taxi vào cảng Cái Rồng. Quãng đường khoàng 20km, chi phí 230k/xe 4 chỗ Mai Linh.

Cách 2: Đi xe đò (xe khách 28 chỗ) trên quốc lộ, đoạn ngã 3 dẫn vào khu Cái Rồng. Quãng đường bao nhiêu chả biết nhưng nói chung gần hơn, chi phí 20k/người. Các bác cứ bắt xe nào có chữ “Liên Vị – Cái Rồng” ấy. Cực nhiều xe luôn.

Sau khi tới Cái Rồng, tùy vào thời gian và sức khỏe mà các bác có thể phi thẳng lên tàu thủy, chạy ra Cô Tô; hoặc vào 1 cái nhà nghỉ trên cảng Cái Rồng mà tắm một phát, đánh một giấc trước giờ lên tàu.
3. Đi tàu thủy từ cảng tàu Cái Rồng ra Cô Tô

– Có 02 loại tàu:

Tàu gỗ, giá tầm 100k/người/lượt (chả nhớ vì chưa đi bao giờ =)))) đi mất 4 tiếng, hợp cho bác nào: (1) tiết kiệm, (2) khỏe và thừa thời gian, thích vừa đi vừa ngắm cảnh dập dềnh, (3) không đặt được tàu cao tốc.
Tàu cao tốc, 180k/người/lượt. Ngày lễ có thể tăng lên 200k. Đi mất 2 tiếng. Ngày chỉ có 1 chuyến vào buổi sáng. Mùa lễ hội du lịch có thể tăng chuyến nhưng không cố định lắm (???)

– Nói chung, đã đi tàu thì nên mua vé trước:

Có thể mua vé qua hotline của hãng tàu

Hoặc nhờ chủ khách sạn, nhà nghỉ nơi mình book phòng mua hộ cho
Hãng nào không quan trọng vì tàu bình dân như nhau cả. Tàu có áo phao tàu không có áo phao. Xuồng cứu hộ thì tàu nào cũng có và xuồng nào cũng được buộc rất chắc vào tàu rồi =))).
Chú ý là đi tàu từ đất liền ra Cô Tô sẽ tạm chia làm 2 giai đoạn:

½ thời gian đầu: Khi đi trong vịnh thì sóng nhỏ nên tàu đi êm.

Sau đó khi ra ngoài khơi thì sóng to hơn, sóng ngang nên 1 số bác có thể say xỉn nhẹ.
Lượng khách nhiều nên tàu thường full và không được thoáng lắm. So với mức giá 180k – 2 tiếng đi cao tốc thì mình nghĩ là chấp nhận được. Trừ phi đi Paradise Cruise hoặc Bhaya Cruise thì hãy đòi hỏi dịch vụ và sự thơm tho êm ái nhé.

Đi tàu như thế nào cho đỡ mệt, đỡ say?

Nếu đi tàu cao tốc loại nhỏ, sức chứa vài chục người thì nên ngồi trong khoang; ngồi ở đuôi tàu tuy thoáng hơn nhưng lại rất ồn (tiếng động cơ).
Nếu đi tàu loại to hơn thì ngồi trong khoang lại bí (quá đông người), bác nào máu thì lên boong ngồi, vừa thoáng vừa ngắm được cảnh.
Khỏe thì lên boong chơi chụp ảnh. Yếu thì tốt nhất lên tàu đeo phone ngủ một giấc.

TÓM LẠI
– Với tuyến đường như trên, các bác có thể lựa chọn 1 trong 2 lịch trình sau, tùy theo thời gian, sức khỏe, tài chính:

Cách 1: Đi từ HN lúc 5-6h sáng (hoặc là 7h, nếu đi xe riêng của Coto Lodge), tới Cái Rồng lúc 12h trưa, lên tàu đi Cô Tô lúc 13h chiều (coi như là đi 1 lèo không nghỉ). Cách này mệt nhưng tiết kiệm được tiền nhà nghỉ và thời gian. Bác nào khỏe thì sau khi xuống tàu, nhận phòng (lúc 15h chiều) vẫn có thể phi ra bãi tắm luôn.

Cách 2: Đi từ HN lúc nào không quan trọng, nhưng tóm lại sẽ ngủ ở Cái Rồng 1 giấc, sáng hôm sau mới đi Cô Tô (đi chuyến 6h, 8h… tùy tình hình đặt vé). Cách đi này đỡ mệt hơn nhưng sẽ mất thêm tiền nhà nghỉ ở Cái Rồng (350 – 500k/phòng đôi, có điều hòa, có ở ghép).

