Thứ Ba

Các 'ông lớn' Fast Food có thực sự chỉ kinh doanh thức ăn nhanh?

Nhắc đến KFC, Jollibee, Lotteria hay Mc Donald’s,… người ta thường liên tưởng đến những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh mở rộng khắp thế giới. Có thực sự các doanh nghiệp này giàu lên nhờ thức ăn nhanh?

Không chỉ mở chuỗi của hàng lớn tại các quốc gia châu Âu "phồn hoa đô hội" mà ngay tại các nước ở châu Á, những “người khổng lồ” chuyên kinh doanh thức ăn nhanh này cũng đã nhanh chân đến và chọn cho mình một vị trí đẹp để thuận tiện kinh doanh và mở rộng thị phần.

Các 'ông lớn' Fast Food có thực sự chỉ kinh doanh thức ăn nhanh?
Nhắc đến KFC, Jollibee, Lotteria hay Mc Donald’s giới trẻ và thậm chí đại đa số người dân đều nghĩ ngay đến những thương hiệu thức ăn nhanh trên thế giới với chiếc bánh kẹp Hamburgers, những đùi gà rán cay giòn hay những hộp gà không xương thơm ngát cùng vị tương ớt đặc trưng của mỗi của hàng.

Tính riêng trị giá thương hiệu của McDonald’s, doanh nghiệp này luôn nằm trong Top 10 các thương hiệu hàng đầu thế giới với trị giá khoảng 80 tỷ USD và đang sở hữu 45% và 70% nhà hàng trong chuỗi 34.500 cửa hàng của mình trên toàn thế giới.

Một câu hỏi được khá nhiều người thắc mắc, không lý nào một doanh nghiệp chỉ kinh doanh chính là gà rán hay bán bánh Hamburgers lại có thể có nguồn thu hàng chục tỷ mỗi năm, mở rộng hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia. Và tại mỗi quốc gia khác nhau, họ luôn chọn cho mình những vị trí đất "vàng", vị trí đất mà ngay cả doanh nghiệp bản xứ cũng không “đủ tiền” để thuê kinh doanh. Vậy, thực chất những “gã khổng lồ” Fast Food này ngoài việc kinh doanh chính là thức ăn nhanh ra, thì họ còn đang kinh doanh những gì?

Ray Kroc, người sáng lập McDonald’s trong một buổi diễn thuyết tại Đại học Texas từng nói: “Này các bạn, tôi không kinh doanh Hamburger. Tôi kinh doanh bất động sản!”.

Tại sao Ray Kroc lại nói như vậy?

Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận thực tế phương thức mà những ông chủ thức ăn nhanh này đang sử dụng đó là ứng dụng kép một cách hoàn hảo giữa dòng tiền và lãi vốn đan xem vào nhau.

Và như chúng ta dễ dàng nhận thấy, hầu hết các thương hiệu nhượng quyền lớn hiện nay mà báo chí đưa tin thì khi về đến Việt Nam thì họ đều lựa chọn cho mình những mặt bằng kinh doanh là bất động sản đẹp. Những bất động sản này đều sở hữu những vị trí đắc địa như góc hai mặt tiền, tọa lạc ngay những cung đường sầm uất hoặc tọa lạc ngay tại những dự án căn hộ hoành tráng với giá trị hàng nghìn tỷ USD.

Cách tiếp cận của các thương hiệu nhượng quyền bất động sản này với những mảnh đất vàng không chỉ đơn thuần với việc thuê một mặt bằng “tạm bợ” để kinh doanh kiếm lời từ những sản phẩm thức ăn nhanh. Vấn đề ở đây là họ sẽ đàm phán mua hoặc sẽ nhờ đối tác tài chính trung gian hỗ trợ mua lại toàn bộ mặt bằng này.

“Lợi dụng” uy tín đã xây dựng từ lâu trên thị trường thế giới, thật sự không quá khó khăn để các thương hiệu thức ăn nhanh như KFC, Jollibee, Lotteria hay Mc Donald’s có thể huy động vốn từ nguồn vốn ngân hàng. Và bước kế tiếp, họ chỉ cần bỏ ra số vốn bằng 1 phần 3 số tiền mua lại bất động sản đó, hai phần ba số tiền còn lại đã có ngân hàng hay các đối tác là công ty tài chính lo.

Số tiền lãi cộng với lợi nhuận hàng tháng sẽ được trả bằng chính dòng tiền hoạt động kinh doanh của thương hiệu đó. Điển hình như KFC sẽ trả bằng dòng tiền kinh doanh từ việc bán gà rán, còn Mc Donald sẽ trả bằng dòng tiền kinh doanh Hamburger…

Sau một vài năm kinh doanh, các “gã khổng lồ” này dần dần sở hữu các bất động sản tại chính nơi họ đặt cửa hàng. Và sự thật, dù có trải qua chu kỳ đóng băng hay suy thoái thì tính chất bất động sản vẫn tăng giá theo thời gian.

Vì vậy, sau một vài năm kinh doanh, bất động sản họ đang sở hữu cũng tăng giá trị so với số tiền định giá ban đầu. Điều này khiến cho các thương hiệu nhượng quyền sau thời gian sẽ tăng giá trị và tài sản sẽ tăng lên rất nhiều.

Đây là một cách để họ tích lũy tài sản bằng việc kinh doanh nhượng quyền kết hợp bất động sản.

Một Tổng Giám đốc kinh doanh bất động sản tại Quận 7, TP.HCM trăn trở, chia sẻ với phóng viên Người Đưa Tin: “Nếu bạn thấy một cửa hàng lớn nào đó của nước ngoài đã mở tại vị trí mặt tiền rất đẹp của nước ta thì chúng ta không nên vui mừng quá. Bởi lẽ, một bất động sản đẹp và giá trị của chúng ta đang dần thuộc về họ”.

Ngọc Diễm/Nguoiduatin.vn