QH vừa nhất trí với tỷ lệ phiếu cao bầu ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ giữ chức Phó Thủ tướng.
Cậu học trò nghèo giỏi nhất vùng
Trên báo Dân Việt cách đây không lâu, bạn đọc đã được chứng kiến qua lời kể đầy tự hào của bà Võ Thị Cầm (mẹ của GS.TS Vương Đình Huệ) và những người bạn học về tuổi thơ “dữ dội” của ông. Theo đó, mẹ của tân Phó Thủ tướng
Ông Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm đến đời sống đồng bào vùng cao và công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới |
Nhắc lại kỉ niệm thời thơ ấu của ông Huệ, mẹ Võ Thị Cầm kể lại “từ năm 6 tuổi, cu Huệ đã phải quần quật làm việc nhà, tìm rau nấu cám cho lợn, cùng anh chị ra biển cào nghêu, bắt ốc, nhặt cá rơi. Những năm học cấp 1 rồi lên cấp 3, trên người nó lúc nào cũng chỉ độc có 1 cái áo thôi. Lỡ gặp mưa là phải vắt phơi khô để mặc lại. Đói ăn, thiếu mặc nhưng chưa khi mô nó đòi hỏi điều gì. Nó hiểu được nỗi vất vả của mẹ nên hễ đi học về là lại lao ra biển cào nghêu, bắt ốc để đỡ đần mẹ, rồi đi chăn trâu cho người ta kiếm gạo.
Thầy giáo Hoàng Văn Thái - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 1- là người bạn học những năm cấp 3 với Ông Vương Đình Huệ, cho biết: "Huệ học giỏi không những nổi tiếng ở Nghi Lộc mà cả tỉnh Nghệ An. Năm lớp 10 (năm 1974), lúc đó cả tỉnh đang khó khăn mà Huệ vẫn được tỉnh Nghệ An tặng cho chiếc xe đạp về thành tích học tập thì phải biết độ siêu về học hành của cậu ấy thế nào rồi. Bây giờ dạy học trò, chúng tôi vẫn nhắc nhở các em về tấm gương bác Vương Đình Huệ”.
GS.TS Vương Đình Huệ, ủy viên Bộ Chính trị, tân Phó Thủ tướng Chính phủ |
Đến những dấu ấn riêng
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13, ông Vương Đình Huệ được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Mặc dù đứng trên cương vị tư lệnh ngành Tài chính trong thời gian không dài, nhưng những dấu ấn mà ông Huệ để lại cho thị trường vẫn rất đậm nét với những kinh nghiệm quý.
Thậm chí, một số nhà chuyên môn đánh giá rằng, đây chính là thời gian thị trường tài chính - chứng khoán có nhiều biến động nhất.
Sau 2010, nền kinh tế Việt Nam chịu hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lạm phát Việt Nam lên đến hai con số, doanh nghiệp đình đốn hoạt động, thị trường chứng khoán suy giảm kéo dài.
Trong bối cảnh như vậy, sự kiện "lịch sử", ngày 21/8/2012 - ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên thành viên sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu bị bắt. Những thông tin đồn đoán tiêu cực lập tức tác động đến cổ phiếu của tất cả các ngân hàng đang niêm yết trên sàn rồi lan tỏa ra toàn thị trường. Sau 3 ngày, thị trường này "bốc hơi" tổng cộng 5,6 tỷ USD. Đà giảm điểm nối dài trong suốt 2 tháng sau đó kéo thị trường chứng khoán vào thời kỳ đen tối nhất kể từ khi ra đời.
Đích thân Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã bất kể thời gian, giờ giấc họp bàn cùng lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước để đưa ra những kế sách “giải cứu” hữu hiệu nhất. Ông cũng suy tính với tầm nhìn rộng và quyết định để Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước "đăng đàn" khẳng định sự tồn tại của thị trường và cảnh báo những vi phạm của một số công ty chứng khoán muốn "bán khống", trục lợi… nhằm ổn định tâm lý và lòng tin của nhà đầu tư.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho hay, trong bối cảnh nguy nan lúc đó, việc Việt Nam đã giữ cho thị trường vận hành an toàn, liên tục, không bị gián đoạn, sụp đổ, để rồi sau đó trở lại đà tăng trưởng ấn tượng quả là dấu ấn lớn nhất.