– Để tới được Cô Tô thì các bác sẽ mất tầm 9 tiếng di chuyển với tổng quãng đường 270km, chi phí đi lại khoảng 500k/người/chiều. Tổng chi phí đi lại cho chuyến đi Cô Tô sẽ vào khoảng 1,3 triệu (vì khi lên đảo các bác còn phải thuê xe máy, xe điện, thuê bè…). Nếu bác nào chấp nhận được những con số trên thì hãy đọc tiếp phần 2

Phần 2: Kinh nghiệm ăn uống, đi lại, nghỉ ngơi trên đảo Cô Tô cho các bạn không có nhiều xiền

Giả sử bạn đã lên tới đảo Cô Tô mà không chết đuối, cũng không say sóng lắm. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ ngủ ở đâu, ăn cái gì, đi chỗ nào với nhúm tiền trong túi này? Giả sử bạn bỏ ra 3 triệu cho cả chuyến đi, riêng chi phí đi lại đã mất 1,3 triệu đồng, chúng ta sẽ ăn – ngủ – chơi trong 3 ngày 2 đêm như thế nào với 1,7 triệu còn lại nhỉ?
Ăn uống nghỉ ngơi trên đảo Cô tô
Bản thân gia đình cháu đã đi Cô Tô 2 lần vào dịp lễ 30/4 của các năm 2013 và 2015, với tổng chi phí 2,5 triệu/người/lần; nay xin phép được đúc kết ít kinh nghiệm ăn uống, đi lại, nghỉ ngơi trên đảo cho những người ít xiền. Cụ thể như sau:

1.Lựa chọn nơi lưu trú, nghỉ ngơi trên đảo Cô Tô

Cô Tô hiện có 03 hình thức lưu trú cho khách du lịch, xếp theo thứ tự giảm dần về giá như sau:

Resort: Thực ra trên đảo Cô Tô CHƯA CÓ resort đúng nghĩa. Trong các khu nghỉ chất lượng cao theo format resort thì nổi nhất là Coto Lodge. Giá tầm 1,5 triệu/đêm nếu là cuối tuần, ngày lễ. Phù hợp với các đôi trăng mặt hoặc gia đình nhỏ.

Khách sạn và nhà nghỉ: Nổi tiếng về mặt thương hiệu thì có Khánh Linh, Hải Âu, Nam Cường, Green Coto. Giá từ khoảng 650,000đ/phòng đôi.

Nhà dân (homestay): trước đây thường thu theo đầu người, giá từ 70,000 – 120,000 – 150,000đ/người tùy theo chất lượng phòng. Tuy nhiên đợt vừa rồi bọn mình đi thì bị chém đẹp với mức 500,000đ/phòng đôi (tự xưng là nhà nghỉ nhưng hình thức, chất lượng thực ra là homestay).


Cá nhân mình từng ở Green Coto và thấy OK. Coto Lodge mình đã đến và thấy phòng rất đẹp nhưng dịch vụ mình không ưng lắm (sẽ nói chi tiết ở Phần 3). Homestay thì tùy gia đình, ai ở homestay thì hỏi bạn bè người quen để có contact tốt.
Gia đình mình ở trong đợt vừa rồi cũng không ưng (sẽ cảnh báo cụ thể ở Phần 3).

2.Ăn uống khi du lịch trên đảo Cô Tô

Đối với khách du lịch thì có 04 hình thức ăn uống chính như sau:

Ăn trong thị trấn:
Ăn sáng với mức 10,000 – 30,000đ/món (xôi, bánh mỳ donakebab, các loại bún phở). Chất lượng chấp nhận được, có 1 số quán ngon VD như quán Cồ Nghĩa – khu 3. Buổi tối có vài hàng chè giá 15,000đ/cốc ăn được.

Ăn bữa chính tại các nhà hàng, quán bình dân với chi phí khoảng 100,000 – 150,000đ người. Việc chọn nhà hàng khá hên xui và chất lượng tùy thuộc vào lương tâm, tự trọng của chủ quán. Tốt nhất nên chọn các quán có gọi theo định mức (100,000 – 150,000 – 200,000…) thay vì gọi món. Khi gọi món thì có tình trạng 100,000đ một đĩa thịt rang có 20 miếng mỏng như tờ giấy.

