Đó là nhận xét của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp ngành nông nghiệp với lãnh đạo Cục thuế và Cục hải quan TP.HCM được tổ chức tại TP.HCM ngày 21.4.
Bà Nguyễn Thị Cúc phát biểu tại hội nghị |
Làm luật kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”
Theo bà Cúc, mấy chục năm qua, HTX thuộc diện hoàn thuế trước kiểm sau, nhưng sau khi có văn bản điều chỉnh của Bộ Tài chính và Tổng cục thế, những HTX sản xuất làm hàng xuất khẩu như Ba Nhất thuộc diện kiểm trước hoàn sau. "Trước chỉ làm thủ tục ở Chi cục thuế, chuyển lên Cục thuế thành phố, sau 5-7 ngày ra kho bạc nhận tiền hoàn. Nay quy định mới phải đưa hết ra Bộ Tài chính, đến 25 Tết chưa có tiền phát cho xã viên ăn tết. Chúng tôi như ngồi trên lửa, ra Cục thuế thành phố, cả cán bộ thuế và DN cũng chỉ biết nhìn nhau an ủi, vì họ cũng lực bất tòng tâm", bà Cúc nói.
“Tôi hỏi Bộ Tài chính, tại sao có sự thay đổi quy định hoàn thuế đột ngột ngang ngược vậy? Cục thuế thành phố đã là cơ quan giám sát, tại sao lại bắt phải đưa ra hết ngoài trung ương xét duyệt? Nếu nói Cục thuế làm ăn không tốt thì giải tán Cục thuế đi, chứ đừng để nhà sản xuất vì bị treo tiền hoàn thuế và vay chợ đen để trả lương cho công nhân”, bà Cúc nói gay gắt và cho rằng muốn đưa ra luật gì cũng cần có thời gian nghiên cứu, đừng để nhà sản xuất chỉ biết khóc mà rời cơ quan thuế để ra về và không biết nói sao với người lao động như tình cảnh bà gặp phải trong dịp cuối năm vừa qua.
Quy định mới đó cũng khiến việc hoàn thuế của HTX chậm đến 40 ngày, đến tháng 2 vừa qua, HTX mới nhận được tiền hoàn thuế từ Bộ Tài chính. Bà Cúc cũng cho biết thêm, tiền lương thưởng cho xã viên của HTX trong dịp tết vừa qua là từ tiền bà “xin” đối tác ở nước ngoài trả tiền hàng cho HTX sớm nửa tháng để trang trải. Nếu không, xã viên không có “một đồng nào để ăn tết”.
“Chúng tôi có tiền để ăn tết là nhờ vào tiền đối tác nước ngoài trả trước lấy hàng sau chứ không nhờ vào chính sách ưu đãi của nhà nước mà chúng ta thường nói hỗ trợ ưu đãi cho DN vừa và nhỏ. Chúng tôi làm nghề mây tre lá, nghề cho người nghèo, nhưng chưa bao giờ xin Chính phủ ưu đãi cái gì cả. Chúng tôi chỉ yêu cầu những người làm luật liên quan đến sự sống còn của DN, đừng cưỡi ngựa xem hoa mà viết luật, phải đi sát với thực tế để có luật gần với dân hơn”, bà Cúc nhấn mạnh.
Liên quan đến bức xúc của HTX Mây tre lá Ba Nhất, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục thuế TP.HCM thông tin liên quan đến những khúc mắc trong công tác hoàn thuế, Bộ Tài chính đang xây dựng thông tư riêng về lĩnh vực hoàn thuế. Trong đó, sẽ tập trung tất cả vấn đề quy định liên quan đến hoàn thuế, nhiều văn bản ban hành mà không có thời gian cho DN biết thực hiện, sẽ được đưa vào thông tư hướng dẫn sắp tới của Bộ Tài chính. “Khi thông tư mới này được ban hành, cơ quan thuế sẽ tuyên truyền phổ biến cho DN biết thực hiện”, bà Nga nói.
Giá trị gói hàng chưa tới 2 triệu đồng, phí kiểm tra hết 1,2 triệu đồng
Còn trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP cho biết đối tác của công ty ở Hồng Kông gửi qua đường chuyển phát nhanh mấy ký bánh làm mẫu. Trị giá gói hàng chưa tới 2 triệu đồng nhưng chi phí kiểm tra an toàn thực phẩm lên đến 1,2 triệu đồng, lại phải bị tịch thu các gói bánh tại đó để lấy mẫu. “Hàng chúng tôi không bán, chỉ là mẫu bánh, sao phải chịu chi phí kiểm cao như vậy?”, bà Tú Anh đặt vấn đề.
Trả lời vấn đề này, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục hải quan TP.HCM cho rằng chính quản lý của ngành cũng rất nhiêu khê và chính cơ quan hải quan cũng bức xúc giùm DN quy định kiểm mẫu này.
Bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính nêu những bức xúc |
Quản lý kiểu “nắm người có tóc”
Cũng liên quan đến quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính, chuyên sản xuất bún, bánh phở tươi cho biết nghề làm bún tươi thuộc ngành tiểu thủ công nghiệp. 100% cơ sở không có khả năng xử lý nổi nước thải, ấy thế mà các đơn vị kiểm tra phân tích mẫu vẫn chấm đạt cho qua. Hàng loạt cơ sở làm sản xuất không đăng ký, xin giấy phép, cán bộ địa phương biết rõ nhưng lơ cho qua.
“Trong khi DN chúng tôi làm ăn rõ ràng, được cấp giấy đủ điều kiện sản xuất thực phẩm tươi sống, có đăng ký và đầu tư dây chuyền tiền tỉ, dây chuyền đóng gói tự động khử vi sinh bằng tia cực tím đầu tiên trong những DN làm bún, bánh phở tươi, dám vay tiền ngân hàng xây dựng bể xử lý nước thải. Chúng tôi chưa biết hay nhận một đồng nào từ Quỹ hỗ trợ xử lý môi trường. Tuy nhiên, chính DN của chúng tôi là nơi thường xuyên đón các đoàn thanh kiểm tra với những hạch họe rất vô lý, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh hằng ngày của chúng tôi. Thậm chí, giấy phép chúng tôi do Bộ cấp, nhưng cơ quan quản lý môi trường vẫn “phán” giấy phép không hợp lệ. Tôi phải nói tôi không tự làm ra giấy này được, vậy mới đồng ý và cho qua”, bà Bính bức xúc.
Trong thời buổi làm ăn khó khăn, theo bà Bính và một số DN phản ánh tại hội nghị, DN trong nước cạnh tranh với nước ngoài chưa nổi, nỗ lực giữ thị trường trong nước đã khó khăn. “Thái độ hạch họe của đơn vị quản lý kiểu “vạch lá tìm sâu”, kiểu “nắm kẻ có tóc, buông kẻ trọc đầu” khiến chúng tôi thấy nản và cô đơn ngay trên sân nhà. Làm ăn đàng hoàng nhưng luôn chịu trận các cuộc hạch sách và nhũng nhiễu vậy, liệu có phải là cách chúng ta đang hỗ trợ DN vừa và nhỏ như chính sách bên đưa xuống không?”, bà Bính đặt vấn đề.
Phần bức xúc của bà Bính không thuộc lĩnh vực quản lý của ngành hải quan và thuế, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM ghi nhận và hứa sẽ trình các cấp quản lý xem xét.
Nguyên Nga
Ảnh: Nguyên Nga/Báo Thanh Niên