Những cái đầu đang nóng lại thêm nóng khi cuối cùng thì Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp tục khất lần kết luận về nguyên nhân biển chết dù sự việc xảy ra đã 20 ngày.
Có vẻ như ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại của Formosa, đã tâm sự rất đúng về sự lựa chọn hoặc là thép, hoặc là cá.
Bạn không thể đánh thức những kẻ đang giả vờ ngủ. Trong hình: Cuộc họp báo dị thường, trong vòng 10 phút đồng hồ của Bộ TN-MT ngày 27/4. Ảnh: Dân Trí |
Trong buổi họp báo đó, lãnh đạo Formosa khẳng định rằng: “Việc có liên quan đến tình trạng cá chết hay không thì các cơ quan chức năng đã và đang điều tra. Chúng ta hãy chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng. Công ty chúng tôi cũng rất mong các cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân cá chết, gỡ bỏ mối nghi ngờ của dư luận”.
Quả bóng lúc này được đá sang cho phía Chính phủ Việt Nam và chính quyền Hà Tĩnh.
Và đúng như lời ông Phàm tâm sự, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã phải lựa chọn “thủy triều đỏ” là nguyên nhân gây ra cá chết hòng lần lữa và né tránh công bố nguyên nhân.
Thật khó có thể hình dung chính quyền Hà Tĩnh, nơi Formosa đặt nhà máy, có thể lựa chọn cá và sinh kế của người dân trong chuyện này. Thay vào đó, họ phải quyết liệt bảo vệ các nhà đầu tư FDI lớn.
Điều đó không liên quan gì đến câu chuyện môi trường kinh doanh tốt nơi chính quyền và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung với nhau, thấu hiểu nhau mà ngược lại là một sự méo mó trong cạnh tranh.
Cần phải hiểu rằng những đại gia đầu tư nước ngoài luôn được ưu ái, từ thời hạn thuê đất đến thuế thu nhập doanh nghiệp, từ các điều kiện cơ sở hạ tầng, điện nước, nhân lực…
Và các công ty đa quốc gia luôn hiểu được vị thế hùng mạnh của mình và biết cách để chính quyền phải nhượng bộ.
Đấy là điều mà các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là nhỏ và vừa, trong nước nằm mơ cũng không thấy mà chỉ thấy mở mắt ra là hết thanh tra môi trường đến thanh tra thuế dồn dập hỏi thăm.
Chính quyền địa phương buộc phải bảo vệ các nhà đầu tư lớn hàng tỉ đô la Mỹ như Formosa, nếu không thì họ sẽ không đến đầu tư, và địa phương sẽ mất đi một nguồn thu nhập đáng kể.
Như ở Vĩnh Phúc chẳng hạn, với nhà máy Honda hay Toyota, theo lời một chuyên gia, 70% ngân sách của tỉnh này có nguồn thu từ đây. Nhà máy này cũng nuôi sống rất nhiều hộ gia đình và khiến cho kinh tế ở đây phát triển.
Dĩ nhiên, các công ty đó, ngoài các ưu đãi, còn có những đặc quyền riêng. Như Toyota chẳng hạn, dám ra cả điều kiện với Chính phủ đòi hỗ trợ 2 tỷ USD nếu không thì họ sẽ rời bỏ Việt Nam.
Vì thế, cũng không lạ gì khi hầu như các tỉnh thành đang trải thảm chạy đua thu hút nhà đầu tư lớn, với những ưu đãi vượt khung, chưa có tiền lệ trong khi mà các khu công nghiệp, các khu kinh tế mọc như nấm.
Cho nên, cũng thật dễ hiểu là tiếng nói của các nhà đầu tư lớn rất có trọng lượng vì để có được cam kết của nhà đầu tư, chính quyền phải có những cam kết khác.
Vì thế, cũng chính ông Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã khẳng định như đinh đóng cột trên tờ Tuổi Trẻ: “Chúng ta phát triển kinh tế nhưng không bao giờ chấp nhận đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, thì cũng chính ông đã nổi nóng với phóng viên VTV “Em hỏi thế là tổn hại cho đất nước”.
Và cũng chính vì thế cho nên các nghiên cứu chưa thể nào phát hiện ra nguyên nhân độc tố gây ra cá chết có chất nào phù hợp với hơn 40 loại hóa chất mà Formosa nhập khẩu vào để súc rửa đường ống hay không.
Như lời một câu ngạn ngữ của một bộ tộc thổ dân da đỏ ở Mỹ: “Bạn không thể đánh thức một người nếu như người đó đang giả vờ ngủ”.
Trần Hoàng Phi
Theo BSA