Thứ Năm

Người đàn bà 15 năm chăm sóc 'sọ dừa'

15 năm trước, chị Vân thấy anh Sung như nắm thịt nằm lăn lóc bên vỉa hè ở miền quê nghèo Phú Yên. Đồng cảm trước tỉnh cảnh của anh Sung, chị Vân rủ anh vào TP.HCM bán vé số mưu sinh.

Mặc kệ tiếng đời dị nghị, chị Vân ra sức bươn chải chăm lo cho anh và đứa con thơ mà chị lỡ dại với người đàn ông bội bạc. Hằng ngày, anh em “sọ dừa” rong ruổi khắp nẻo Sài thành. Họ bán từng tờ vé số để sống những ngày hiu hắt bên cạnh sự thiếu vắng tình thương của người thân.

Anh Võ Đình Sung
Cổ tích có thật
Sài thành đang vào đợt nắng nóng, ánh nắng chói chang che mất tầm nhìn. PV báo Người Đưa Tin tìm mãi mới phát hiện ra hai anh em “sọ dừa” đang loay hoay mời người đi đường mua vé số.

Cổng bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM là điểm bán quen thuộc của chị Phan Thị Thu Vân (45 tuổi, quê Phú Yên, tạm trú Q.10, TP.HCM) và anh Võ Đình Sung (56 tuổi, quê Phú Yên, cũng tạm trú Q.10, TP.HCM).


Chị Vân bán vé số được 20 năm. Anh Sung được chị Vân dắt đi bán cũng được 15 năm. Chị Vân chia sẻ: “Tôi bị sốt bại liệt từ năm 3 tuổi nên tay chân bị teo lại, yếu ớt. Anh Sung bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam nên thân hình như “sọ dừa”. Lúc trước, anh ấy còn đi lại được. Giờ yếu rồi, tôi chở tới đâu, ảnh ngồi một chỗ bán”.

Nói được dăm câu, chị Vân hẹn PV đến nhà trọ. Bởi, giữa cái nắng gay gắt, ồn ào và xô bồ phố phường khó mở lòng để câu chuyện được rành mạch. Tranh thủ giờ trưa, chị Vân về nấu cơm, cho anh Sung nghỉ ngơi để xế chiều lại “chiến đấu” cho đến khuya.

Buổi tối, trong căn nhà trọ chật ních, chị Vân, anh Sung đang đếm lại số vé vừa lấy thêm. Chị cho biết: “Sáng 6h, thằng nhỏ dậy đi học. Tôi cũng dậy cùng con rồi đi bán tới 12h thì về. Xế chiều đi bán tiếp, tới khoảng 10h tối hoặc có khi 1-2h sáng mới về phòng trọ. Dạo này, mới chuyển nhà trọ, lạ chỗ, không có người quen, tôi sợ thằng nhỏ sợ nên về sớm. Vả lại, sức khỏe của anh Sung cũng yếu, không cố thêm được nữa”.
Anh Sung “lăn lốc” bán vé số giữa đường phố đông đúc
Chị Vân bất chợt quay ra phía anh Sung đã ngủ từ lúc nào, rồi bần thần nói tiếp: “Từ dạo, anh Sung bị xe cán. Nằm đâu, ảnh cũng ngủ được, mà ngủ cũng chẳng ngon giấc, cứ bị cơn hen suyễn hành hạ. Mới đó đã 15 năm, hai anh em gắn bó, rau cháo có nhau. Tôi vào TP.HCM trước anh Sung 5 năm.

Thời điểm đó, mấy anh chị ở quê hắt hủi tôi. Họ nói tôi làm cho cha mẹ khổ. Buồn quá, tôi xin cha mẹ cho vào TP.HCM bán vé số kiếm sống. Mặc dù, cha mẹ ngăn cản nhưng tôi không thể chịu được sự coi thường của anh, chị em thêm nữa. Vào đây, tôi tự đi lại không tiện nên thường đi xe thuê của một người đàn ông. Đi được cũng lâu, anh ta nói thương tôi. Tôi có từ chối. Thế nhưng, anh hứa nhiều rồi tôi cũng xiêu lòng”.

“Ở với nhau 5 năm, tôi phát hiện mình mang thai 5 tháng. Anh ấy bắt tôi phá thai. Tôi khóc, không chịu. Anh ta lặng lẽ bỏ đi. Tôi bụng mang dạ chửa, lay lắt bán vé số sống qua ngày.

Khoảng 10 ngày nữa là sinh con, tôi gọi điện về quê nhờ cậu mợ nhắn dùm với ba má: “Con lỡ dại, ba má thương thì con về quê đẻ, còn không con đẻ ở đây, phó mặc sống chết cho ông trời định đoạt”. Ba má kêu tôi về.

Mấy tháng sau ngày đẻ, tôi chuẩn bị trở vào Sài Gòn thì gặp anh Sung đang nằm lăn lóc bên vỉa hè. Tôi hỏi ảnh sao nằm đây. Ảnh nói bị chị dâu đuổi. Chị dâu của anh nói: “Có miệng ăn mà không có sức làm”, ảnh tủi thân ra nằm vỉa hè”, chị Vân ứa nước mắt khi nhắc lại chuyện cũ.

Người dưng mà đủ nghĩa tình

Lúc chị Vân dắt anh Sung đi, người chị thứ tám của anh Sung ra sức ngăn cản. Thế nhưng, hoàn cảnh của người chị này cũng rất khó khăn, không thể chăm lo cho anh đầy đủ. Anh Sung nhất quyết ra đi, bỏ lại sau lưng biết bao tủi hờn.

