Mỹ đang trở nên hoảng sợ khi Nga và NATO có những động thái làm hòa, bắt tay nhau trong các vấn đề quốc tế.
Tướng Mỹ phá quan hệ Nga-NATO
Mới đây, trong buổi trò chuyện với đài phát thanh Russkaya Sluzhba Novostei (dịch vụ tin tức Nga), ông Sergei Koshelev, người đứng đầu bộ phận hợp tác quốc tế của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, tướng Philip Breedlove, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở châu Âu, dường như đang cố làm hỏng các mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và NATO.
Mỹ hoảng loạn khi Nga - NATO bắt tay nhau? |
Đây không phải là lần đầu tiên vị tướng người Mỹ tỏ thái độ không hài lòng và chỉ trích chính sách đối ngoại "quyết đoán" của Nga. Thậm chí ông Breedlove còn cảnh báo Moskva là một mối đe dọa cho Mỹ và châu Âu.
Hồi cuối tháng 2/2016, ông Breedlove cho rằng, điện Kremlin "đặt ra một mối đe dọa hiện hữu dài hạn" cho các đồng minh Hoa Kỳ và Mỹ tại châu Âu.
Trước đó tháng 1/2016, vị tướng người Mỹ đã công bố trên website Bộ Tư lệnh châu Âu của quân đội Mỹ (EUCOM) chiến lược tại châu Âu, trong đó xác định nhiệm vụ "kiềm chế chính sách xâm lược của Nga" là ưu tiên chính của mình.
Thực tế quan hệ giữa Nga-NATO đã trở nên căng thẳng và tồn tại nhiều bất đồng từ sau khi điện Kremlin sát nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước này hồi tháng 3/2014. Ngoài ra Moskva cũng bị cáo buộc có vai trò trong cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Putin luôn phủ nhận các cáo buộc này, và khẳng định không ngừng nỗ lực để giải quyết các xung đột tại Ukraine thông qua phương pháp ngoại giao.
Mỹ hoảng khi Nga – NATO bắt tay nhau?
Một loạt hành động trên của vị tướng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Moskva và NATO đang ngày càng có nhiều cải thiện. Giới phân tích cho rằng, nỗi ám ảnh việc Moskva và tổ chức quân sự do Mỹ đứng đầu đã khiến Washington bị ám ảnh.
Mới đây, NATO đã phát đi thông báo cho biết, giới chức cấp cao của tổ chức này và Nga sẽ có cuộc gặp mặt đầu tiên sau khi cắt đứt mối quan hệ hợp tác từ năm 2014.
“Sau quá trình tham vấn với Nga, chúng tôi đã đồng ý sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt của hội đồng Nga – NATO ở mức đại sứ. Sự kiện này sẽ diễn ra trong vòng 2 tuần tới ở trụ sở của NATO ở Brussels. Chúng tôi sẽ thảo luận về vấn đề Afghanistan, thoả thuận Minsk ở Ukraine và mối đe doạ khủng bố”, thông cáo từ NATO khẳng định.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn tại Washington vào hôm 6/4, Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg cho biết, khối quân sự này đang tìm cách đàm phán với Nga nhằm giảm thiểu những bất đồng trong thời gian qua.
Nỗi sợ NATO xích lại gần Nga đã khiến Nhà Trắng không ngừng thực hiện kế hoạch quân sự chống Moskva.
Ngày 5/4, trong một tuyên bố được đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về những biện pháp quân sự của Washington.
Bà Zakharova nhấn mạnh, Mỹ đang lãng phí khoảng 3,4 tỷ USD tiền thuế cho cái gọi là "Sáng kiến trấn an châu Âu" để tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này tại Đông Âu vào năm 2017 nhằm ngăn chặn một "cuộc xâm lược của Nga".
Ngoài ra, các đơn vị tác chiến Mỹ đến châu Âu luân phiên trong thời gian 9 tháng và sẽ thực hiện các cuộc tập trận khắp Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Bulgaria, Hungary.
"Washington đã thực sự triển khai kế hoạch và xây dựng quân sự nhằm trực tiếp vào Nga. Đây là loại chiến lược có bài bản và được tài trợ rất nhiều tiền", bà Zakharova cho biết..
Bên cạnh đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga còn nhấn mạnh, Lầu Năm Góc đang ráo riết chuẩn bị tiến hành các hoạt động quân sự ở gần biên giới Nga, trong đó có việc triển khai các hệ thống phòng không ở Đông Âu.
"Chiến lược mới của Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ gọi Nga là "một thách thức toàn cầu đòi hỏi phải có một sự đáp trả toàn cầu" và "kiềm chế sự gây hấn của Nga" là ưu tiên hàng đầu", bà Zakharova nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 30/3, truyền thông Mỹ cũng đưa tin Washington đang có kế hoạch triển khai một trạm radar mới gần biên giới Nga tại thành phố Vardo ở Na Uy. Đây là một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, có thể theo dõi các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga, cũng như giám sát hoạt động của Hạm đội Phương Bắc thuộc Hải quân Nga.
Rõ ràng sự hợp tác giữa Nga – NATO đang là thách thức với Nhà Trắng và khiến nước này phải tìm đủ mọi cách để ngăn cản, kiềm chế.
Tuấn Hùng (Tổng hợp)/Báo đất việt