“Vì là lần đầu tiên nên ta chưa có kinh nghiệm xử lý vụ việc. Hôm nay Thủ tướng cũng đã rút kinh nghiệm thông tin các địa phương báo cáo lên Thủ tướng còn chậm, thụ động. Còn với Chính phủ, việc xử lý của Thủ tướng rất sớm, chủ động và quyết liệt”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định.
Chiều tối nay (5.5), sau phiên họp của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ đầu tiên kể từ khi Chính phủ được kiện toàn. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì một cuộc họp báo Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4.2016. Ảnh: VGP |
Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông báo nhanh về nội dung chính cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 diễn ra trong hai ngày 4-5.5.
Bộ trưởng Dũng cho biết, trong cuộc họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã thống nhất xây dựng một Chính phủ hiệu quả, nói không với tham nhũng, với tiêu cực, một Chính phủ làm gương cho xã hội mọi vấn đề, nói đi đôi với làm.
Chính phủ cũng khẳng định tăng cường kỷ cương phép nước, chấn chỉnh tình trạng thực thi kỷ cương phép nước không nghiêm, đặc biệt trong khu vực hành chính công.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề chuyển mạnh từ Chính phủ hành chính sang Chính phủ phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo của chính quyền các cấp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ phân định rõ chức năng quản lý của thị trường, phân cấp, phân quyền mạnh. Những vấn đề nào thị trường làm tốt thì để thị trường làm. Chính phủ chỉ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách. Tiến tới dần xóa bỏ cơ chế xin - cho, đây là nội dung Chính phủ sẽ quyết tâm thực hiện.
Quan tâm việc phân cấp cho bộ ngành, địa phương, không được đùn đẩy lên Chính phủ những việc mình có thể làm tốt, gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.
Đề cao vai trò trách nhiệm của các thành viên Chính phủ và thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trong vấn đề tháo gỡ vướng mắc, xây dựng sự phối hợp các bộ, ngành, địa phương.
“Các định hướng này được các thành viên Chính phủ đồng lòng nhất trí cao”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Với câu hỏi của phóng viên, trong nửa tháng qua, đã có hai cuộc kiểm tra về vấn đề môi trường với Công ty Formosa Hà Tĩnh do Bộ Công Thương và Bộ TNMT thực hiện. Vì sao phải có hai cuộc kiểm tra do hai bộ thực hiện gần nhau như vậy?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Tình trạng cá chết tại miền Trung là việc hết sức nghiêm trọng nên việc vào cuộc của Chính phủ, Đảng, Nhà nước và các cơ quan khác là hết sức cần thiết. Bộ Công Thương thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình khi tiến hành kiểm tra Công ty Formosa Hà Tĩnh, không chỉ một mà hai cuộc. Cuộc đầu là kiểm tra theo định kỳ. Sau đó Bộ cũng tổ chức 2 đoàn kiểm tra về việc vận hành của Formosa có đúng hay không, có đảm bảo các yếu tố về an toàn lao động hay không, thiết bị xử lý ra sao? Đoàn thứ hai kiểm tra riêng về việc sử dụng hóa chất Formosa nhập khẩu vào VN.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cung cấp một số con số mới được cập nhật: Cả năm 2015 cho đến nay, Formosa nhập khẩu 384 tấn hóa chất, trong đó 103 loại hóa chất được đăng ký và chấp thuận. Còn riêng từ đầu năm 2016, Formosa đã được nhập khẩu 224 tấn với 43 loại hóa chất, mục đích sử dụng là làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất khử khuẩn, ổn định độ pH của môi trường nước… Riêng từ đầu năm tới nay đã sử dụng 51 tấn hóa chất. Đây là những hóa chất được phép sử dụng và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật Việt Nam. Bộ TNMT đã vào cuộc kiểm tra vấn đề này và sẽ có báo cáo gửi Chính phủ.
Trước câu hỏi Chính phủ có lúng túng hay không trước tình trạng cá chết hàng loạt ở miền Trung, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ: “Vì là lần đầu tiên nên ta chưa có kinh nghiệm xử lý vụ việc. Hôm nay Thủ tướng cũng đã rút kinh nghiệm thông tin các địa phương báo cáo lên Thủ tướng còn chậm, thụ động. Còn với Chính phủ, việc xử lý của Thủ tướng rất chủ động và quyết liệt. Đặc biệt ngày 1.5, Thủ tướng và 18 thành viên Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan khác vào hiện trường để nghe 5 tỉnh miền Trung báo cáo tình hình vụ việc, tìm giải pháp để sớm ổn định tình hình cho bà con ngư dân”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
“Phải khẳng định Thủ tướng Chính phủ đã rất chủ động và sớm chỉ đạo quyết liệt vụ việc này. Thủ tướng đã chỉ đạo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào trực tiếp nơi xảy ra vụ việc, cử các Bộ trưởng liên quan cùng các nhà khoa học vào trực tiếp xem xét, đánh giá, các bộ, các cơ quan khoa học cùng vào cuộc”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Ông cũng cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ KHCN chủ trì phối hợp với Bộ TNMT, Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên, mời các chuyên gia nước ngoài cùng với chuyên gia trong nước xem xét, đánh giá với tinh thần dựa trên những kết luận khoa học, những chứng cứ xác đáng để kết luận công khai, minh bạch vụ việc với công luận và nhân dân.