Ăn tại nhà nghỉ/khách sạn: gọi theo set menu hoặc định mức. Giá không rẻ lắm nhưng cũng ăn được nếu bác có điều kiện. Được cái là tiện ăn nghỉ, không mất thời gian, book trước nên không phải chờ.
Ăn ở các quán đồ nướng ven biển: Dọc các bãi biển lớn, dọc khu vực đường ven biển (từ cầu cảng qua tượng đài Bác Hồ). Các quán này mở vào buổi tối, theo định mức hoặc gọi theo kg. Nếu bạn biết cách chọn hải sản thì nên ăn theo kg. Tính ra khoảng 150,000đ/người mà được ăn đồ nướng tươi ngon. Khi ăn nên chọn các con họ sò, có sẵn trên đảo như sò gạo, sò điệp, sò lông…thì sẽ rẻ (loại này chỉ tầm 30-50k/kg tùy ngày lễ).

Tự mua đồ về chế biến: hợp với các bác homestay. Có thể nhờ nhà nghỉ đi chợ và chuẩn bị củi lửa hộ. Đoàn mang theo bát đĩa, cốc giấy dùng 1 lần, giấy ăn… từ đất liền đi. Tự nướng tự ăn rất vui mà chỉ mất khoảng 120k/người. Điều kiện đặt ra là trong đoàn phải có người rành chuyện nhóm và giữ lửa, nướng đồ.

Tổng chi phí ăn uống ntn thì mọi người tự tính, dựa trên nhu cầu ăn, khả năng chi trả và lịch trình lưu trú của đoàn mình. Trung bình cho một bữa chính là 150k thì sẽ rộng dài nhất.

3.Các phương án di chuyển và chi phí đi lại trên đảo Cô Tô

Đảo Cô Tô có diện tích gần 50km2 với khoảng 5-6 bãi tắm được và nhiều điểm tham quan khác. Tùy vào vị trí nhà nghỉ mà điểm tham quan có thể cách nơi bạn nghỉ từ 500m đến vài km, xa nhất là 10km. Do sự phân tán của các điểm tham qua mà 100% khách du lịch sẽ phải thuê thêm phương tiện nếu muốn đi hết các điểm này:
Thuê xe máy đi
Xe đạp đôi: hợp cho các đôi, các cháu teen, các gia đình thuê để đạp trên con đường tình yêu hoặc loanh quanh thị trấn. Không hợp để đi xa. Giá vài chục 1 xe.

Xe máy: giá chung là 150k chưa xăng, 200k có xăng, thuê theo ngày. Tuy nhiên cũng có nhà nghỉ bố láo, mồm thì bảo là 200k có xăng nhưng xăng lại đổ không đầy. Hợp với các bạn SV hoặc thanh niên.
Xe điện: phương án tối ưu nếu đoàn đi đông, đặc biệt là đoàn có trẻ em, người trung tuổi. các bác có thể thuê xe trọn gói; hoặc thuê xe theo kiểu taxi (khi nào gọi thì đến, nó không đến thì chịu =)))); hoặc thuê xe tự lái (người lái PHẢI CÓ bằng lái ô tô nhé). Mình chưa thuê xe điện nên không biết chắc giá; nếu đi theo cuốc taxi thì khoảng 150-200k/chiều.

Mảng: một loại tàu nhỏ và thô sơ, dùng để chở khách đi từ đảo Cô Tô (lớn) ra Cô Tô con hoặc các hòn khác. Trước đây Cô Tô con còn hoang sơ, ít khách nên giá mảng là 1200k/lượt. Giờ giảm còn 600k/lượt. Nếu bác không đi Cô Tô con thì không cần quan tâm cái vụ này. Nếu bác đi lẻ thì có thể ra cảng Bắc Vàn vào buổi chiều hôm trước, liên hệ với chủ mảng để họ xin ghép đoàn với đoàn khác.

Phần 3: Chi tiết các các điểm chơi, tắm trên đảo Cô Tô

Hiện nay, dịch vụ trên đảo Cô Tô đã rất phát triển nên 100% các điểm đến này đều có đủ dịch vụ trông xe, tắm tráng, đồ uống đồ ăn với đủ các loại phí. Giá cả thay đổi tùy thuộc vào lương tâm người bán và trình độ mặc cả, hỏi thăm của các bác.
Biển Cô Tô

Xin phép điểm lại các điểm ăn chơi theo thứ tự tính từ Cầu cảng (nơi bác xuống tàu) để các bác tham khảo và tự lên lịch trình phù hợp, như sau:

1.Cầu cảng Cô Tô chả có gì để chơi. Nhưng gần đấy là cái chợ nhỏ (chợ mới đang đc xây, rất to, chắc năm sau mới đưa vào sử dụng, cũng ngay cạnh cầu cảng). Các bác có thể ra đây mua đồ về tự làm BBQ hoặc làm quà.

