Với 58,37 điểm- chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phú Thọ năm 2015 tăng 4 bậc, vươn lên xếp thứ 35 trên bảng xếp hạng PCI so với năm 2014. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh ta tăng bậc, được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số cạnh tranh ở mức độ khá. Để tiếp tục cải thiện vị trí xếp hạng PCI, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí thời gian, đảm bảo tính minh bạch và loại bỏ những chi phí không chính thức.
Phú Thọ: Tăng giải pháp nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh |
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hay PCI (viết tắt của Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp. Chỉ số PCI được công bố thí điểm lần đầu vào năm 2005. Đến nay, sau 10 năm thực hiện, PCI trở thành một trong những căn cứ đáng tin cậy để các nhà hoạch định tham khảo trong cải cách hành chính và các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư.
Theo bảng đánh giá xếp hạng PCI năm 2015, Phú Thọ có 6 chỉ số tăng điểm là gia nhập thị trường, tính năng động, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý, cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức. Tuy nhiên, điểm số tăng so với năm 2014 còn ở mức khiêm tốn!
Ông Nguyễn Đức Thiện- Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh bày tỏ: Một số doanh nghiệp vẫn kêu ca, phàn nàn về những khoản chi phí không chính thức. Muốn loại bỏ chi phí không chính thức, rất cần chấn chỉnh đội ngũ công chức, nhất là những cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp cận với doanh nghiệp khi họ đến làm thủ tục. Tỉnh cũng cần tăng cường cập nhật những chủ trương chính sách đầu tư mới, thực hiện công khai minh bạch các kế hoạch, quy hoạch của các ngành, lĩnh vực trên mạng để các nhà đầu tư được tiếp cận bình đẳng. Đã đến lúc thay đổi tư duy, đừng để doanh nghiệp canh cánh nỗi niềm đưa “chi phí không chính thức” trở thành chính thức khi muốn tiếp cận về thủ tục hành chính!
Theo đánh giá thì đây chính là lĩnh vực “nhạy cảm”. Việc loại bỏ dần “chi phí không chính thức” không chỉ là vấn đề của riêng Phú Thọ mà đang là vấn đề nổi cộm của hầu hết các địa phương trong cả nước. Qua trao đổi về vấn đề này, một số doanh nghiệp ở KCN Thụy Vân cho rằng: Tỉnh cần chấn chỉnh và xử lý nghiêm những cán bộ có biểu hiện gây khó khăn, phiền hà cho các doanh nghiệp, người dân đồng thời rà soát, bố trí những cán bộ có năng lực, trách nhiệm làm việc tại những vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Các doanh nghiệp đều có chung mong muốn tiếp tục được tỉnh hỗ trợ, ban hành cơ chế đặc thù trong thu hút đầu tư như giá thuê đất, đảm bảo điều kiện về cơ sở hạ tầng, ổn định về điện sản xuất; tổ chức nhiều hơn nữa các buổi đối thoại, gặp gỡ giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành liên quan bởi đây là kênh trực tiếp để doanh nghiệp bày tỏ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiến hành đầu tư dự án. Theo đại diện các doanh nghiệp thì hình thức này sẽ góp phần tích cực trong việc gỡ bỏ dần những “chi phí không chính thức”.
Nhiều giải pháp tích cực để nâng điểm
Để tìm hiểu việc có hay không chuyện doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần khi làm các thủ tục hành chính, chúng tôi đã trao đổi với đại diện các doanh nghiệp khi họ đến giao dịch tại phòng đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT. Bà Trần Thị Thơm- đại diện Công ty TNHH Bách Đặc Lợi ở lô B1- KCN Thụy Vân khẳng định: So với những năm trước, việc giải quyết thủ tục hành chính khi doanh nghiệp muốn thay đổi giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép kinh doanh hoặc thành lập mới doanh nghiệp đã nhanh hơn rất nhiều. Nếu có chậm 1- 2 ngày thì chủ yếu là do lỗi doanh nghiệp không mang theo đầy đủ giấy tờ, không thực hiện đúng hướng dẫn mà thôi!
Bà Đào Thị Tuyết Lan- Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT cho biết: Mỗi tháng trung bình có 70-80 doanh nghiệp đến giao dịch, trong đó có khoảng 70% thủ tục sẽ được chúng tôi giải quyết ngay trong ngày. Theo quy định, tối đa 3 ngày phải xong các thủ tục thành lập doanh nghiệp song rất ít doanh nghiệp phải đợi đến ngày thứ 3. Riêng việc thay đổi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp thì chỉ tính bằng tiếng, có khi đại diện doanh nghiệp chưa uống xong cốc nước đã được bàn giao thủ tục giấy tờ!
Sở KH&ĐT đã triển khai cơ chế “một cửa liên thông”, thực hiện cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng. Vì thế, thời gian giải quyết đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, các công việc có liên quan được rút ngắn, giảm số lần tổ chức và công dân đi lại tới các cơ quan hành chính.
Đã thành nếp, vào thứ 5 hàng tuần tại KCN Thụy Vân, lãnh đạo Ban quản lý các KCN tỉnh dành thời gian trực tiếp lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Gần một năm thực hiện, BQL các KCN đã tiếp thu và giải đáp kịp thời trên 1.000 lượt ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, về vấn đề môi trường, đảm bảo ổn định điện, nước sản xuất và việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án. Công tác xúc tiến thu hút đầu tư được đẩy mạnh, từ chỗ ngồi chờ nhà đầu tư đến, nay chuyển sang chủ động tiếp xúc mời gọi đầu tư; vận động thu hút đầu tư bằng chính uy tín, trách nhiệm, tinh thần phục vụ, hỗ trợ đối với nhà đầu tư hiện có và các nhà đầu tư mới.
Những cải cách đó góp phần không nhỏ vào nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Từ vị trí gần cuối bảng xếp hạng (xếp thứ 54/63) năm 2013, Phú Thọ đã vươn 19 bậc lên xếp thứ 35 toàn quốc đầu năm 2016. Có được điều này là nhờ UBND tỉnh đã quán triệt và triển khai hiệu quả đề án và chương trình hành động PCI đến các cấp, các ngành; rà soát, loại bỏ những văn bản chồng chéo, hết hiệu lực; thực hiện công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng, dễ thực hiện đối với các thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp tại trụ sở, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị.
Hiện nay, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm dần “chi phí không chính thức” và cải thiện các chỉ số bị giảm điểm trong năm 2015 như tính minh bạch, chi phí thời gian, tỉnh đã chỉ đạo các ngành thực hiện cải cách thủ tục hành chính với trọng tâm là cơ chế “một cửa liên thông”, tích cực nâng cao trách nhiệm, tư cách đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác “một cửa”, “một cửa liên thông”. Sẵn sàng thay thế cán bộ đối với những sở, ngành, cá nhân trong quá trình làm việc bị người dân, doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn nhiều. Các ngành rà soát kịp thời những văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển KT-XH để sửa đổi, thay thế, bổ sung. Để nâng điểm ở chỉ số tiếp cận đất đai, tỉnh tổ chức công khai các quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, bảng giá đất trên địa bàn, các chính sách thu hút đầu tư và ưu đãi đầu tư trên các trang tin điện tử của tỉnh để cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu.
Những giải pháp trên khẳng định tỉnh Phú Thọ đã có những hành động quyết liệt nhằm khắc phục hạn chế, tăng năng lực cạnh tranh, góp phần mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động và thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển.
Việt Hà/Báo Phú Thọ