Kể từ khi có quy định áp giá trần dịch vụ ăn uống ở các cảng hàng không, tình trạng mỳ “chém” phở “chặt” tuy đã giảm bớt nhưng vẫn chưa thực sự làm hài lòng hành khách. Lợi dụng một số khách hàng chọn món theo quán tính, một số nhân viên đã “lập lờ” để khách chọn một món nhưng phải trả nhiều thứ tiền khác nhau mà không hề biết trước.
Mới đây, một vị khách đã nếm trái đắng khi phải trả tới 105.000 cho một bát phở tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, khách hàng này đã phải móc ví trả một số tiền “không tưởng” đối với một bát phở. Theo hóa đơn, một tô phở thập cẩm tại tiệm phở này có giá 105.000 đồng, trong đó bao gồm 55.000 phở trẻ con + 30.000 thịt mềm + 20.000 phở người lớn.
Bát phở 195 nghìn và "trí khôn" của tiệm phở sân bay Tân Sơn Nhất |
"Hôm qua "được" thưởng thức một tô phở giá 195.000 đồng tại BigBowl trong ga nội địa, sân bay Tân Sơn Nhất.
Bụng đói nên mình tranh thủ thời gian trước khi bay vào xơi tô phở. Thấy BigBowl đề hình ảnh tô phở hấp dẫn, giá 55.000 đồng, nên gọi. Bạn tiếp viên niềm nở "anh dùng phở bò, gà hay thập cẩm ạ?". Mình bảo cho mình một tô tái-nạm và hai chai nước suối.
Ung dung móc ví ra cầm tờ 100.000 đồng, "chảnh chọe" tin rằng vẫn còn tiền thừa, không ngờ cô gái bán phở in tờ hóa đơn và báo "Dạ của anh 145.000". Mình choáng! Định thần lại nhìn hóa đơn thì thấy em ấy ghi trong này hai, ba thứ như trong ảnh.
Mình thắc mắc tại sao kêu 55.000 mà tính thêm nhiều vậy. Hỏi ra mới hay vì "anh yêu cầu tái-nạm, tức là thêm thịt". (mỗi phần thịt được thêm giá 30.000 nhưng khách không hề được biết).
Bát phở 195 nghìn và "trí khôn" của tiệm phở sân bay Tân Sơn Nhất |
Cô gái xinh xắn mang phở ra, mình giữ lại hỏi tiếp: Vậy tô phở giá 55.000 là phở cho "trẻ con" hả em? Cô ấy trả lời "Dạ". Mình thắc mắc là sân bay này không biết từ khi nào lại phục vụ cho khách chính là trẻ con? Mình hỏi tiếp "Vậy hồi nãy nếu may mắn anh gọi phở thập cẩm (có năm món thịt) thì tô phở của anh sẽ là: 55.000 phở trẻ con + 20.000 phở người lớn + 120.000 tiền thịt. Nghĩa là 195.000 hả em?". Cô gái ái ngại trả lời (cười rõ xinh): "Dạ".
Thế tại sao quán không niêm yết luôn giá "người lớn" là 75.000 và lưu ý khách về việc gọi các loại phở? Cô gái này không trả lời, chỉ bảo ở đây có camera giám sát nên em không được phép nói chuyện nhiều với khách, rồi lấy hóa đơn trên bàn dọn vào luôn.
Dù tiệm BigBowl niêm yết 55.000 và ghi "+ 20.000 tô lớn" nhưng khi thực khách order thì không giải thích, dường như "làm lơ" để khách hiển nhiên dính cái màn hết sức khó chịu này. Hóa ra, một tô phở thập cẩm có giá đến 195.000; còn một tô phở có vài lát thịt cho em bé ăn thì giá 55.000.
Đó là chưa tính đến chuyện hai chai nước suối 40.000, trong khi các tiệm thức ăn nhanh, tạp hóa bán cho khách ngồi máy lạnh, dùng Wi-Fi uống chỉ có 5.000 đồng/một chai.
Tôi không biết gọi cái màn của BigBowl là trí khôn của một tiệm phở hay là gì. Tôi nhớ ngày tôi đến Nhật. Người ta ăn uống ở sân bay cũng không khác so với các nhà hàng bình dân bên ngoài. Thế nên người ta ăn uống, mua sắm trong sân bay y như siêu thị vậy. Nhất là người nước ngoài. Không phải họ chỉ chuộng đồ Nhật, mà còn vì giá cả rất phải chăng.
Quan điểm của tôi là giá trong sân bay có thể cao hơn bình dân bên ngoài nhưng không thể cao hơn gấp bốn lần (400%) như giá chai nước suối; hay như gấp ba lần giá tô phở bên ngoài.
Thứ hai, việc niêm yết giá phải minh bạch đúng nghĩa, chứ không phải chơi theo kiểu lập lờ để khách order một món mà phải trả nhiều thứ tiền khác nhau, trong khi họ không hề biết trước.
Chưa biết gọi cái kiểu làm ăn vầy là gì, đành gọi đó là "trí khôn"!"
Theo Bình Sơn (Pháp Luật TP HCM)