2. Tượng đài Bác Hồ là nơi đẹp để ngắm hoàng hôn. Đáng chú ý đây là bức tượng duy nhất được Bác chấp thuận cho dựng ngay khi Người còn sống. Ngoài ra khu lưu niệm này cũng sơ sài, không có gì để xem. Đừng có đi vào buổi trưa không chết nắng đấy.

3. Con đường tình yêu rất đẹp để chụp ảnh, nhưng vào dịp cao điểm thì đông như Bách Thảo vậy =)). Đường này CẤM XE MÁY nhé. Đường này đẹp nhất khi đi vào lúc trời còn sáng. Buổi tối thì đỡ đông nhưng mà tối thui nè =)).

4. Bãi tắm Tình yêu ăn theo tên con đường. Lúc triều lên thì sóng khá to. Buổi tối nhiều hàng quán, BBQ, nhạc nhẽo xập xình.

5. Bãi Vàn Chảy là nơi rất hợp để tắm vào hoàng hôn. Bãi này còn có một cụm đá, hơi hiểm trở nhưng chụp ảnh đẹp, nhiều vỏ ốc. Đặc biệt là loại ốc nhỏ xíu, đủ màu, không con nào giống con nào.

6. Hải Đăng Cô Tô (biển chỉ dẫn địa phương ghi là “nhà đèn” – rất thuần Việt!). Phí tham quan 5k/người. Đi ban ngày ngắm cảnh rất đẹp nhưng có thể sẽ hơi đông. Bọn mình đã liều lên vào buổi tối, đỡ đông, nhớ chọn đúng đêm trăng thì mới thấy đẹp.

Lưu ý là nếu muốn đi Hải Đăng thì phải dùng xe máy. Xe điện không lên được tới đỉnh mà chỉ dừng ở chân đồi. Từ chân đồi lên đỉnh còn 2km nữa. Dưới chân đồi có bãi gửi xe; đừng có ngu mà gửi xe ở đấy để rồi phải leo núi 2km nữa =))

7. Rừng Cô Tô vốn là rừng phòng hộ nguyên sinh. Năm 2013 mình đi, rừng có rất nhiều loại bướm đẹp, hoa riềng dại, hoa láng. Ven biển là 1 hàng cột điện dài với hàng trăm con nhện cùng giăng lưới, cứ 2m lại có 1 con, đều tăm tắp. Lần vừa rồi mình đi thấy rừng xơ xác, hoang toàn đi, không thấy các loại hoa, bướm, nhện đặc trưng nữa

8. Bãi tắm Bắc Vàn thực ra gọi là cảng Bắc Vàn thì đúng hơn. Bạn cần đi qua rừng Cô Tô thì mới tới được chỗ này để đi mảng ra Cô Tô con. Để tắm thì không hợp, chỉ là 1 cảng nhỏ thôi; có 1 bãi đá mini cũng đẹp.

9. Bãi Hồng Vàn là nơi lý tưởng để tắm lúc bình minh. Ở đây có resort Coto Lodge, nhiều quán nướng và có Coto Water Park – 1 cụm vui chơi nhỏ với các trò liên quan tới nước, thuyền, phao, kayak…

10. Đảo Cô Tô con trước đây hoang sơ, cát mịn, biển sạch. Bây giờ thì xây nhà sàn, khách sạn, nuôi bò… không thua gì đất liền; bãi biển bẩn hơn và nhiều rác, rong chết, vỏ ốc vụn, đi đau cả chân. Nếu thích tắm thì ra, thích sự hoang sơ thì đừng ra. Nếu có ý định ra thì nên ra Bắc Vàn từ hôm trước để hẹn tàu. Hôm sau đi sớm (từ 7h), ra tắm từ 8-10h rồi về. Đừng ra muộn hơn nếu không muốn thành người-1-nắng.

11. Bãi đá cầu Mỷ: rất đẹp lúc hoàng hôn. Khu vực này do Ban chỉ huy quân sự quản lý, có các anh bộ đội trông xe. Ngoài bãi đá, còn có 1 mỏm cao (vốn là mỏm canh gác), có bệ đứng chắc chắn để bà con view cảnh; đi từ bãi gửi xe mất tầm 5 phút leo đồi. Gía gửi xe 5k/lần (rẻ bằng ½ chỗ khác). Khi đi bộ thì cẩn thận vì hơi nhiều cức trâu. Tốt nhất nên đi giày thể thao hoặc sandal quai chắc, đế cao su để leo đá cho tiện.

