Mùa ĐHĐCĐ năm ngoái, hàng loạt ngân hàng không chi một xu cổ tức cho cổ đông và tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn trong năm nay, thậm chí là nhiều năm tiếp theo.
"Cổ tức 0 đồng" diễn ra ở nhiều nơi
Điệp khúc "Năm nay chúng ta sẽ không chia cổ tức" được lặp lại ở nhiều Đại hội đồng cổ đông ngân hàng, thậm chí đã trở thành câu nói quen thuộc mà cổ đông phải nghe triền miên vài năm nay.
Masan 7 năm không chia cổ tức |
Còn đây là nỗi niềm của một cổ đông của PGBank: "Tôi có tiền đều dồn gửi tiền tại PGBank và theo dõi hoạt động PGBank,. Trong 2014 và 2015 đều không chia cổ tức, mặc dù các quỹ tích lũy và các khoản chia được. Tôi trăn trở suy nghĩ 3 năm nay ngân hàng đều có lãi, không nhiều thì ít nhưng không được nhận cổ tức. Hy vọng năm nay được nhận cổ tức động viên tinh thần".
Đó là nỗi buồn của những cổ đông nhận "cổ tức 0 đồng" trong 3 năm nhưng đâu đó còn có những cổ đông chờ đợi mong ngóng triền miên trong 5 năm liên tiếp.
Tại ĐHĐCĐ ngân hàng Techcombank, phần thảo luận tập trung xoay quanh phần phát biểu của 3 cổ đông. Họ đã lần lượt đứng lên chất vấn một cách gay gắt về việc tại sao từ năm 2011 đến nay ngân hàng quên quyền lợi của cổ đông, không chia một xu cổ tức cho cổ đông, trong khi thù lao của lãnh đạo vẫn cao.
Điểm chung trong nỗi bức xúc của cổ đông là tại sao ngân hàng không chia lãi cho cổ đông trong khi ngân hàng làm ăn vẫn có lãi, thậm chí là lãi nghìn tỷ.
Còn cổ đông của những ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu thì sao? Chất vấn một cách thẳng thắn với lãnh đạo của ngân hàng SCB, cổ đông băn khoăn về việc không được chia cổ tức và tại sao ngân hàng phải trích lập dự phòng quá lớn trong thời gian qua.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc ngân hàng trần tình: "Chúng ta đang trải qua quá trình “tích tụ tư bản” dưới hình thức trích lập dự phòng có tài sản đảm bảo đi kèm. Quá trình này rất đau đớn và mệt mỏi nhưng tôi hy vọng cổ đông chia sẻ quan điểm đó và chia sẻ việc lợi nhuận chỉ 111 tỷ đồng hay không chia cổ tức".
Ai sẽ bảo vệ quyền lợi của cổ đông?
Chia sẻ với chúng tôi tại nhiều Đại hội, các cổ đông ngậm ngùi cho biết họ đã mua cổ phiếu ngân hàng ngay từ những ngày đầu, trải qua nhiều khó khăn nhưng đến giờ khi ngân hàng hoạt động có hiệu quả thì NHNN lại kiểm soát chặt việc chi cổ tức.
Trước sự bức xúc đến phẫn nộ tại nhiều cuộc họp cổ đông vừa qua, các ngân hàng đã phải hứa hẹn sẽ trình NHNN kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông.
Điển hình tại VietABank, nhiều cổ đông tỏ thái độ bức xúc khi ngân hàng dự kiến không chia cổ tức cho năm 2015. Trước thắc mắc này, ban lãnh đạo ngân hàng Việt Á đã phải phân bua rằng để tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng, mở rộng mạng lưới và quy mô ngân hàng, NHNN khuyến khích các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu, bởi vốn chủ sở hữu của các ngân hàng còn nhỏ do vậy hầu hết các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Ông Phương Hữu Việt cho biết ngân hàng sẽ trình phương án lên NHNN dùng nguồn lợi nhuận sau thuế để phát hành cổ tức cho cổ đông.
Tương tự, lãnh đạo của ngân hàng Maritime Bank cũng hứa hẹn: "Chúng tôi sẽ trình NHNN và chờ cơ quan này chấp thuận, nếu NHNN đồng ý chúng tôi cũng sẽ chia".
Trong năm 2015, cổ đông của những ngân hàng như VietinBank, PGBank, Maritime Bank, Techcombank, TPbank, NCB, SCB, Saigonbank,...đều không chia cổ tức. Theo quan sát của người viết và căn cứ vào kế hoạch trong tương lai, nhiều ngân hàng sẽ còn nói 'không' với cổ tức trong nhiều năm tới. Và câu hỏi vẫn chưa có lời đáp: Ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho những cổ đông nhỏ lẻ này.
Kim Tiền
Theo Trí thức trẻ