Thảm họa môi trường chưa từng có dọc theo bờ biển các tỉnh miền Trung những ngày qua như một cú sốc mạnh đối với hàng triệu người dân. Thiếu kinh nghiệm xử lý, cả hệ thống chính trị nhanh chóng bộc lộ nhiều yếu kém, hành động lúng túng và chậm chạp khiến người dân thêm hoang mang trước rừng thông tin kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở các tỉnh và thành phố lớn, dẫn đến một số thiệt hại không mong muốn. Tiếc thay…
Giá như… chính quyền các cấp, đặc biệt là Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận, tích cực kiểm soát sự cố, phối hợp với Bộ Tài nguyên – Môi trường và yêu cầu Formosa đóng cửa nhà máy, ngừng xả thải, chờ kết quả xét nghiệm và kết luận chính xác từ cơ quan điều tra. Đồng thời khoanh vùng thiệt hại, có cơ chế hỗ trợ kịp thời cho ngư dân giúp người dân bớt hoang mang thì đâu đến nỗi xảy ra các cuộc biểu tình (cho dù có sự kích động từ các phần tử phản động), đâu đến nỗi ngư dân phải đổ cá, vốn là nguồn kế sinh nhai của cả gia đình, chắn ngang đường quốc lộ để phản đối.
Giá như… ngay khi xảy ra sự việc, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa tin chính xác, kịp thời và đầy đủ cho người dân cả nước, hạn chế các bài báo tiêu cực, cố ý cắt xén phát biểu của đại diện các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương, thậm chí của Formosa, cho mục đích giật tít câu view. Mà thay vào đó là yêu cầu chính quyền các cấp hành động trách nhiệm hơn, đồng thời đứng ra kêu gọi, tổ chức các chương trình hướng về miền Trung để chia sẻ những mất mát của ngư dân, giúp họ ổn định cuộc sống sau thảm họa thì sự cố đã không diễn biến như hiện nay.
Các đối tượng vẫn tươi cười chụp ảnh khi bị tạm giữ. Họ có gì? Áo khoác nền vàng ba sọc, áo thun in biểu tượng No-U (cánh tay của Việt Tân)… |
Giá như… mỗi người dân Việt Nam không chỉ lên án hành động chậm chạp, thiếu khoa học và rốt ráo của các cấp chính quyền trong xử lý thảm họa, không chỉ xuống đường biểu tình thể hiện tiếng nói, mà đồng loạt chìa bàn tay ra giúp đỡ các nạn nhân đang gánh chịu thiệt hại nặng nề bằng những chuyến xe chất đầy gạo, mắm muối tiến thẳng về 4 tỉnh miền Trung thì ý nghĩa biết mấy.
Anh CSGT được người biểu tình tặng hoa, cảm ơn vì các lực lượng công an đã giữ gìn trật tự và dọn đường cho đoàn biểu tinh hôm 01/05 |
Biểu tình không có nghĩa là phản động, vì Điều 25 Hiến pháp nước Việt Nam năm 2013 cho phép người dân quyền được biểu tình trong ôn hoà. Nhưng nếu trở thành công cụ lợi dụng cho một số đối tượng trà trộn kích động leo thang bức xúc, dẫn đến đập phá tài sản các doanh nghiệp, công cộng thì đó chỉ là hành động phá hoại đất nước. Bởi lẽ, tiền đền bù thiệt hại sau các cuộc biểu tình chính là ngân sách, là mồ hôi nước mắt, là sức lao động của nhân dân và chính đồng bào bị thiệt hại, vụ Hải Dương 981 chính là bài học nhãn tiền cho tất cả chúng ta. Chúng ta cần tỉnh táo, hãy khoan tin vào những đoạn clip ngắn được ghi hình và cắt xén có chủ ý hoặc biến thể qua lời nhiều người.
Giá như… các lực lượng giữ gìn trật tự đừng “đối mặt” với đoàn biểu tình, mà hỗ trợ dẹp đường, phát nước miễn phí, thậm chí đứng cùng với những người dân đang mong muốn thể hiện ý kiến và tiếng nói thì hay biết mấy.
Cần nhìn nhận rằng, văn hóa xử lý biểu tình của chúng ta còn nhiều thiếu sót, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để bôi xấu đất nước và lực lượng công an trước công luận quốc tế và trong nước. Chúng ta không thiếu hình ảnh các chiến sĩ tươi cười với đoàn người biểu tình, điều tiết giao thông để đoàn người di chuyển an toàn và không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nhưng không được chia sẽ trên Internet. Rõ ràng, lực lượng chức năng cùng các cơ quan truyền thông chưa chủ động phối hợp trên mặt trận thông tin, vốn được các tổ chức phản động sử dụng bài bản và mạnh mẽ.
Một thảm họa môi trường chưa từng có đã phơi bày tất cả những hạn chế, yếu kém của đất nước:
– Cả hệ thống chính trị không có kinh nghiệm xử lý thảm họa, vào cuộc thiếu đồng bộ, chậm trễ trong việc công bố nguyên nhân gây cá chết trên cơ sở khoa học, chưa kể hàng loạt phát ngôn bất nhất từ đại diện các Bộ ngành khiến người dân hoang mang, bất an;
- Văn hóa xử lý biểu tình của các lực lượng công an và giữ gìn trật tự còn nhiều yếu kém, tạo kẽ hở cho các thế lực nước ngoài lợi dụng kích động bạo loạn;
- Vấn đề bảo vệ môi trường chưa thật sự được quan tâm đúng mực, doanh nghiệp chưa có trách nhiệm bảo vệ môi trường, công tác quản lý về xử lý nước thải yếu kém, chưa kể khâu xét duyệt hồ sơ đầu tư, dự thầu tại Việt Nam còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch, chưa chọn các doanh nghiệp, nhà đầu tư có trách nhiệm với môi trường và người lao động; và
– Sự vô tâm, thiếu trách nhiệm khi đưa tin của một số tờ báo khiến cuộc khủng hoảng dư luận trầm trọng hơn.
Như ĐBQH Lê Văn Lai từng phát biểu: “Chúng ta hãy đánh giá đúng, chỉ có đánh giá đúng mới đưa ra chủ trương đúng và kế sách đúng”. Chỉ có nhìn nhận đúng và đầy đủ căn nguyên, gốc rễ của vấn đề mới giải quyết tận gốc thảm họa, tạo sự tin tưởng, tín nhiệm của người dân và tránh được những điều đáng tiếc trong những ngày qua.
Thùy Linh/trandaiquang.vn