“Người ta đối xử với anh Sung tệ lắm. Vậy mà, tháng nào, anh cũng để dành tiền về quê thăm mấy đứa cháu. Ảnh đi bán, người ta cho tiền, anh giữ. Mỗi tháng, anh chỉ giúp tôi 500 ngàn đồng tiền nhà, còn ăn uống tôi lo hết.
Chị Vân buồn bã kể lại hoàn cảnh của hai anh em
Tiền nhà 2 triệu đồng một tháng, tiền ăn uống, thuốc men… đều trông chờ vào tiền lời bán vé số. Ngày bán nhiều nhất cũng chỉ lời được 250 ngàn đồng. Có lúc, tôi định “ôm” lại vài tờ vé số cầu trời cho trúng để đổi đời. Thế mà, mười mấy năm bán vé số, chưa lần nào dám làm vậy”, chị Vân chia sẻ.

“Cứ nghĩ đến tiền không đủ ăn, không có tiền đóng học phí cho con là tôi không dám mạo hiểm. Thằng nhỏ năm nay học lớp 8, học giỏi, chơi thể thao cũng hay. Nó được nhiều bằng khen nên tôi cũng “mát ruột”.

Nó còn bảo: “Con ráng học sau này kiếm tiền nuôi mẹ”. Nó hiểu hết hoàn cảnh gia đình nên cũng thương yêu anh Sung như chú bác ruột. Nó đi chơi trong xóm cũng bồng anh theo”, chị Vân cho biết thêm.

Chị Vân cũng không ngại chuyện hai anh em là người dưng nước lã, đôi chuyện cũng xích mích. Anh Sung tính khí thất thường, vui buồn, cáu giận bất chợt. Nhiều lúc, chị Vân buồn, cuốn quần áo dẫn con bỏ đi. Thế nhưng, đi được vài tiếng đồng hồ, chị lại lo anh đi kiếm chị sẽ mệt, xe cộ lại đông đúc.

Nghĩ đến đó, chị Vân lại hối thằng con ba chân bốn cẳng chạy về. Về phía anh Sung, tức lên, anh không tiếc lời nặng nhẹ em gái kết nghĩa. Vậy mà, em gái bỏ đi vài phút, anh lại hớt hải hỏi dò hàng xóm.

“Tôi nấu cái gì ảnh cũng chê dở. Ăn gì cũng bảo không ngon. Nghe vậy, tôi cũng ức, không có tiền thì lấy gì mà ngon? Đến cơm, cũng phải mua gạo rẻ tiền, nấu ăn một lần, chứ để tới bữa thứ hai là cứng còng ăn không được.

Thằng nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, ăn thiếu thốn riết cũng ốm o, gầy gò. Chắc tôi mắc nợ anh Sung hay sao mà không bỏ được. Người ta ruột rà còn bỏ mặc, mình người dưng mà sao bỏ không đành. Tôi cũng bị anh chị em không đoái hoài nên xót xa thay luôn cho phần anh”, chị Vân bộc bạch.

Tiếng chị kể đều đều hòa vào tiếng thở hom hem của anh Sung đã say giấc. Nghe hàng xóm chị Vân kể, ngày anh Sung bị tai nạn, một tay chị Vân chăm sóc. Từ việc ăn uống cho đến đi vệ sinh của anh Sung, chị Vân cũng phải gánh gồng.

Khoảng thời gian đó, chị phải đi bán đến tận 1-2h sáng mới tìm về phòng trọ. Thân hình èo uột của chị dạn dày sương khuya. Sau tai nạn, tai của anh Sung không còn bình thường. Nhiều lúc, chị Vân phải hét to để anh Sung nghe thấy mà hàng xóm cứ tưởng hai người cãi nhau.

Sáng nào, chị Vân cũng bế anh Sung lên miếng ván chị gắn thêm phía sau chiếc xe lăn. Xe lăn bánh qua những cung đường tấp nập. Anh Sung cố bám chặt mà tim đập thình thịch. Chị Vân cố gắng gạt qua nỗi sợ hãi để chen chúc giữa dòng xe cộ.

Khi anh Sung tỉnh giấc. Hai anh em lại tiếp tục hành trình mưu sinh. Nơi họ đến mời mọc khách mua vé số là những quán nhậu, cửa hàng ăn uống đắt tiền. Mùi thức ăn thơm phức, xen lẫn mùi rượu bia, hơi người ngột ngạt.

Đó là chỗ của những người giàu lòng nhân ái lắm tiền, cũng không ít kẻ trịch thượng ném vào mặt anh chị đôi ba ngàn lẻ rồi bảo “cút đi”.

Dòng đời tấp nập, phận người bọt bèo. May mắn, hai người đồng cảnh ngộ đã nhìn thấy nhau. Chị Vân bảo: “Tôi nói ra như vậy không sợ người ở quê chê bai hay đay nghiến thêm. Bởi, nếu họ thương và chở che cho hai anh em thì giờ này chúng tôi đâu phải bươn chải nơi đây”.

Hai người khuyết tật có hoàn cảnh đáng thương
Thượng úy Hà Ngọc Thắng, Công an phường 9 (Q.10, TP.HCM) cho biết: “Trước đây, chị Vân, anh Sung có sinh sống lâu năm tại địa chỉ 474/6 Sư Vạn Hạnh trong khu vực tôi quản lý. Ngày nào, hai người cũng đi bán vé số. Hoàn cảnh của hai người rất khó khăn nên chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm, giúp đỡ.
Khi con chị Vân đến tuổi đi học, chúng tôi đã cố gắng hỗ trợ để cháu đến trường. Hiện nay, chị Vân đã chuyển sang thuê trọ ở đường Hồ Thị Kỷ. Tôi vẫn mong chị tiếp tục được bà con, cán bộ ở khu vực này hỗ trợ thêm”.

NGỌC LÀI