“Cỡ giống ngao dầu và nghêu Bến Tre dân thả nuôi từ 500–1.000 con/kg được người dân nhập từ Trung Quốc và 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình về thả nuôi, hầu hết không có hóa đơn chứng từ mua bán, không kiểm dịch”
Theo phản ánh của người dân, do hiện tại toàn bộ phía Bắc chưa có cơ sở nào cung cấp nguồn giống chất lượng nên người dân thường dùng giống nghêu, ngao từ Trung Quốc.
Theo báo cáo, năm 2015, huyện Hải Hà đã thả nuôi 416 ha diện tích ngao, nghêu tại các xã Quảng Minh (176 ha, 84 hộ nuôi), xã Quảng Điền (40 ha, 30 hộ nuôi), xã Phú Hải (200 ha, chưa thống kê số hộ nuôi) trong đó chỉ có vùng nuôi xã Quảng Minh nằm trong quy hoạch nuôi nhuyễn thể của Huyện.
Từ tháng 12.2015 đến 1.2016, hiện tượng ngao, nghêu nuôi chết liên tiếp xảy ra tại các xã Quảng Minh, Quảng Điền và Phú Hải. Theo thống kê, đã có 216/416 ha của 90/162 hộ tại 3 xã trên có ngao, nghêu nuôi bị chết, mức độ thiệt hại từ 20–30%, cá biệt có hộ đến trên 50% (tổng thiệt hại khoảng 2.000 tấn). Tiếp đó, đầu tháng 4.2016, tại xã Quảng Minh có 13/81 hộ nuôi tiếp tục có hiện tượng ngao chết, diện tích khoảng 26 ha, tỷ lệ chết 20-25%, một số hộ tỷ lệ ngao, nghêu chết 50–60%.
Tại thời điểm này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành thu, gửi phân tích, xét nghiệm 10 mẫu ngao/nghêu nuôi, kết quả 10/10 mẫu âm tính (-) với ký sinh trùng Perkinsus. Ngày 21.4.2016, cơ quan Thú y Vùng II, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I có báo cáo trả lời kết quả phân tích, xét nghiệm: “Các thông số môi trường nước, trầm tích đều không ảnh hưởng xấu tới ngao nuôi”; “Vi khuẩn và Herpes virus không phải là nguyên nhân chính gây Ngao chết hàng loạt tại Quảng Ninh”. Chính vì vậy, người dân sẽ không được hưởng hỗ trợ dịch bệnh.
Qua xác minh thực tế xác định, ngao chết do mật độ thả nuôi quá dày, trên 500 con/m2 gấp hơn 5 lần khuyến cáo kỹ thuật (khuyến cáo nên thả 80-90 con/m2 với kích cỡ giống 400-500 con/kg); Không gian sinh sống của ngao bị hạn chế và phải cạnh tranh nguồn thức ăn, thiếu thức ăn, dẫn tới ảnh hưởng tới sức khỏe (ngao sử dụng thức ăn phù du sinh vật tự nhiên, người dân không bổ sung thức ăn cho ngao nuôi). Ngao đã đạt cỡ thương phẩm nhưng chưa thu hoạch (do giá bán quá thấp, người dân không thu), dẫn đến tình trạng ngao chết tự nhiên gây ô nhiễm môi trường cục bộ trong vùng ngao nuôi dẫn đến “lây lan” ngao khỏe bị chết theo.
Cuối năm 2015, đầu năm 2016, Quảng Ninh bị rét hại, với mức nhiệt khu vực ngao nuôi từ 4-6 độ C, thiếu thức ăn, ngao gầy yếu dễ cảm nhiễm với các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, các khu vực nuôi xã Quảng Điền, Phú Hải không có điều kiện thuận lợi để nuôi ngao, không nằm trong quy hoạch và đã được khuyến cáo không thả nuôi nhưng người dân vẫn thả giống với mật độ cao (nhiều hộ thả nuôi trên 600 con/m2, cỡ giống 500-1000 con/kg). Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khuyến cáo người dân khi môi trường bãi triều chưa được xử lý dứt điểm người dân không được thả nuôi để tránh việc ngao chết trở lại. Hiện các sở ngành và địa phương phối hợp với huyện Hải Hà khắc phục, cải tạo môi trường để người dân tiếp tục nuôi thả.
Tại buổi họp báo các cơ quan báo chí có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân nghêu, ngao chết hàng loạt do đã đến thời vụ thu hoạch nhưng Trung Quốc bất ngờ dừng thu mua, dẫn tới hiện tượng nghêu, ngao chết tự nhiên. Bên cạnh đó, cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng đã buông lỏng kiểm soát nguồn giống cũng như quy trình hướng dẫn dân thả nuôi nghêu, ngao.
Theo Dân Việt