Tiếp nối thành công đó, những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam không ngừng đứng vững trước thử thách và những biến động, đồng thời đạt được nhiều thành công mới.
Ông Huệ cũng từng để lại dấu ấn đậm nét trong chỉ đạo điều hành giá xăng, dầu được dư luận đánh giá rất cao qua sự kiện này.
Sau thời điểm ấy, tháng 12/2012, ông Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, làm việc với Ban Kinh tế TƯ |
Đặc biệt là đề án Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế; Tổng kết 30 năm đổi mới phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Báo cáo cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; phát triển công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới v.v...
Ban Kinh tế T.Ư cũng đã thực hiện thẩm định 31 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiêu biểu như các đề án: Chủ trương giải quyết Tập đoàn Vinashin; Chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Phương án kết thúc đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA Việt Nam - EU; Việt Nam - Liên minh Á - Âu; Hiệp định TPP,...); Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế Phú Quốc, Kiên Giang…
Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động nghiên cứu để cụ thể hóa, làm rõ nội dung các vấn đề kinh tế lớn trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XII.
Đối với hệ thống Ngân hàng và tổ chức tín dụng, dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, các thành viên đã rất dày công nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện tình hình 4 năm thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về các lĩnh vực trọng tâm như đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, tài chính - ngân hàng…
Minh chứng cho những đánh giá trên, PGS. TSKH. Nguyễn Văn Đặng, người từng có 13 năm làm nhiệm vụ Phó trưởng ban Kinh tế TƯ (trước đây), ông Đặng đã nhận xét, chỉ ra 5 nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất làm nên thành công của Ban Kinh tế TƯ thời gian qua, trong đó đáng chú ý là “Tập thể lãnh đạo và cán bộ của Ban Kinh tế TƯ luôn bám sát thực tiễn của đất nước, trân trọng và thực sự cầu thị lắng nghe những ý kiến và thực tiễn đổi mới, chú trọng tổng kết thực tiễn của đất nước, đồng thời coi trọng tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, trân trọng học hỏi và vận dụng những kinh nghiệm, những cách làm hay của thế giới, phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, có sự đồng thuận cao của nhân dân”.
Nguyên Phó ban Kinh tế TƯ PGS. TSKH. Nguyễn Văn Đặng cũng đánh giá, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, tham mưu của Ban Kinh tế TƯ dưới sự chỉ huy của ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ thời gian qua là những cán bộ không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ để đáp ứng nhiệm vụ được giao; học hỏi từ chính thực tiễn của nhân dân, đất nước, học hỏi những đúc kết thực tiễn - lý luận của Việt Nam và thế giới, coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý; thực sự chân thành lắng nghe các đề xuất mới, dân chủ và đoàn kết cùng thảo luận để tìm ra những "chân lý tương đối" phù hợp cho từng thời kỳ phát triển của đất nước. Đoàn kết, thực sự trân trọng lắng nghe, phối hợp chặt chẽ cùng đội ngũ cán bộ của hệ thống các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học trong việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và đề xuất những chủ trương, chính sách mới.
Đại biểu Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng ở tân Phó Thủ tướng
Là một chuyên gia kinh tế, chia sẻ về cá nhân ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhận xét, "Tôi được biết ông Vương Đình Huệ đã được đào tạo về lý thuyết có hệ thống, đồng thời trải nghiệm qua các chức vụ như: Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Trong cả nghiên cứu lý thuyết lẫn điều hành thực tiễn, ông ấy đã có những trải nghiệm và có kết quả, đặc biệt ông ấy tham gia trọn vẹn trong thời kỳ tổng kết đổi mới đất nước ta 30 năm qua. Với những từng trải về mặt thực tiễn, có hệ thống về mặt lý thuyết, lý luận, đường lối, quan điểm, ông ấy có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới".
Đặc biệt, ông Kiêm nhấn mạnh, "về các vấn đề tình hình kinh tế thị trường, áp dụng các nguyên tắc thị trường và những vấn đề hội nhập sâu rộng hơn, nếu Ông Huệ được giữ vai trò của Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, với dàn cán bộ được bố trí trong khối kinh tế được bố trí tương đối đồng đều, mạnh mẽ với quan điểm đúng đắn, đồng bộ từ dưới lên trên, tôi cho rằng nền kinh tế sẽ có những chuyển biến tốt hơn, mặc dù bắt đầu nhiệm kỳ năm 2016 là khó khăn".
Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với ông Cao Sỹ Kiêm, chia sẻ sự kỳ vọng và tin tưởng vào những gương mặt mới. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Với riêng ba đồng chí: Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, cá nhân tôi có sự tin tưởng rất cao các đồng chí nói trên sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên cương vị mới.
“Riêng đối với đồng chí Vương Đình Huệ, đã trải qua nhiều cương vị như Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đều hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, với cương vị Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Vương Đình Huệ đã có những đóng góp lớn và rất sáng tạo vào việc xây dựng, thẩm định các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, lĩnh vực, kịp thời tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội về chiến lược phát triển kinh tế. Tôi tin tưởng, cùng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng, đồng chí Vương Đình Huệ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giúp Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Quốc hội và nhân dân giao phó”,ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Đoàn Phú Yên cho rằng: Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu với thế giới, muốn có kinh tế vững, đội ngũ lãnh đạo cao nhất của đất nước cần những gương mặt am hiểu, nhiều kinh nghiệm và thành công trong thực tiễn. Chia sẻ về cá nhân Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã nhận xét: đồng chí Vương Đình Huệ là lãnh đạo đã dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế trọng điểm, là người có học hàm, học vị giáo sư - tiến sỹ về lĩnh vực kinh tế..., có tầm nhìn, tư duy chiến lược, có năng lực cụ thể hoá và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tin tưởng rằng đồng chí Vương Đình Huệ có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Trong khi đó, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết, về nhân sự, ông Huệ là một cán bộ được đào tạo cơ bản, có trình độ sâu về lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền tệ.
Ông cũng từng kinh qua nhiều chức vụ như Tổng kiểm toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương... “Với bề dày kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, kinh qua thực tế, tôi tin rằng nhiệm kỳ tới tập thể Chính phủ và cá nhân ông Huệ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó” – ông Thụ tin tưởng.
Phân tích về những thuận lợi của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua và nhìn nhận những thách thức của nhiệm kỳ tới, ông Thụ cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là chất lượng hoạt động của nền kinh tế còn hạn chế, năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, chỉ số ICOR lớn, sức cạnh tranh hàng hóa thấp, nhập siêu lớn, các cân đối vĩ mô chưa thực sự vững chắc…
“Nếu chỉ đạo không cương quyết, không thay đổi về chất của nền kinh tế, thì trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, nguy cơ đổ vỡ sẽ xảy ra với doanh nghiệp yếu kém, doanh nghiệp vừa và nhỏ - chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế” – ông Thụ
Ông Thụ cho rằng, các vấn đề này đặt gánh nặng lên tập thể Chính phủ trong đó có cá nhân Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.
“Nội bộ Chính phủ cần duy trì sự đoàn kết, phát huy dân chủ, trí tuệ, tập hợp ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, lắng nghe ý kiến phản hồi của doanh nghiệp… để hoàn thiện công tác quản lý. Đồng thời cần phân công cụ thể cho từng Bộ trưởng, Chính phủ phải điều hành quyết liệt hơn nữa, không chỉ dừng ở tuyên nguyên, lời nói mà biến thành chương trình, hành động cụ thể” – ông Thụ nói.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng nhìn nhận, đây không chỉ là việc cố gắng của riêng Chính phủ, mà Quốc hội không ban hành thể chế, tạo động lực cho nền kinh tế thì cũng không thể phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp không vào cuộc, đầu tư trong ngoài nước không gia tăng và quản trị doanh nghiệp không có hiệu quả thì chất lượng nền kinh tế cũng không tăng được…
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa Lê Nam thì cho rằng, gánh nặng nhiệm kỳ tới là rất nặng nề với cả Thủ tướng và cả bộ Chính trị. "Lấy tiền đâu cân đối thu chi, lấy tiền đâu cho phát triển, đó là chưa nói tới áp lực hội nhập thế giới sâu rộng hơn, chấp nhận cuộc chơi toàn cầu… Tôi tin là tập thể Chính phủ và Bộ chính trị sẽ vượt qua được với những tư duy mới, với sự táo bạo, biết lựa chọn các khâu đột phá và tình hình đất nước sẽ tốt" - ông Nam kỳ vọng.
Theo Tổ Quốc