12. Âu cảng là một âu tàu với đê chắn sóng nhân tạo rất hoành tráng, được xây để tàu tránh bão. Đường đi ra âu tàu nằm cùng trục đường ra bãi đá cầu Mỷ. Chụp ảnh lúc hoàng hôn rất đẹp. Hợp để chụp ngược sáng.

Phần 4: Những nơi bạn không nên đến khi tới đảo Cô Tô

Mình đi Cô Tô 02 lần trong vòng 02 năm với những ấn tượng đẹp, (và bây giờ là) xấu khác nhau. Với tư cách là một người Quảng Ninh, tất nhiên mình vẫn muốn tiếp tục dành những lời tốt đẹp khi nói về Cô Tô. Bằng tất cả sự khách quan, những phần sau đây dành để cảnh bảo những rủi ro, mất vui có thể gặp ở Cô Tô. Hy vọng nó sẽ không thay đổi quyết định đến với Cô Tô của bạn, mà chỉ giúp chuyến đi của bạn được TRỌN VẸN, hài lòng hơn.

Những nơi không nên đến khi tới Cô Tô

Mình đi Cô Tô 02 lần trong vòng 02 năm với những ấn tượng đẹp, (và bây giờ là) xấu khác nhau. Với tư cách là một người Quảng Ninh, tất nhiên mình vẫn muốn tiếp tục dành những lời tốt đẹp khi nói về Cô Tô. Bằng tất cả sự khách quan, những phần sau đây dành để cảnh bảo những rủi ro, mất vui có thể gặp ở Cô Tô. Hy vọng nó sẽ không thay đổi quyết định đến với Cô Tô của bạn, mà chỉ giúp chuyến đi của bạn được TRỌN VẸN, hài lòng hơn.
Quan Lạn bãi biển hoang sơ
1.Đảo Cô Tô con – vì sao không nên đi?
“Tới Việt Nam, phải tới Cô Tô/Hạ Long. Tới Cô Tô, phải đi thăm cả Cô Tô con nữa” – đây là lời chia sẻ của nhiều người sau khi họ du lịch Cô Tô; và điều này là đúng nếu bạn đi Cô Tô trong nửa đầu năm 2014 đổ về trước.

Ngày ấy, Cô Tô con là một đảo hoang đúng nghĩa. Rừng rậm mọc ra tận biển, bao quanh bởi những hàng dứa dại rậm rì. Bãi cát trắng và mịn vô cùng, không có một chút rong chết, không sạn ốc vụn chứ đừng nói tới rác.

Ở bãi cát Cô Tô chỉ có độc 01 loại vỏ ốc nón màu trắng đỏ nho nhỏ, cực xinh. Bạn nào đã xem Life of Pi, hãy nghĩ tới cảnh cuối phim khi con Hổ bỏ Pi vào rừng đi mất. Cô Tô con ngày ấy có quang cảnh y hệt.

Hôm nay Cô Tô con đã trở thành hòn đảo thương mại với một dãy nhà sàn – khách sạn đồ sộ. Đủ các dịch vụ tắm gội, ăn uống và thậm chí còn nuôi cả 1 đàn gà với 1 đàn bò dăm con.

Tất nhiên, điều này phù hợp với khách du lịch đại trà; nhưng sẽ là nỗi đau cho những người yêu thích vẻ đẹp hoang sơ, sạch sẽ, trân trọng tự nhiên.

Sinh thái ở Cô Tô con chắc chắn đã thay đổi vì mình đi hết bãi biển nhưng không tìm nổi loại ốc đặc trưng năm xưa. Bãi biển ngoài rác còn có nhiều loại rong rêu, san hô chết, vỏ ốc tạp rất nhiều khiến người bộ hành bị đau chân.

May mắn là nước biển vẫn trong, bọn mình vẫn thấy 1 cụm san hô với cua ốc, cá sọc dưa… quay quần quanh đó.

Đi Cô Tô con khá mất công vì bạn phải thuê mảng với giá 600k/lượt, đi mất 30 phút. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ và chất lượng bãi tắm không vượt trội, độc đáo so với các bãi trên đảo. Do đó, Cô Tô con có lẽ không còn là địa điểm nhất quyết phải đi nữa.