Thủ tướng cũng giao cho Bộ TNMT trên cơ sở các kết luận khoa học để phát ngôn chính thức, rà soát các dự án liên quan đến xả thải dọc biển miền Trung, giao Bộ NNPTNT có cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân bị thiệt hại, giao cho NHNN khoanh nợ cũ, cho vay mới để ngư dân sớm ra khơi đánh bắt, giao Bộ Công an xem xét các yếu tố kích động liên quan vụ việc.
Tiếp nối thông tin, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn cho biết: "Khi phát hiện tình trạng cá chết, Thủ tướng chỉ đạo kịp thời, riêng tôi cũng được Thủ tướng cũng chỉ đạo vào nắm bắt tình hình thực tế tại 4 tỉnh miền Trung. Đi thực tế, tôi thấy rằng không chỉ ngư dân mà những người làm hậu cần nghề cá cũng ảnh hưởng, du lịch cũng bị ảnh hưởng. Còn vì sao chúng ta không khoanh vùng khu vực bị ảnh hưởng hẹp hơn khu vực từ 20 hải lý trở về? Câu trả lời là để đảm bảo độ an toàn cao hơn".
Bộ trưởng Tuấn nói thêm: Vừa qua, có một số cơ quan báo chí đưa tin chuẩn xác, giúp cơ quan Nhà nước và nhân dân nắm bắt tình hình, giúp cảnh báo, dự báo các nguy cơ tiếp theo. Bên cạnh đó có những cơ quan báo chí đưa tin quá mức, suy diễn quá mức trong khi cơ quan chức năng đang xem xét. Cơ quan báo chí đưa kết luận trước cả cơ quan chức năng.
Bộ trưởng đề nghị cơ quan báo chí đưa tin hai chiều. “Chúng ta cấm người dân thu gom để sử dụng, tiêu thụ và chế biến các hải sản ở khu vực ven bờ chết không rõ nguyên nhân hoặc gần chết. Còn đối với các loại hải sản đánh bắt xa bờ thì người dân hoàn toàn yên tâm sử dụng. Đặc biệt là các loại cá nằm ngoài khu vực từ 20 hải lý trở ra”, Bộ trưởng Bộ TTTT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tuấn kể lại: Có những ngư dân họ khóc vì đánh bắt xa bờ cả 150 hải lý về mà không ai mua, phải đổ cả ra đường. “Vì thế việc đưa tin phải trung thực, chính xác, khách quan, đảm bảo cơ sở khoa học, không gây hoang mang trong dư luận”, Bộ trưởng Tuấn chốt lại.
Trước đó, ngày 4.5, tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2016; nghe báo cáo về việc xử lý sự cố môi trường gây cá chết hàng loạt ở một số tỉnh ven biển miền Trung; Tờ trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế…
Nhấn mạnh phiên họp này có ý nghĩa đặc biệt khi Chính phủ vừa có 21 thành viên mới và Chính phủ khoá XIII còn khoảng 3 tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ cần đồng tâm hiệp lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ đã đề ra.
Thủ tướng nêu rõ: Ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn, chúng ta phải đối phó với rất nhiều vấn đề phát sinh như tăng trưởng kinh tế quý I thấp hơn cùng kỳ năm trước (5,46% so với 6,12%); lạm phát 4 tháng đã tăng 1,33%, trong khi sức ép về tăng giá còn rất lớn; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và sự cố môi trường khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung…
Bên cạnh đó, còn tồn tại một số khó khăn, thách thức như kỷ luật, kỷ cương còn lơi lỏng; còn tình trạng sử dụng nhiều biện pháp mang tính hành chính, ít tính thị trường; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu còn nặng nề; việc xây dựng thể chế còn bất cập…
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về một số biện pháp với tinh thần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6,7%, lạm phát ở mức 5%.
“Chính phủ tôn vinh doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển; đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân; bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân; tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nêu rõ và đặt vấn đề: "Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp hay không?".
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ cho người dân, nhất là người yếm thế trong xã hội.
“Có dân là có tất cả. Không có dân là không thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ: “Phải chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân; phải nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.