Mỗi ngày, trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì bị thất thoát khoảng 100 triệu đồng do xe ô tô vẫn cố tình né trạm, đi vào cầu Việt Trì cũ dù đã bị cấm. Nhà đầu tư liên tiếp “cầu cứu” Bộ GTVT và UBND tỉnh Phú Thọ nhưng nhận phải sự thoái thác khéo khiến doanh nghiệp “phát sốt” vì nguy cơ vỡ phương án hoàn vốn.
Vỡ phương án thu phí cầu Hạc Trì |
Cầu Hạc Trì được đầu tư với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng, được thông xe vào tháng 5-2015. Dự án chính thức thu phí hoàn vốn từ tháng 12-2015 với mức khởi điểm là 35.000 đồng/lượt đối với xe dưới 9 chỗ ngồi. Cầu Hạc Trì nằm cách cầu Việt Trì cũ khoảng 300m, bắc qua sông Lô, nối liền hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình mất trật tự tại trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì liên tiếp diễn ra, bởi người dân và lái xe phản ứng việc bị chặn không được lưu thông qua cầu Việt Trì cũ. Nhiều cuộc họp giữa chủ đầu tư, địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã diễn ra để tìm phương án hợp lý nhất nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi đó, chủ đầu tư là Công ty CP BOT cầu Việt Trì cho biết, mỗi ngày thất thoát khoảng 100 triệu đồng tiền phí, vì tình trạng ô tô né cầu Hạc Trì, bất chấp biển cấm vẫn lưu thông vào cầu Việt Trì cũ. Ô tô vẫn tiếp tục lưu thông trên cầu Việt Trì cũ bất chấp đã có biển cấm
Lãnh đạo Công ty CP BOT cầu Việt Trì cho biết, trong phương án tài chính Nhà đầu tư ký kết với Bộ GTVT tại Hợp đồng BOT, thì toàn bộ phương tiện ô tô sẽ lưu thông qua cầu Hạc Trì. Trên cơ sở đó, hệ thống biển báo, biển cấm để phân luồng giao thông qua cầu Việt Trì cũng được lắp đặt đồng bộ. Tuy nhiên, kể từ khi Dự án đưa vào khai thác, một số lượng lớn xe ô tô không chấp hành lệnh cấm, vẫn cố tình lưu thông qua cầu Việt Trì.
Theo tính toán của chủ đầu tư, doanh thu trạm thu phí hiện nay chỉ đạt 200 triệu đồng/ngày, trong khi đó nếu thực hiện cấm nghiêm ngặt ô tô qua cầu Việt Trì cũ thì doanh thu đạt 300 triệu đồng/ngày. Đáng nói, doanh thu theo phương án tài chính đã đề ra là 138 tỷ đồng/năm, tương đương 380 triệu đồng/ngày (khoảng 11,4 tỷ đồng/tháng).
“Như vậy, việc đảm bảo phương án tài chính, thu hồi vốn đầu tư cho Nhà đầu tư theo Hợp đồng BOT đã ký kết trong tình hình hiện nay là hoàn toàn không khả thi”, đại diện Chủ đầu tư bày tỏ.
Các bên “né” trách nhiệm
Nhà đầu tư đã nhiều lần cầu cứu Bộ GTVT và được Bộ này cho phép dùng biện pháp kỹ thuật như rào chắn, đặt ụ bê tông hai đầu cầu Việt Trì cũ để ngăn ô tô lưu thông. Nhưng, việc làm này đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của người dân trên địa bàn phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, và ụ bê tông đã phải dời đi.
Để giải quyết, UBND tỉnh Phú Thọ kiến nghị Công ty CP BOT cầu Việt Trì miễn phí cho phương tiện dưới 7 chỗ không kinh doanh của người dân phường Bạch Hạc. Đồng thời, xem xét giảm phí cho phương tiện ô tô dưới 7 chỗ không kinh doanh của người dân xã Sông Lô, hoặc người dân có quê quán ở phường Bạch Hạc có hộ khẩu thường trú ở các xã, phường khác của TP Việt Trì. Song, chủ đầu tư chỉ đồng ý miễn giảm 80% phí cho phương tiện của người dân trên địa bàn phường Bạch Hạc; đối với xã Sông Lô giảm 60%.
Phương án chưa ngã ngũ và hiện tại, ô tô vẫn lưu thông qua cầu Việt Trì cũ, né trạm BOT cầu Hạc Trì khiến nhà đầu tư bất an và cầu cứu Bộ GTVT. Trả lời nhà đầu tư, Bộ GTVT cho biết, miễn hay giảm phí cho các phương tiện như thế nào là tùy thuộc vào nhà đầu tư. Nhưng khoản miễn, giảm phí cho các phương tiện Nhà đầu tư không được tính vào phương án hoàn vốn, tức thời gian hoàn vốn không được kéo dài hơn hợp đồng đã ký là 20 năm 8 tháng.
Trả lời về việc không hỗ trợ nhà đầu tư trong việc kiểm soát, ngăn chặn phương tiện vẫn lưu thông qua cầu Việt Trì cũ dù đã cắm biển cấm, ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho rằng, chủ đầu tư chỉ giảm 80% nhưng tỉnh muốn miễn phí 100% cho phương tiện của người dân phường Bạch Hạc.
“Cái này là để phục vụ lợi ích cho người dân, phương tiện của người dân phường Bạch Hạc cũng không nhiều, miễn hẳn 2 năm không thu phí cho người dân thì có làm sao”, ông Bùi Minh Châu bày tỏ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh này cũng cho rằng, Tổng cục Đường bộ đã cắm biển cấm ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì cũ, nhưng việc cấm là của Bộ GTVT không phải trách nhiệm của tỉnh.
Rõ ràng, khi xây dựng cầu Hạc Trì, phương án tài chính cũng như phương án phân luồng giao thông đã được các Bộ như Tài chính, GTVT và địa phương thống nhất. Nhưng, khi cầu hoàn thành, đi vào thu phí gặp phải sự phản ứng của người dân địa phương thì các bên đều “né”, bỏ lại chủ đầu tư với phương án tài chính có nguy cơ vỡ. Đây cũng là bài học cho các địa phương trong việc kêu gọi dự án BOT trong thời gian tới.
Theo An Ninh Thủ Đô