2. Một số nhà nghỉ, nhà hàng nên tránh khi đi Cô Tô
Coto Lodge: mình ăn ở đây 2 bữa. Bữa 1 gọi món thì ưng vì ngon, giá tốt. Nhưng tới bữa thứ 2 thì sốc và cảm giác như bị lừa. Ăn BBQ Buffet, 350k/suất, đã đặt trước… nhưng lượng ăn rất rất ít, mỗi loại chỉ ăn 01 con, phục vụ đồ ăn rất chậm (mỗi món phải chờ thêm 15-30p) mà giá vẫn chát. Phục vụ thì chậm và lơ là (trong khi đây là resort chất lượng cao). Hết đồ mà không báo cho khách, để khách phải chờ và hỏi 3 lần mà rút cục vẫn không có đồ ăn; trong khi tiền thì phải trả đù, không được bù món.

Nhà hàng bình dân AN TÂM. Có tới 03 cơ sở. gọi là “bình dân”, “an tâm”, nhìn menu tưởng rẻ nhưng lúc mang đồ ăn ra mới thấy choáng váng: 100k bát canh ngao chua nhạt toẹt có 07 con ngao. 100k đĩa thịt rang có 20 lát. 40k đĩa đậu phụ có 8 miếng…. Các bạn đừng nói là ở đảo không có thực phẩm nhé; đất đai ở Cô Tô khá màu mỡ và nhân dân ở đây hoặc đảo Thanh Lân bên cạnh trồng được khá nhiều rau củ.

Nhà nghỉ Minh Thắng – nơi bọn mình đã thuê. Địa chỉ: xã Đồng Tiến, ở ngay cổng chào, lối rẽ tới bãi Vàn Chảy. Giá 450 – 550k/phòng, trong đó phòng 450k không có WC riêng. Trong khi đây không phải là nhà nghỉ, thực ra chỉ là homestay với mức giá đúng ra là 70 – 150k.

Chủ nhà thái độ khá lồi lõm: cam kết là 200k/xe có xăng nhưng xăng chỉ đủ chạy ra chỗ…mua xăng; mua đồ ăn cho bọn mình nhưng hết đồ mà không báo, tự ý đổi sang đồ khác, làm bọn mình thiếu đồ ăn và phải bù thêm tiền; wifi có nhưng không vào được, không nhóm nổi đống lửa (bọn mình tự nhóm) nhưng lấy 150K tiền nhóm lửa????

Các quán, lán ven biển: cần được check giá kỹ và thỏa thuận kỹ; tốt nhất nên thanh toán ngay. VD ở bãi Vàn Chảy, lán số 06 đuổi và chửi khách khi khách không thuê chỗ; lán số 09 đã thỏa thuận là 15k/cốc nước mía, không mất tiền ngồi nhưng sau đó vẫn đòi thu tiền ngồi (và tất nhiên bọn mình không trả).

Lưu ý và kinh nghiệm khác khi đi Cô Tô:
Xăng giá 25-30k/lit tùy nơi bán. Ở gần cảng Bắc Vàn có 1 lán nước, kết hợp bán đồ ăn và cho thuê mảng. Xăng ở đây chỉ 25k và chủ quán khá thật thà.
Đi xe không cân 3, phải đội mũ bảo hiểm. Để an toàn cho bản thân và tránh gây rắc rối cho chủ nhà vì CA, CSGT trên đảo nhiều, nghiêm.

Đi đâu cũng không sợ mất xe máy, nhưng tư trang, mũ bảo hiểm, khẩu trang thì phải cất kỹ, khóa kỹ.
Luôn luôn hỏi giá; mua đồ ăn thì hỏi kỹ là tính theo con, theo cân hay theo set. Gọi set định mức thì hỏi rõ mỗi món lượng ăn ntn; gọi đĩa thì hỏi kỹ đĩa ntn.

Gọi đồ ăn thì nên gọi các loại ngao, sò vì có sẵn trên đảo. Giá rẻ thì có ngao trắng, sò gạo, sò điệp. Tôm giá tầm 320k (ngày lễ: 400k); mực 400 – 500k tùy độ to, dày, tươi. Nếu đoàn không đông thì gọi tầm 0,5kg là đủ ăn. Mỗi món gọi 1 ít để không bị đắt mà vẫn nếm được đủ. Hạn chế gọi thịt, đậu.
Không phải cứ chỗ nào đông là tốt; vì có thể người ta bị lừa như mình. Điển hình là ở nhà hàng AN TÂM 3.

Xem thêm: Tour du lịch Cô Tô 3 ngày 2 đêm giá tốt

Theo Bếp Thương