Trong quá khứ, những công nghệ đột phá đã nhiều lần tạo ra cách mạng trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Có thể kể đến smartphone trong thập kỷ vừa qua, tivi màu trong thập kỷ 1970 hoặc ô tô chạy xăng trong đầu thế kỷ 20. Dự đoán thời điểm công nghệ mới ra đời là một điều khó khăn nhưng khi xuất hiện chúng sẽ làm cả thế giới thay đổi. Sau smartphone, có vẻ như những năm 2020 sẽ là thập kỷ của ô tô điện.
Quả bom khủng hoảng dầu mỏ mới sắp nổ và kẻ châm ngòi chính là Tesla |
Theo dự đoán, đến năm 2040, ô tô điện đường dài sẽ có giá chưa đến 22.000 USD (tính theo thời giá hiện tại). 35% ô tô được sản xuất trên toàn thế giới sẽ là ô tô điện.
Dễ hiểu tại sao đây lại là tin buồn cho các nhà sản xuất dầu mỏ. Hiện nay, ô tô điện chỉ mới chiếm 0,1% thị trường ô tô toàn cầu. Chúng vẫn là của hiếm trên đường phố các nước và có giá đắt hơn nhiều so với những đồng nghiệp chạy xăng của mình. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn tin rằng ô tô điện sẽ chỉ chiếm 1% thị trường ô tô thế giới vào năm 2040. Năm ngoái, CEO của ConocoPhillips, Ryan Lance, phát biểu rằng phải mất 50 năm nữa ô tô điện mới trở nên phổ biến như ô tô chạy xăng hiện nay.
Tuy nhiên, thực tế thì Tesla, Chevy, và Nissan đã có kế hoạch bán ô tô điện đường dài ở tầm giá 30.000 USD trong vài năm tới. Đặc biệt nhất là mẫu Model 3 vừa ra mắt của Tesla, chỉ có giá 35.000 USD, được trang bị các tính năng cực kỳ hiện đại và khả năng tăng tốc đáng kinh ngạc. Các nhà sản xuất ô tô và công ty công nghệ khác cũng đang đầu tư hàng tỷ USD cho nhiều mẫu xe mới.
Đến năm 2020, một số mẫu xe sẽ có giá thành rẻ và hiệu suất cao hơn các ô tô chạy xăng. Mục tiêu của các hãng này là bắt kịp thành công của Model S của Tesla, mà hiện nay bán chạy hơn mọi đối thủ cạnh tranh trong dòng xe cao cấp ở Mỹ. Câu hỏi là những chiếc xe này sẽ làm mất đi bao nhiêu nhu cầu sử dụng dầu mỏ? Và khi nào thì sự sụt giảm nhu cầu sẽ đủ lớn để châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng dầu mỏ mới?
Quả bom khủng hoảng dầu mỏ mới sắp nổ và kẻ châm ngòi chính là Tesla |
Theo tính toán, nếu tốc độ tăng trưởng 60% một năm được duy trì, thì sớm nhất vào năm 2023, ô tô điện có thể làm giảm nhu cầu sử dụng 2 triệu thùng dầu một ngày. Điều này sẽ gây ra tình trạng thừa cung mà đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 2014.
Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số ở mức cao như 60% sẽ có thể không duy trì được lâu. Vì thế, dự đoán trên có phần chưa thực tế lắm. BNEF đã đưa ra một dự đoán thận trọng hơn là đến năm 2028, giá ô tô điện mới đủ rẻ để gây ra một cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Báo cáo của OPEC đã chỉ ra rằng, thị trường dầu mỏ chỉ trụ được nếu ô tô điện chiếm không quá 2% tổng số ô tô trên toàn thế giới.
Phân tích của BNEF tập trung vào tổng chi phí để sở hữu ô tô điện, bao gồm phí bảo trì, phí nhiên liệu và quan trọng nhất là giá thành của pin.
Pin chiếm 1/3 chi phí sản xuất của một chiếc ô tô điện. Để ô tô điện phổ biến đến tay người dùng, một trong bốn điều kiện sau phải được thỏa mãn:
1. Chính phủ phải cung cấp các ưu đãi cho nhà sản xuất ô tô điện để hạ giá thành
2. Các nhà sản xuất ô tô điện phải chấp nhận biên lợi nhuận cực thấp.
3. Khách hàng phải sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho ô tô điện.
4. Giá pin phải giảm xuống.
Hiện nay, ba điều kiện đầu tiên đã được thỏa mãn, nhưng chúng không thể duy trì được trong thời gian dài. May mắn là, chi phí sản xuất pin đang có xu hướng giảm xuống.
Một vấn đề khác đặt ra cho ô tô điện là: Điện sẽ được lấy từ đâu? Theo BNEF, đến năm 2040, ô tô điện sẽ tiêu thụ 1.900 terawatt-giờ mỗi năm. Con số này tương đương với 10% sản lượng điện của cả thế giới trong năm 2015.
Tin tốt là giá điện đang trở nên rẻ hơn. Kể từ năm 2013, thế giới đang tăng cường sản xuất điện từ gió và năng lượng mặt trời thay vì than, khí tự nhiên và dầu mỏ. Ô tô điện sẽ thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo và ngược lại, năng lượng tái tạo sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng ô tô điện. Rõ ràng, đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Còn về lithium và các thành phần khác trong pin thì sao? BNEF đã phân tích thị trường của các sản phẩm này, và cho rằng chúng không phải là vấn đề. Đến năm 2030, số pin được sản xuất sẽ tiêu thụ chưa đến 1% lượng lithium, niken, mangan và đồng của thế giới. Con số này cho coban là 4%. Sau năm 2030, ngành hóa học sẽ có thể tìm ra các vật liệu mới, làm cho pin nhẹ, nhỏ và rẻ hơn.
Bất chấp các thuận lợi trên, vẫn có lý do để nghi ngờ về khả năng phổ biến ô tô điện. Nhà sản xuất cần thực sự giảm giá thành của ô tô điện, và vẫn chưa có đủ các trạm sạc pin nhanh cho những chuyến đi đường dài. Nhiều tài xế ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục sử dụng xăng và diesel. Nhu cầu sử dụng dầu mỏ của các nước đang phát triển có thể làm triệt tiêu tác động của ô tô điện, đặc biệt nếu giá dầu thô giảm xuống 20 USD một thùng và giữ nguyên.
Một yếu tố khác mà BNEF đề cập đến trong bản phân tích là sự phát triển của xe tự lái và các dịch vụ đi nhờ xe của Uber và Lyft. Chúng sẽ làm gia tăng số xe mà lưu thông hơn 20.000 dặm một năm. Xe càng đi nhiều, giá pin càng rẻ. Nếu những dịch vụ mới này thành công, chúng có thể đẩy thị phần ô tô điện lên 50% vào năm 2040.
Dù thế nào, nếu cuộc khủng hoảng dầu mỏ xảy ra, nó sẽ chỉ là sự khởi đầu. Sau mỗi năm, số ô tô điện lưu thông trên đường sẽ ngày càng tăng và nhu cầu sử dụng dầu mỏ ngày càng giảm. Đến lúc đấy thì sẽ chẳng ai muốn bán dầu nữa.
Theo Trí Thức Trẻ